Chỉ hơn 1% dân số được tiêm chủng, 'Lục địa đen' sắp đầu hàng COVID-19

Minh Hạnh |

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi - John Nkengasong cay đắng thừa nhận khu vực này đang dần thua trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.

Làn sóng “tàn khốc” ở châu Phi

Tuyên bố của ông Nkengasong được đưa ra trong bối cảnh làn sóng dịch thứ ba đang quét qua châu Phi, và các quốc gia đang phải vật lộn để đảm bảo nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19.

“Làn sóng dịch thứ ba ập đến trong khi hầu hết các quốc gia không chuẩn bị kĩ càng. Làn sóng này cực kì tàn khốc”, ông Nkengasong nói trong cuộc họp giao ban trực tuyến hàng tuần. CDC châu Phi là cơ quan y tế chuyên biệt của Liên minh châu Phi gồm 55 thành viên.

“Làn sóng thứ ba đang tăng tốc, lây lan nhanh hơn, tấn công mạnh hơn. Đợt dịch này có thể là đợt tồi tệ nhất của châu Phi. Tôi nói thẳng rằng châu Phi đang thua trong cuộc chiến chống lại COVID-19. Do đó, vắc xin dù đến từ chương trình phân phối COVAX hay từ nơi khác đều không quan trọng. Tất cả những gì chúng tôi cần là được nhanh chóng tiếp cận vắc xin.”

Đến thời điểm hiện tại, châu Phi vẫn là châu lục gần như ít bị ảnh hưởng nhất bởi COVID-19. Các quốc gia châu Phi vẫn chưa trải qua thảm họa tương tự Brazil và Ấn Độ. Tuy nhiên, dịch bệnh đang bùng phát trở lại ở ít nhất 12 quốc gia. Và số ca bệnh ở châu lục này dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục trong vòng ba tuần tới.

Tổng số ca mắc COVID-19 ở châu Phi hiện đã lên tới gần 5,3 triệu ca, với gần 140.000 ca tử vong. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là những quốc gia có nhiều ca bệnh nhất châu Phi. Trong đó, Nam Phi ghi nhận số ca bệnh cao nhất với hơn 1,8 triệu ca, Maroc có gần 530.000 ca.

Biến thể Delta (phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ) đã được báo cáo ở 14 quốc gia châu Phi. Biến thể này cũng gây ra phần lớn các ca bệnh ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Uganda.

Các bác sĩ Nam Phi thừa nhận họ đang phải đối mặt với số bệnh nhân đông chưa từng thấy. Không giống như những đợt trước, lần này “hệ thống bệnh viện không thể đối phó được”, Angelique Coetzee, người đứng đầu hiệp hội bác sĩ Nam Phi cho biết. Số ca mắc mới trung bình hàng ngày ở Nam Phi đã tăng gấp 15 lần kể từ đầu tháng Tư, với tỷ lệ nhập viện tăng khoảng 60%.

Namibia và Zambia đang đối diện với biểu đồ số ca nhiễm dốc thẳng đứng. Bộ Y tế Zambia báo cáo số ca tử vong do COVID-19 cao chưa từng thấy, trong khi CDC châu Phi cho biết nước này đã “quá tải”.

Chỉ 1% dân số được tiêm vắc xin

Ông Nkengasong cho biết hiện mới chỉ có khoảng 1,12% dân số châu Phi được tiêm đủ hai mũi ngừa COVID-19. Trên toàn thế giới, khoảng 2,7 tỉ liều vắc xin đã được tiêm, nhưng châu Phi chiếm chưa đến 1,5% trong số này.

Ở châu Phi, tỉ lệ tiêm vắc xin là khoảng 2 liều/100 người. Con số này thấp hơn nhiều so với mức trung bình 68 liều/100 người ở các nước thu nhập cao.

Bảy quốc gia châu Phi đã sử dụng hết số vắc xin mà họ nhận được thông qua COVAX, và bảy quốc gia khác đã sử dụng hơn 80%. Nhưng 23 quốc gia đã sử dụng ít hơn một nửa số liều mà họ nhận được, bao gồm bốn quốc gia hiện đang chứng kiến sự bùng phát trở lại của các ca bệnh. Hiện có hơn một triệu liều AstraZeneca ở 18 quốc gia cần được sử dụng trước khi hết hạn vào cuối tháng Tám, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.

Với tốc độ hiện tại, 90% các quốc gia châu Phi sẽ bỏ lỡ mục tiêu tiêm chủng cho một phần mười dân số vào tháng Chín. Ước tính, để đạt được mục tiêu này, châu Phi cần có thêm khoảng 200 triệu liều vắc xin.

Dù thiếu nguồn cung nhưng nhiều quốc gia châu Phi mới đây đã buộc phải thiêu hủy, hoặc trả lại vắc xin vì không thể tiêm hết số vắc xin này trước khi hết hạn sử dụng. Làn sóng dịch trước đó ở Ấn Độ - “xưởng” sản xuất chính của vắc xin AstraZeneca - đã khiến việc bàn giao vắc xin từ COVAX đến châu Phi bị trì hoãn.

Malawi đã cạn kiệt kho dự trữ của mình vào tuần trước, trong khi hàng nghìn người đã đến thời hạn tiêm mũi thứ hai. Hàng trăm người Zimbabwe đã biểu tình vào tháng trước sau khi trung tâm chủng ngừa chính của Harare hết thuốc tiêm.

Nam Phi cho biết đã có đủ vắc xin Johnson&Johnson và Pfizer/BioNTech để tiêm chủng cho 67% trong tổng số 59 triệu dân của mình. Nhưng việc triển khai tiêm chủng đã vấp phải nhiều khó khăn. Đến nay, mới chỉ có 2,2 triệu người – các nhân viên y tế và đối tượng trên 60 tuổi – được tiêm ít nhất một mũi. Nam Phi giải thích việc chậm tiêm vắc xin là do các yếu tố “nằm ngoài tầm kiểm soát” của chính phủ.

Người phụ trách khu vực châu Phi của Tổ chức Ân xá Quốc tế - Deprose Muchena nhận định: “Việc thiếu vắc xin ở một khu vực có tỉ lệ nghèo đói và bất bình đẳng cao khiến nhiều người cảm thấy họ chỉ còn có thể chờ chết.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại