Đối với sự phát triển của trẻ, điều quan trọng nhất vẫn là môi trường giáo dục trong gia đình. Tuy nhiên, hiện nay cha mẹ thường giúp con cái quá nhiều trong cuộc sống. Điều đó khiến trẻ thụ động và không có nhiều trải nghiệm riêng.
Vậy trong một gia đình, làm thế nào để đo lường chất lượng nuôi dạy con cái? Hãy lưu ý 3 dấu hiệu sau đây:
1. Đứa trẻ có tự lập không?
Diễn viên Hồng Kông (Trung Quốc) Thái Thiếu Phân thường chia sẻ những video, bức hình trên Weibo, cho thấy cô giao cho con nhiều việc nhà như lau bàn ghế, chọn thực phẩm... Khi một phóng viên hỏi cô vì sao lại để trẻ làm việc như vậy mà không lo sợ trẻ đứt tay, làm vỡ đồ, cô nói dạy trẻ nấu nướng, làm việc nhà cũng là một cách giúp trẻ thực hành rèn luyện tính cách.
Đối với trẻ em, tầm quan trọng của khả năng độc lập vô cùng quan trọng, không chỉ liên quan trực tiếp đến việc nắm vững các kỹ năng sống mà còn ảnh hưởng gián tiếp đến việc hình thành tính cách và khả năng chống lại thất bại.
Trong nhiều gia đình, tình yêu thương cho con cái được định nghĩa bằng chiều chuộng. Mọi việc trong nhà con không cần đụng tay, có ba mẹ, ông bà lo, cứ học hành đàng hoàng là được. Chẳng hạn, mặc dù có thể tự ăn nhưng nhất quyết đút cho ăn; rõ ràng có thể giúp việc nhà, người lớn phải dành làm hết; có thể mặc quần áo và tắm rửa, nhưng cha mẹ sẽ xắn tay làm giùm...
Tới khi cha mẹ bận tối mắt tối mũi, kiệt sức nhưng con cái đã hình thành thói quen "há miệng chờ sung", với tay lấy quần áo, thậm chí khả năng tự chăm sóc cơ bản nhất của bản thân cũng không có.... lúc đó, cả hai bên đều cùng khổ sở.
Vì vậy, đánh giá cha mẹ có tốt nuôi dạy tốt hay không thì con cái có khả năng sống tự lập là tiêu chí quan trọng nhất.
2. Bạn có tôn trọng sự lựa chọn của con mình không?
Trẻ em không có quyền lựa chọn, đừng mong chúng phải có tinh thần trách nhiệm. Trong nhận thức của nhiều cha mẹ, con cái còn nhỏ, chưa có khả năng lựa chọn, nên khi gặp vấn đề không cần cân nhắc gì cả, cứ tự mình đưa ra quyết định.
Mặc dù điều này có thể tránh lãng phí thời gian, nhưng nó không có lợi cho việc rèn luyện khả năng tự nhận thức của trẻ. Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, sự lựa chọn của người lớn có thể không đáp ứng được kỳ vọng thực sự bên trong của trẻ.
Trong cuộc sống, nếu muốn nuôi dạy một đứa trẻ xuất sắc, cha mẹ phải đưa ra ít quyết định hơn và để con có lựa chọn. Ví dụ: "Đồ chơi thích cái này hay cái kia?; "Con mặc cái này hay cái kia?"... Việc gì liên quan đến con cái, cha mẹ đều có thể hỏi ý kiến của con. Một khi đã lựa chọn thì cả người lớn và trẻ con đều phải tuân theo, không ai được hối hận.
Việc hỏi ý kiến trẻ em không chỉ là hình thức bề ngoài mà sâu xa thể hiện việc tôn trọng quyền được bày tỏ, lựa chọn của trẻ, từ đó trẻ học cách chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.
3. Bạn có bao dung cho lỗi lầm của con cái?
Con đường trưởng thành của trẻ là quá trình thử và sai liên tục. Nhiều người chọn cách can thiệp ngay khi con cái mắc lỗi, hoặc chọn cách giúp đỡ để giải quyết vấn đề, hoặc đơn giản là mắng mỏ.
Nhưng thay vì can thiệp ngay lập tức, sẽ tốt hơn nếu bạn chọn cách khoan dung, và chỉ lặng lẽ quan sát mọi hành động tiếp theo của chúng. Tạo cho trẻ một quá trình như vậy không chỉ có thể rèn luyện khả năng suy nghĩ bình tĩnh và giải quyết vấn đề mà còn hướng trẻ đến tinh thần trách nhiệm một cách đúng đắn.
Tuy nhiên, bao dung không có nghĩa là phớt lờ hết mọi sai lầm của trẻ. Richard Bromfield, Tiến sĩ tâm lý học tại Trường Y Harvard nói rằng trẻ em thực sự muốn cha mẹ chúng có phong cách, biết đặt ra các quy tắc và hướng dẫn chúng lớn lên bình thường. Một khi cha mẹ thiếu tính kỷ luật, thiếu sự nghiêm khắc dễ dẫn đến con cái sẽ tạo ra những rắc rối và chúng sẽ chờ bao giờ người lớn sẽ ngăn chặn những hành vi ấy...
Muốn hình thành thói quen kỷ luật cho trẻ trước tiên phải thiết lập nguyên tắc và điểm mấu chốt là: trẻ có thể đạt được sự tự do tối đa trong một phạm vi nhất định, nếu đi chệch hướng sẽ có những hạn chế hoặc hình phạt. Nuôi con bằng tình yêu thương nhưng không có nghĩa là bỏ đi tính kỷ luật và cần phải học điều hay lẽ phải, cần biết xin lỗi và sửa sai khi mắc sai lầm với ai đó.
Mỗi đứa trẻ được trao cho người lớn như một tờ giấy trắng, khi viết ra, đậm hay nhạt hoàn toàn phụ thuộc vào cách trau chuốt của gia đình. Nó không khó như tưởng tượng nhưng cũng không hề đơn giản!