Ca sĩ, giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam Thùy Dung chia sẻ với phóng viên VTC News về việc ngày càng có nhiều bạn trẻ quyết tâm trở thành ca sĩ, dù đôi khi họ không có chất giọng hoặc chỉ mới nổi tiếng bằng một vài clip trên mạng.
- Là giảng viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, chị nghĩ sao về việc ngày càng có nhiều bạn trẻ khát khao trở thành ca sĩ?
Trở thành ca sĩ với những hào quang trên sân khấu, những lời tung hộ, cuộc sống sang chảnh như một ma lực đối với rất nhiều bạn trẻ. Do đó, có rất nhiều bạn, mới chỉ nghịch ngợm làm một vài clip vui lên mạng, được bạn bè tung hô theo kiểu xã giao nhưng vội vã nuôi mộng trở thành ca sĩ.
Hoặc có những bạn trẻ, học văn hóa chưa chuyên cần lắm nhưng lại muốn tìm con đường dễ dàng, không mất nhiều công sức và có thu nhập tốt, thế là cũng tìm đến ước mơ trở thành ca sĩ. Những trường hợp như thế này, trong suốt quá trình giảng dạy, tôi gặp không ít.
Với những bạn như thế này, nếu giọng hát lại quá yếu, chênh phô và nhiều yếu tố chưa phù hợp, tôi khuyên họ nên tạm gác ước mơ lại. Nếu tôi cứ nhận một khoản học phí to đùng của bố các bạn ấy gửi thì tôi sẽ làm uổng phí cả thanh xuân của các bạn ấy. Các bạn nên dùng tuổi trẻ của mình để theo đuổi một mục đích khác, sẽ có ích hơn cho chính các bạn ấy và cho mọi người xung quanh.
Tôi cùng từng gặp những ánh mắt ầng ậng nước, nhìn tôi đầy bất lực của những bậc cha mẹ khi không ngăn được con theo đuổi mong muốn làm ca sĩ. Nhìn các con chỉ tốt nghiệp lớp 12 cho có, không học nghề, không học trung cấp, đại học mà cứ mơ mộng viển vông khi giọng không có, nhưng ảo tưởng là mình hát hay rất tội nghiệp.
Đây là hậu quả đến từ nhiều yếu tố, trong đó có thế giới mạng. Những hiện tượng ca sĩ mạng trong thời gian qua khiến nhiều bạn trẻ thấy việc làm ca sĩ dễ quá, nhanh giàu quá. Điều này khiến tôi cảm thấy rất xót xa.
Ca sĩ, giảng viên âm nhạc Thuỳ Dung.
- Nhưng thưa chị, thời gian vừa qua đúng là có rất nhiều ca sĩ nổi tiếng nhờ các sản phẩm phát hành trên mạng. Thậm chí, người ta còn sáng tạo ra cả một cụm từ mới để chỉ những người này – “ca sĩ TikTok”?
Tôi luôn quan niệm, khi là ca sĩ nổi tiếng hay khi trở thành giảng viên dạy âm nhạc giỏi thì sứ mệnh của mình đều là làm sao lan toả được âm nhạc tới mọi gia đình, để thực sự mỗi phút giây hiện hữu của âm nhạc đều mang lại sự thư thái, đẹp đẽ và chữa lành.
Thế nên với những ai, dù coi ca hát là tay phải hay tay trái, là “ca sĩ TikTok” thì họ cũng đã góp phần nhân lên được tình yêu ca hát ở các các bạn trẻ và mang lại những giây phút giải trí cho khán giả. Theo tôi đó là mặt tích cực.
Tuy nhiên, nếu các bạn ấy chưa chuẩn kỹ về chuyên môn, vội vàng ra mắt khán giả hát live thì hậu quả sẽ là vui ít, buồn nhiều.
TikTok có thể giúp các bạn nổi tiếng bằng một vài đoạn nhạc nhỏ nhưng khán giả của các sân khấu trực tiếp lại nghe bạn bằng cả nhiều bài hát trọn vẹn, không gian dối, không hát nhép, không có quá nhiều sự hỗ trợ của công nghệ phòng thu, liệu các bạn đã đủ bản lĩnh để làm để làm được điều đó?
Nổi tiếng trên mạng và chinh phúc được khán giả ở những sân khấu hát live là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Khi bước ra sân khấu live, các bạn ấy có đủ sức nhận cả tấn lời chê của khán giả không? Khán giả ngày nay rất khó tính, không phải sẽ nói những lời nhẹ nhàng, có những người rất phũ miệng.
Nếu không có thực lực, e rằng các bạn khó có thể vượt qua được những áp lực đó. Nổi tiếng trên mạng và chinh phúc được khán giả ở những sân khấu hát live là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
- Chi Pu từng tuyên bố: "Ở Việt Nam, cầm mic lên thì đã được gọi là ca sĩ". Chị nghĩ sao về quan niệm này?
Tôi nhớ lần đầu khi được gọi là ca sĩ Thuỳ Dung, lúc đó tôi bồi hồi kinh khủng. Một cô sinh viên piano sau một cuộc thi hát nhạc nhẹ toàn quốc được giải Nhì là điều không tưởng với thầy cô, gia đình và bạn bè, nay lại được gắn tên vào danh xưng quá đỗi đẹp đẽ ấy. Đó là niềm vinh hạnh lớn đối với tôi, là điều tôi rất trân trọng.
Sau đó tôi đã thi ngay vào khoa thanh nhạc, học cật lực để mở rộng quãng giọng và biết sử dụng các kỹ thuật thanh nhạc. Từ đó, tôi mới đủ tự tin mỗi khi xưng mình là ca sĩ.
Tôi hay trò chuyện với học sinh là thích bài "Anh ơi ở lại" của Chi Pu . Tôi từng hát lại ca khúc này cho học sinh nghe. Tôi cũng tếu táo với học sinh của mình rằng Chi Pu xứng đáng nhận giấy khen dũng cảm. Lý do vì cô ấy hát không tốt nhưng đi diễn lại dám hát live với chất giọng quá yếu. Tôi đánh giá cao cô ấy dũng cảm là ở điểm đó. Hơn nữa, cô ấy không lừa dối khán giả bằng cách hát nhép. Những người mang danh ca sĩ nhưng lại đi hát nhép còn tệ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, theo tôi Chi Pu chỉ nên giới thiệu bằng tên trước khi ra biểu diễn, tạm thời cất danh xưng cô ý mơ ước đi đã, không chúng tôi thấy cũng tủi thân.
"Chi Pu không lừa dối khán giả bằng cách hát nhép, những người mang danh ca sĩ nhưng lại đi hát nhép còn tệ hơn rất nhiều".
- Chị đánh giá thế nào về thành công của Chi Pu trong show truyền hình ở Trung Quốc hiện đang làm mưa làm gió trên mạng xã hội hiện nay? Liệu với những gì cô ấy đã thể hiện, cô ấy đã xứng đáng với danh xưng ca sĩ chưa?
Tôi có xem qua phần biểu diễn của Chi Pu. Cô ấy quá xinh đẹp, diễn tốt, đầu tư cẩn thận, thần thái cuốn hút. Tuy nhiên chúng ta chỉ cần giới thiệu: "Sau đây là phần biểu diễn của Chi Pu" , là hợp lý nhỉ!
- Đối với một ca sĩ thì việc hát live là rất quan trọng, tuy nhiên khán giả ngày nay đôi khi họ chỉ muốn gặp được thần tượng của mình trên sân khấu, không quá quan trọng tới giọng hát. Sự tràn lan của các ca sĩ mạng cho thấy khán giả ngày nay đang quá dễ dãi với việc thưởng thức âm nhạc?
Tôi không bao giờ nghĩ các khán giả dễ dãi vì khi họ đã yêu quý một ca sĩ nào đó thì việc hát live hay phải là tất yếu. Đằng sau sự hâm mộ phải là sự tôn trọng về chuyên môn thì mới là tình yêu của mộ khán giả đích thực.
- Là một thế hệ ca sĩ đi trước cũng như giảng viên âm nhạc, chị đánh giá thế nào ở thế hệ ca sĩ trẻ hiện nay?
Tôi không thể phủ nhận việc các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ hiện nay giỏi. Nhiều bài hát rất hay mà sâu sắc nhưng ca từ rất đời, giản dị như chúng ta trò chuyện hàng ngày. Đó là điều mà họ chinh phục các bạn trẻ rất nhanh vì chạm vào cảm xúc của họ. Tôi cũng chạm vào miền cảm xúc tươi mới khi được nghe các bạn ấy trình diễn.
- Với những học trò của mình, chị đưa ra lời khuyên thế nào khi các em muốn theo đuổi âm nhạc nhưng khả năng không cho phép?
Với tôi, giúp các học trò có một tư duy âm nhạc tốt và văn minh là chìa khoá để các em chọn các cánh cửa phù hợp với cuộc đời mình. Tôi cố gắng mức cao nhất để giúp các em hiểu đúng về khả năng của mình, không phung phí một khoảng thời gian quý báu nào của thanh xuân.
Ca sĩ Thuỳ Dung bên các sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
- Gần đây có nhiều ca khúc nhạc Việt như "See tình", "Bên trên tầng lầu"…được nhiều khán giả quốc tế chú ý. Theo chị, liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy, nhạc Việt đang vươn tầm thế giới chưa?
Tôi đã rất vui khi đọc các thông tin các ca sĩ trên thế giới đã đặt hàng và mặc trang phục của các nhà thiết kế Việt Nam trong các sự kiện quan trọng tầm cỡ. Và còn vui hơn khi các bài hát của các nhạc sĩ Việt Nam được vang lên ngoài biên giới bằng các ngôn ngữ khác nhau. Khoảng cách về âm nhạc, thời trang trên bản đồ văn hoá có vẻ đã mờ đi ranh giới đôi chút.
Thế hệ nghệ sĩ ngày nay rất giỏi và tôi đánh giá cao sự nắm bắt xu hướng âm nhạc của các bạn ấy. Nhưng tất nhiên sự tự do, phóng khoáng cần phải được xuất phát từ một nền tảng văn hoá hiểu biết, nếu không sẽ sinh ra những sản phẩm méo mó kỳ dị. Chúng ta hãy cùng chờ đợi phút giây đang đi trên một đất nước nào đó bỗng nhiên nghe thấy giai điệu quen thuộc. Lúc đó chắc tôi sẽ vui lắm khi nói: "Bài hát này là của nhạc sĩ Việt nam chúng tôi đấy". Và sự thân thiện lại được âm nhạc nhân lên nhiều lần.
- Theo chị, chúng ta cần phải làm gì để ước mơ âm nhạc Việt Nam xuất khẩu ra thế giới trở thành hiện thực?
Câu hỏi này có lẽ tôi xin nhường lại cho các nhạc sĩ và các nhà sản xuất âm nhạc. Những nghệ sĩ như chúng tôi chỉ muốn được góp phần bằng cách đào tạo các giọng ca trẻ hát hay hơn, tư duy âm nhạc tốt hơn, cố gắng lan toả lòng yêu nghề, sự trân trọng khán giả để các ca sĩ trẻ được khán giả ngày càng yêu thương.
- Cảm ơn ca sĩ Thuỳ Dung về những chia sẻ!