Không lâu sau vụ 28 phượt thủ viết lên Facebook vu khống một cụ già chặt chém họ tại Cà Mau gây bức xúc dư luận thì mới đây, cái tên phượt thủ vốn đã bị mang tiếng rất nhiều lại tiếp tục bị bôi xấu.
Tràn ngập trên các diễn đàn xê dịch là bức ảnh chụp một nhóm (trông giống) phượt thủ hồn nhiên dựng xe bên lề đường và trải chiếu… ngủ trên sát tâm đường.
Nhiều người bày tỏ sự khó hiểu đối với các thanh niên trẻ tuổi khi sẵn sàng trải đồ đắp chăn nằm bên đường.
Ý thức ở đây chỉ là chuyện vặt nếu họ nhận ra rằng, chỉ cần một chiếc xe tải hoặc container vào hơi rộng cua là một tai nạn siêu thảm khốc đã có thể xảy ra. Vấn đề ở đây là nhận thức.
Trong hằng hà sa số những bình luận ngao ngán về ý thức và nhận thức của nhóm (trông giống) phượt thủ này, không ít người đặt câu hỏi: Phượt vốn không xấu, tại sao lại ra nông nỗi này? Bây giờ làm cách nào phân biệt giữa phượt thủ xịn và fake?
Thú thật là tôi vốn không biết phân biệt thế nào cho đến cuối năm ngoái, khi tôi đăng bài lên một diễn đạt phượt nổi tiếng hỏi về cách đi từ Cà Mau tới Đồng Tháp sao cho nhiều trải nghiệm nhất.
Tôi nhận ra rất nhiều điều từ cách các phượt thủ trả lời.
Những phượt thủ xịn dựa trên trải nghiệm của bản thân, và họ chỉ đưa ra tư vấn hoặc các thông tin tham khảo. Những phượt thủ fake áp đặt ý kiến, coi hành trình mình đi qua là hoàn hảo và của những người khác là kém cỏi.
Phượt thủ xịn trải qua một chuyến đi sẽ chỉ nhớ những điều tốt đẹp: Những cung đường đẹp, những điểm dừng chân thơ mộng, những mảnh đời cần sự trợ giúp, những làng quê nghèo khó, nơi trẻ em không có nổi một mái trường tử tế.
Phượt thủ fake thì ngược lại hoàn toàn. Họ có xu thế kể lể về những vất vả đã trải qua, những gian nan họ từng đối mặt để chứng tỏ bản thân thật gai góc, bản lĩnh và sương gió.
Và rồi tôi chợt nhận ra, hình ảnh những thanh thiếu niên ngủ bên vệ đường xuất phát từ tâm lý thích thể hiện này.
Trong khi những phượt thủ đích thực bao giờ cũng lên kế hoạch kỹ càng cho chuyến đi của mình, để đảm bảo 2 yếu tố quan trọng nhất: Trải nghiệm và trên hết là an toàn, thì những phượt thủ fake thích thần thánh hóa chuyến đi của mình sao cho gian nan, vất vả nhất có thể.
Từ động cơ truy ra mục đích. Phượt thủ xịn đi để lấy kiến thức, tích lại và tư vấn cho những người đi sau. Phượt fake đi để lấy thành tích, lấy câu chuyện “chém gió” với chúng bạn.
Nhiều người đi du lịch bụi chỉ để chụp ảnh khoe với chúng bạn.
Và từ mục đích dẫn tới hành động. Những kẻ đam mê xê dịch thật sự sẽ nhớ những cung đường, những lối rẽ. Kẻ rởm đời thì chỉ nhớ những điểm đến, nhớ những vườn hoa đẹp mà chúng lăn xả vào để chụp ảnh, phá hoại.
Phượt thủ xịn nhờ có sự chuẩn bị kỹ càng nên luôn có đầy đủ lương thực, thuốc men cho mọi trường hợp. Phượt thủ fake vì động cơ làm màu nên tự đẩy mình vào những tình huống éo le như đi ăn trộm rau của dân địa phương rồi nấu ăn cho ra vẻ cực khổ.
Phượt thủ xịn sẽ chỉ mang theo những thứ cần cho chuyến đi (quần áo dễ khô, giày không thấm nước…). Phượt fake mang theo tất cả những gì cho những bức ảnh làm màu.
Các chuyến đi của phượt xịn bao giờ cũng có mục đích rõ ràng: Khám phá vùng đất mới, giúp đỡ người bản địa. Phượt fake chỉ chọn đại một điểm đến và lên đường.
Giờ đây các bạn đã có đủ thông tin để phân biệt giữa những phượt thủ xịn và những kẻ nhân danh các chuyến đi hay chưa?
Có người còn thắc mắc thế này: Tại sao trên mạng chỉ lan truyền hình ảnh về những phượt thủ fake mà rất hiếm phượt xịn?
Đơn giản thôi: Vì phượt fake sống ảo, làm màu nên tự tố giác chính mình bằng những bức ảnh. Còn phượt xịn, họ chỉ chụp thiên nhiên mà thôi.