“Tại khu vực trung tâm Hà Nội và TPHCM, chi phí đỗ xe thuộc nhóm cao nhất trong khu vực”, bà Đỗ Thu Hằng, Phó giám đốc Bộ phận Nghiên cứu của Savills Việt Nam tại Hà Nội nhận định.
Tại trung tâm TPHCM, phí đỗ xe ô tô ở mức 150 USD/tháng. Ở Hà Nội, theo Savills, mức phí này cao hơn một chút.
Dù vậy, mức phí đỗ xe khu vực trung tâm TPHCM và Hà Nội đang ở mức cao hơn nhiều so với các thành phố khu vực như Bangkok, Manila hay Jakarta.
Nhìn vào biểu đồ dưới đây, mức phí đỗ xe tại trung tâm TPHCM và Hà Nội cao gần gấp đôi Bangkok và gần gấp 3 lần Manila.
Mặc dù vậy, nhu cầu chỗ đỗ xe sẽ khó được đáp ứng khi tỷ suất sinh lời của bãi đỗ xe đang thấp hơn so với các hạng mục phát triển khác, chẳng hạn như văn phòng cho thuê, khiến doanh nghiệp không có động lực để phát triển hạng mục này.
“Việc đỗ xe trong trung tâm Hà Nội đang tràn ra 2 bên đường rất nhiều. Có thể nói Hà Nội thiếu chỗ đỗ xe trong khu vực trung tâm”, bà Hằng nói.
Trong khi đó, tại TPHCM, theo thống kê của Savills, chỉ 14% các tòa nhà khu vực trung tâm TPHCM đáp ứng đủ yêu cầu tối thiểu về chỗ đỗ xe.
Chỗ đỗ xe khan hiếm và đắt đỏ, việc bất lợi của sở hữu xe tư nhân đã thấy rõ. Cộng với đó, tình trạng tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm không khí khiến việc di chuyển bằng phương tiện cá nhân ngày càng trở nên khó khăn.
“Việc này khiến phương tiện giao thông công cộng trở thành sự lựa chọn trong tương lai. TPHCM và Hà Nội đang có tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng thấp nhất trong khu vực, mức độ ô nhiễm không khí cao”, Savills nhận định.
Trước đó, dẫn số liệu của Numbeo, Savills cho biết chỉ số di chuyển thiếu hiệu quả (Traffic Inefficiency Index) ở Hà Nội rất cao, chỉ đứng sau Jakarta, Bangkok và Thượng Hải.
Trong khi đó, chỉ số giao thông ở TPHCM đang ở mức tốt nhất so với các thành phố lân cận, tốt hơn cả Hà Nội. Thời gian di chuyển trên cùng 1 quãng đường ở Hà Nội mất tới 45 phút, còn TPHCM chỉ mất 30 phút.