Chỉ cần vài người ra đường không cần thiết có thể khiến việc phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội gặp nhiều khó khăn

Huệ Linh |

Khảo sát tại một số tuyến phố trên địa bàn Hà Nội sáng 5/4 - một ngày sau lệnh xử phạt những người ra đường không cần thiết của Chủ tịch UBND TP được thi hành, hình ảnh chung nhất chúng tôi ghi nhận được là mật độ người và phương tiện tham gia giao thông giảm mạnh.

Đa số những người dân có mặt trên đường đều hướng về các chợ, siêu thị để mua lương thực, thực phẩm. Hầu hết các cửa hàng buôn bán kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã đóng cửa.

Người người ở nhà, tuân thủ không ra đường

Thực hiện nghiêm quy định Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hạn chế tụ tập đông người, chỉ ra đường khi cần thiết để phòng chống dịch Covid-19, gần 1 tuần nay, bà Đặng Thị Dung ở Khu chung cư Ngoại giao đoàn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội gần như không bước chân ra khỏi nhà.

Việc mua nhu yếu phẩm sử dụng cho cả gia đình bà Dung hàng ngày chủ yếu được đặt qua mạng. Ngay cả khi xuống dưới sảnh nhận hàng, bà Dung cũng tuân thủ việc đứng cách xa shipper 2 mét và đeo khẩu trang phòng dịch rất cẩn thận.

“Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp có nguy cơ lây lan cao trong cộng đồng, để đảm bảo an toàn, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo xử phạt các trường hợp ra ngoài đường không có lý do chính đáng từ 4/4. Tôi hoàn toàn ủng hộ sự chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt này bởi chỉ có như vậy mới có thể kiểm tra, cách ly, khoanh vùng hiệu quả những người nếu không may đã nhiễm dịch”.

Cũng theo bà Dung, cá nhân bà đã nghiêm túc thực hiện quy định trên, đồng thời nhắc nhở con cháu tuyệt đối tuân thủ. Nếu như trước kia ngày nào bà cũng xuống công viên đi bộ tập thể dục thì nay việc này được diễn ra trong nhà. Bà Dung  tin rằng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và sự đồng lòng chống dịch của toàn dân thì dịch bệnh Covid-19 sẽ sớm được đẩy lùi.

Chỉ cần vài người ra đường không cần thiết có thể khiến việc phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội gặp nhiều khó khăn - Ảnh 1.

Đường Võ Chí Công (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) rộng rãi, vắng vẻ

Cùng quan điểm nêu trên, ông Phạm Thanh Hùng ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ, hưởng ứng việc thực hiện cách ly xã hội 15 ngày, gia đình ông hiện đã tạm dừng toàn bộ việc kinh doanh, chỉ ra ngoài khi đi mua thực phẩm thiết yếu. Ngay cả khi trong gia đình có người già đau ốm nằm trong bệnh viện, ông Hùng chỉ phân công 1 người thường xuyên túc trực đồng thời kiên quyết từ chối các cuộc thăm hỏi từ người thân, họ hàng.

“Tôi nghĩ đây là thời điểm cần thiết và quan trọng để phát hiện những người nhiễm Covid-19. Nếu tất cả mọi người đều chấp hành tốt quy định cách ly xã hội thì những người đang tiềm ẩn nhiễm Covid-19 sẽ không có cơ hội lây lan sang người khác”.

Cần xử lý nghiêm đối tượng vi phạm quy định phòng chống dịch

Hiện chế tài xử phạt hàng loạt hành vi vi phạm quy định phòng, chống Covid-19 đã được quy định rõ trong BLHS 2015 và các văn bản pháp luật liên quan. Cụ thể, Điểm a Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300.000 đồng đối với cá nhân không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch hoặc là người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế.

Khoản 4 Điều 11 Nghị định 176/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế nêu rõ, người không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10 triệu đồng...

Chỉ cần vài người ra đường không cần thiết có thể khiến việc phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội gặp nhiều khó khăn - Ảnh 2.

Phố Văn Cao (quận Ba Đình, Hà Nội) có khá ít người và phương tiện qua lại

 

Phân tích các quy định trên dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội nhận định, dịch bệnh truyền nhiễm do Covid-19 đã khiến toàn bộ hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân hao tốn rất nhiều công sức, tiền bạc, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Chỉ cần số ít người có ý thức kém là có thể phá hoại công sức của nhiều người, gây khó khăn, thậm chí khiến công tác phòng chống dịch thất bại.

Từ khi Thủ tướng ban hành Chỉ thị cách ly xã hội, hầu hết người dân Thủ đô tự giác thực hiện các biện pháp phòng ngừa, song vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân thường xuyên đi lại ngoài đường. 

Do đó, trong thời điểm này, việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là cần thiết, là yêu cầu bắt buộc đối với mọi người trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, Hà Nội đang nỗ lực thực hiện các giải pháp phòng chống dịch bệnh nên rất cần sự ủng hộ, chia sẻ và đồng thuận của người dân. Việc xử phạt người ra đường nếu không có việc cần thiết (mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác...) là hoàn toàn kịp thời và đúng luật.

Tất cả các tổ chức, cá nhân nào có hành vi chống đối, không chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý, nhằm bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và sự an toàn của cả cộng đồng. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả của hành vi, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS 2015.

“Tôi mong muốn lãnh đạo Thành phố Hà Nội có những biện pháp mạnh hơn nữa để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân, khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp” – Luật sư Hồng Vân đề xuất.

Chỉ cần vài người ra đường không cần thiết có thể khiến việc phòng chống dịch Covid-19 của Hà Nội gặp nhiều khó khăn - Ảnh 5.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại