"Chị Dậu trong tác phẩm "Tắt đèn" tên thật là gì?"

Lân Lan |

Câu hỏi này sau đó đã nhận được sự quan tâm lớn từ cộng đồng mạng.

Trong số phát sóng ngày 16/3 vừa qua, chương trình Ai là triệu phú đã đưa cho người chơi Nguyễn Thị Hoài Thu (đến từ Thanh Hóa) câu hỏi số 8 như sau: "Nhân vật chị Dậu trong tác phẩm "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố có tên thật là gì?" cùng 4 đáp án: Lê Thị Đào - Lê Thị Mai - Lê Thị Xuân - Lê Thị Lan.

Chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn tên thật là gì? - Ảnh 1.

Khi nhận được câu hỏi này, người chơi tỏ ra khá bối rối và hoang mang. Sau đó, chị Nguyễn Thị Hoài Thu đã ngay lập tức phải sử dùng quyền trợ giúp: Hỏi ý kiến người đồng hành. Trong quá trình hội ý, hai người đã quyết định chọn phương án A. Lê Thị Đào. Đây cũng chính là đáp án đúng giúp Hoài Thu nhận phần thưởng 10 triệu đồng.

Câu hỏi này sau đó đã nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng mạng. Không ít người bày tỏ bản thân tuy đã học qua tác phẩm này nhưng không hề biết hoặc không hề để ý tên thật của nhân vật chị Dậu trong tác phẩm "Tắt đèn".

Chị Dậu trong tác phẩm Tắt đèn tên thật là gì? - Ảnh 2.

"Tắt Đèn" là một trong những tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của nhà văn Ngô Tất Tố. Đây là một tác phẩm văn học hiện thực phê phán với nội dung nói về cuộc sống khốn khổ của tầng lớp nông dân Việt Nam đầu thế kỉ XX. Tác phẩm này từng được in trên báo Việt nữ năm 1937. Chị Dậu - nhân vật chính trong tác phẩm được biết đến với hình tượng nhân vật lam lũ vì chồng vì con, trải qua số phận cơ cực, không có lối thoát.

Chị Dậu, tên thật là Lê Thị Đào, sau khi lấy chồng tên Nguyễn Văn Dậu, chị được gọi bằng tên chồng - chị Dậu. Theo nhà văn, trước khi lấy chồng, chị là một cô gái sinh ra trong gia đình trung lưu, xinh đẹp, giỏi giang, tháo vát.

Gia cảnh anh chị Dậu lúc đầu cũng dư giả nhưng vì lo đám ma cho cả mẹ và em trai anh Dậu nên gia đình trở nên túng quẫn. Sau đó, anh Dậu lại mắc bệnh sốt rét, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều đổ lên đôi vai gầy của chị Dậu. Mùa sưu đến, chị Dậu phải chạy vạy khắp nơi vay tiền để nộp cho chồng, nhưng không kiếm đâu ra.

Bần cùng quá, chị phải bán ổ chó mới đẻ chưa kịp mở mắt và cái Tí, đứa con gái đầu lòng 7 tuổi ngoan ngoãn, hiếu thảo cho vợ chồng lão Nghị Quế bên thôn Đoài để lấy hai đồng nộp sưu. Đủ tiền nộp sưu cho chồng nhưng bọn cai trong làng lại ép chị nộp cả tiền sưu cho em trai anh Dậu với lý do chết ở năm ta nhưng lúc đó lịch năm tây đã sang năm mới. Vậy là anh Dậu vẫn bị cùm kẹp chưa được thả.

Nửa đêm, anh Dậu dở sống dở chết được đưa về. Anh dần tỉnh lại trong sự giúp đỡ của bà con lối xóm. Một bà lão hàng xóm tốt bụng cho chị vay bát gạo nấu cháo để anh ăn lại sức. Nhưng vừa kề bát cháo lên miệng, bọn cai lệ và người nhà lí trưởng ập vào ép sưu. Chị Dậu ra sức van xin không được, cuối cùng uất ức quá không thể chịu được nữa, chị đã ra tay đánh cả cai lệ và tên người nhà lý trưởng. Câu nói nổi tiếng của nhân vật chị Dậu: "Mày đánh chồng bà, bà cho mày xem!"

Phạm tội đánh người nhà nước, chị bị thúc giải lên quan. Tên quan huyện lại là tên dâm ô, định ra tay sàm sỡ chị. Chị bèn vứt tọt nắm bạc vào mặt hắn rồi vùng chạy. Sau đó, chị may mắn gặp một người nhà quan cụ trên tỉnh. Người này cho chị 2 đồng nộp nốt tiền sưu và hứa hẹn cho chị công việc vắt sữa của mình để quan cụ uống (do quan cụ đã rụng hết răng không ăn được cơm). Chị bèn về bàn với anh Dậu, cho cái Tỉu làm con nuôi nhà hàng xóm, lên tỉnh làm việc.

Thời gian đầu, chị làm được tiền và gửi về cho anh Dậu. Nhưng vào một đêm tối, quan cụ mò vào buồng của chị định giở trò đồi bại với chị... Tác phẩm kết thúc bằng câu "Chị vùng chạy ra ngoài giữa lúc trời tối đen như mực, đen như cái tiền đồ của chị vậy!"

(Tham khảo: Tác phẩm Tắt đèn - Ngô Tất Tố; Wikipedia)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại