Chi phí sinh hoạt trung bình mỗi tháng khoảng 44 triệu với gia đình 4 người, thành phố đông dân nhất Việt Nam lọt top 10 thành phố có mức sống đắt đỏ nhất châu Á

Khánh Linh |

Chi phí sống cho gia đình 4 người tại thành phố này trung bình là 1.749 USD mỗi tháng, tương đương 44,2 triệu đồng.

Chi phí sinh hoạt trung bình mỗi tháng khoảng 44 triệu với gia đình 4 người, thành phố đông dân nhất Việt Nam lọt top 10 thành phố có mức sống đắt đỏ nhất châu Á- Ảnh 1.

Mới đây CNBC công bố danh sách top 10 thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất Châu Á. Đây được coi là một dấu mốc quan trọng, phản ánh sự phát triển mạnh mẽ sức hút ngày càng lớn của thành phố này.

Theo nền tảng dữ liệu Numbeo - nền tảng cơ sở dữ liệu chi phí sinh hoạt lớn nhất thế giới, chi phí sống cho gia đình 4 người tại TPHCM trung bình là 1.749 USD mỗi tháng, tương đương 44,2 triệu đồng.

Dữ liệu của Numbeo được thu thập từ người dùng thông qua các khảo sát trực tuyến, mang tính chất tham khảo cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các lao động nước ngoài.

Chi phí 1.746 USD mỗi tháng cho gia đình 4 người tại TP HCM được Numbeo tính toán dựa trên công thức với các giả định thói quen chi tiêu trung bình. Theo đó, chi phí không gồm thuê nhà, không có trẻ em đi nhà trẻ và học trường tư thục.

Các thành viên không hút thuốc, không sử dụng ô tô hay taxi, mua sắm quần áo, đồ uống có cồn ở mức độ trung bình. Tuy nhiên, họ yêu thể thao và điện ảnh, với giả định cả 4 đều có thẻ thành viên dịch vụ tập luyện, đi xem phim một lần mỗi tuần.

Đặc biệt, ăn uống tại nhà và bên ngoài chiếm 65% chi phí, tương đương 28,7 triệu mỗi tháng cho 4 người, với điều kiện 10% thời gian là ăn ngoài. Khi ăn ngoài, 50% lựa chọn là ăn nhà hàng hạng sang. Trong khi đó, ăn uống tại nhà một tháng tốn 20,8 triệu đồng, nếu đồ ăn nấu theo kiểu Tây.

Chi phí sinh hoạt trung bình mỗi tháng khoảng 44 triệu với gia đình 4 người, thành phố đông dân nhất Việt Nam lọt top 10 thành phố có mức sống đắt đỏ nhất châu Á- Ảnh 3.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 9 trong những thành phố có mức sống đắt đỏ nhất châu Á

So sánh với các thành phố khác trong khu vực Đông Nam Á, chi phí sinh hoạt tại TP Hồ Chí Minh thấp hơn so với Kuala Lumpur (Malaysia), Phnom Penh (Campuchia), Bangkok (Thái Lan) với 2.322 USD, Manila (Philippines) với 2.213 USD và chỉ bằng gần một nửa so với Singapore khi chi phí tại đây lên tới 4.037 USD.

Còn tại khu vực châu Á, chi phí này cũng khá cao tại các thành phố lớn như Seoul (Hàn Quốc) 4.129 USD, Tokyo (Nhật Bản) với 3.408 USD, Thượng Hải (Trung Quốc) 2.314 USD...

Theo Numbeo, so với New York, chi phí sống cho gia đình 4 người tại TP HCM rẻ hơn 70,5% nếu không phải thuê nhà và thấp hơn 88,3% nếu có thuê nhà. Riêng với người đơn thân không cần thuê nhà thì chi phí sống tiêu chuẩn tại địa phương này khoảng 12,6 triệu đồng.

Cũng sử dụng công thức của Numbeo, một gia đình 4 người bản địa nấu ăn tại nhà theo phong cách châu Á thì tổng chi phí hàng tháng chỉ 37 triệu đồng, tương đương hơn 1.460 USD, nếu không thuê nhà.

Ngoài ra, chi phí có thể giảm xuống hơn nữa còn 32,7 triệu đồng nếu mức sống dè sẻ, bao gồm chỉ ăn ngoài 10% và không ăn sáng, không ai đăng ký hội viên dịch vụ tập luyện, mỗi người chỉ xem phim 2 lần mỗi tháng. Các chi tiêu cho quán cà phê tại quán, quần áo, rượu bia cũng thấp hơn trung bình.

Một số ý kiến cho rằng, số liệu của tổ chức thống kê chưa sát với thực tế ở Việt Nam, vậy nên trước hết chỉ nên xem để tham khảo.

Bởi trên thực tế, nếu hai vợ chồng lương trung bình 22 triệu đồng mỗi người một tháng, thì cũng không nhiều gia đình có thể đạt đến mức này để bình quân. Điều này có nghĩa là nhiều gia đình có mức thu nhập thấp hơn mức này, và do đó, chi phí sống của họ cũng sẽ thấp hơn.

Thứ hai, về chi phí sống đầu ra hàng tháng, các tổ chức thường lấy giá mua sản phẩm từ siêu thị, trung tâm thương mại, tuy nhiên, phần nhiều người dân Việt Nam vẫn thường giữ thói quen đi chợ. 

Và chắc chắn rằng, giá cả tại chợ sẽ thường thấp hơn so với siêu thị hay trung tâm thương mại. Vì vậy chi phí không cần phải 44 triệu đồng mới sống ở thành phố được mà thực tế thấp hơn vẫn sống tốt.

Việc chi tiêu thường phụ thuộc vào thu nhập của mỗi gia đình và thực sự con số của Numbeo có thể đúng với một phần trong cuộc sống của mỗi người dân. 

Song thực tế không thể phủ nhận, TP HCM vẫn là một trong những thành phố có mức sống đắt đỏ của Việt Nam. 

Trước đó, hồi đầu tháng 4, Tổng cục Thống kê đưa ra báo cáo chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2023. Theo đó, Hà Nội là địa phương có mức sống đắt đỏ nhất trên cả nước.

Xét theo tỉnh thành, thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội được lấy làm gốc để so sánh và được tính bằng 100%. Đứng thứ hai là TP HCM với chỉ số SCOLI bằng 98,44% và Quảng Ninh là địa phương đứng thứ 3 cả nước có mức giá đắt đỏ nhất cả nước.

Sự khác biệt về những báo cáo khảo sát trên đã cho thấy, cần phải có những thống kê cụ thể hơn, chính xác hơn về mức thu nhập, chi tiêu của người dân.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại