Robot sẽ hủy diệt loài người? Đó là câu hỏi đã làm đau đầu rất nhiều bộ não tài năng của nhân loại kể từ khi công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) ra đời và phát triển.
Được kỳ vọng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức con người làm việc và nghỉ ngơi, nhưng đầu năm 2017, giáo sư Michael Wooldridge - một trong những nhà khoa học top đầu của ĐH Oxford đã cảnh báo rằng AI đang trở nên khó kiểm soát hơn.
Chúng bắt đầu phức tạp đến mức những con người tạo ra chúng không còn hiểu, hoặc không thể dự đoán được chúng sẽ làm gì.
Và lời cảnh báo của Wooldridge đã trở thành sự thực, và nó khởi nguồn từ một trò chơi kinh điển của con người. Đó là cờ vua.
AlphaZero là tên của một chương trình trí tuệ nhân tạo, và nó mới ghi danh vào lịch sử, trở thành "kiện tướng cờ vua máy tính" xuất sắc nhất. Nó vượt qua Stockfish 8, hệ AI nắm giữ kỷ lục trước đó trong 100 ván thách đấu.
Công nghệ phát triển, sóng sau xô sóng trước là chuyện bình thường. Tuy nhiên, thứ đáng sợ ở đây là AlphaZero chỉ tự học cờ vua trong vòng 4h. Nó chỉ biết các luật cơ bản, và rồi tự xây dựng cách chiến thắng cho riêng mình.
Với 240 phút, AI này có thể tạo ra những nước đi không thể bị đánh bại, qua đó cho thấy khả năng vượt qua trí tuệ của con người. Thậm chí, có những nước đi chưa từng xuất hiện trong 1.500 năm lịch sử chơi cờ của con người.
Nhưng quan trọng hơn, sau khi kết hợp hàng trăm năm xây dựng chiến thuật của cờ vua, nó còn vượt lên trên cả những người đã tạo ra bộ môn này. Điều này được nhiều kiện tướng cờ vua đồng tình.
Garry Kasparov, kiện tướng cờ vua từng bó tay trước siêu máy tính Deep Blue của IBM vào năm 1997 cho biết: "Khả năng máy móc vượt qua kiến thức hàng thế kỷ của con người, chính là công cụ để thay đổi thế giới."
Garry Kasparov - kiện tướng cờ vua xuất sắc nhất thế giới vào năm 1997 đã bị đánh bại bởi siêu máy tính Deep Blue
Simon Williams, kiện tướng cờ vua người Anh thì cho rằng đây là "một sự kiện lịch sử". "AlphaZero chinh phục thế giới cờ vua... rồi biến toàn bộ con người thành nô lệ" - William bông đùa.
Tuy nhiên, những gì ẩn chứa đằng sau mới khiến con người rợn tóc gáy
Alpha Zero ra đời tại London, là AI với khả năng tự học hỏi của công ty DeepMind (Anh Quốc). Google đã mua lại nó với giá 400 triệu bảng Anh vào năm 2014.
Hiểu đơn giản, Alpha Zero là một thuật toán với nhiều quy luật để tìm ra câu trả lời cho các vấn đề, được gọi là "deep machine learning". Dữ liệu nạp vào càng nhiều, nó sẽ tự học nhiều hơn, bằng cách tái lập trình với những kiến thức mới.
Simon Williams cũng hiểu rất rõ khả năng phát triển của AI
Điều này có nghĩa, khả năng xử lý vấn đề của AI giống như Alpha Zero sẽ ngày càng phát triển mạnh hơn, với tốc độ vượt xa khả năng não bộ của con người. Kết quả có thể thấy rõ bằng bộ môn cờ vua - trò chơi đòi hỏi con người vận dụng trí tuệ rất nhiều.
Tuy nhiên, mục đích tạo ra AI không phải là để đánh cờ. Giờ đây AI bắt đầu được sử dụng để đưa ra những quyết định liên quan đến sự sống và cái chết, mà cụ thể hơn ở đây là chẩn đoán ung thư.
Nơi đầu tiên trên thế giới thử nghiệm AI của DeepMind trong chẩn đoán ung thư là các bệnh viện quốc gia của London, như bệnh viện ĐH College London (UCLH) hay bệnh viện Moorfields Eye.
Theo chuyên gia của Google, các AI sẽ tự học để đọc kết quả xét nghiệm ung thư với tốc độ nhanh và chính xác cao hơn con người rất nhiều.
Điều này có nghĩa rằng những phương pháp như xạ trị, hóa trị có thể tác động chính xác vào khối u trong thời gian ngắn nhất, giúp giảm tác dụng phụ cho con người. Những gì con người làm trong hơn 4h đồng hồ, giờ đây chỉ còn chưa đầy 1h là xong.
Rõ ràng, đây là một tình huống quá tốt cho nhân loại. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như vậy. Đầu tiên là vấn đề riêng tư - các bệnh viện thử nghiệm sẽ phải gửi toàn bộ dữ liệu scan của hàng triệu bệnh nhân về cho Google.
Theo tiến sĩ Julia Powles từ ĐH Cambridge: "Google khi ấy sẽ có quyền truy cập miễn phí vào hệ thống của các bệnh viện quốc gia, dưới danh nghĩa đưa ra một phát minh đột phá và đầy hứa hẹn."
"Nhưng chúng ta sẽ không biết - và cũng không có khả năng biết - Google và DeepMind sẽ làm gì với đống dữ liệu ấy."
Tiếp theo là một vấn đề đáng quan ngại hơn, đó là việc lựa chọn bệnh nhân để chữa trị. Có một thực tế rằng các bệnh viện sẽ không đủ kinh phí và cơ sở vật chất để cung cấp dịch vụ cho tất cả mọi người, nên sẽ có những bệnh nhân phải chờ đợi.
Việc quyết định ai phải chờ, ai được khám thì không phải là thứ có thể để cho một cái đầu quá lạnh của máy móc thực hiện được.
Chúng ta không thể biết được AI hay AlphaZero sẽ tự học điều gì. Nếu nó lấy hiệu quả chi phí để quyết định, nhiều bệnh nhân nguy kịch sẽ phải chết oan uổng. Nhưng nếu đặt tính mạng người bệnh lên quá mức, hệ thống bệnh viện quốc gia lại có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào.
DeepMind hiện đã nắm được vấn đề này. Tháng 10 vừa qua, công ty tiến hành nghiên cứu hệ thống AI có thể tự học về các vấn đề có yếu tố đạo đức. Hiện tại, nó được 8 con người... chỉ dạy, và họ muốn tăng con số này lên 25.
Nhưng liệu 25 con người có đủ để xử lý một trí tuệ siêu phàm với khả năng học hỏi không ngừng? Việc xây dựng AI cũng giống như thả một vị thần ra vậy. Vị thần ấy có thể giúp chúng ta sống dễ dàng hơn, nhưng nếu không kiểm soát thì thảm họa sẽ xảy ra.
AI sẽ "chiếu tướng" con người, nếu chúng ta không cẩn thận.
Nguồn tham khảo: Conversation, Daily Mail