"Phụ nữ ai mà không có nỗi khổ tâm em? Chị cũng vậy thôi. Mà được cái là chị biết dẹp nó qua một bên để vui sống mỗi ngày. Chị không giàu mà chị vui, vậy là đủ".
Đó là câu nói của chị bán bánh ướt gần nhà làm tôi nhớ hoài, nhớ hoài mỗi khi thấy mình chán chán cuộc sống xung quanh.
Có thể, điều kiện sống của tôi hơn chị rất nhiều. Tôi sống trong căn nhà đủ rộng, đi làm trong một công ty mát mẻ điều hòa, ăn và chơi ở những nơi cũng không phải là quá chảnh nhưng với chị, chắc nó cũng đủ sang.
Còn chị, sáng nào cũng vậy, 4 giờ đã đẩy cái xe bánh ướt ra con đường Điện Biên Phủ, rồi xấc bấc xang bang bày biện, cắt rửa nguyên liệu, chuẩn bị bán háng.
Chị tự làm mọi thứ để mưu sinh một mình, trong khi trên đầu chỉ có một cái dù bệ rạc nhỏ nhoi, dưới chân là mặt đường khi thì nóng rát vì nắng, lúc thì ẩm ương vì mưa. Đến trưa trờ trưa trật, chị mới về nhà.
Trong những khoảnh khắc bất chợt, tôi vẫn thấy chị cười. Chị cười nhiều đến nỗi, tôi hình dung cuộc đời của chị chỉ toàn niềm vui.
Vậy mà đôi khi, tôi thấy thua chị rất nhiều về mặt tinh thần. Là khách hàng "mối", tôi chưa bao giờ thấy chị than thở hay kêu ca về số kiếp buôn gánh bán bưng cực khổ trong 20 năm để nuôi 3 đứa con ăn học nên người.
Chị luôn cười trong mọi lúc, mọi khoảnh khắc mà tôi vô tình bắt gặp.
Có lắm khi tôi hỏi sao chị cười hoài vậy, buôn bán vầy không thấy cực hả, chị (lại cười) đáp: "Cưng thấy vậy chứ chị sướng, tại chị biết đủ, chứ không tham".
Chị bán bánh ướt hơn 20 năm nay để nuôi con ăn học.
Chị bán bánh ướt tên là Bạch Tuyết, năm nay đã 51 tuổi. Chị vốn là người miền Tây, nhưng theo chồng lên Sài Gòn hơn 30 năm nay.
Chồng chị không may qua đời năm 2002, rồi từ đó đến nay chị cứ vậy mà nuôi con một mình, không đi thêm bước nữa bởi như chị nói, cuộc sống của chị đã hoàn hảo, cái sự hoàn hảo vừa vặn với chị.
"Thôi, lấy chồng nữa chi cưng. Hồi đó chồng chị mất, chị xác định là ở vậy nuôi con, chị còn đủ sức, với lại khi đó hai đứa con đầu của chị cũng lớn rồi, không cực lắm, cũng chẳng đến mức cần phải có đàn ông để tìm một chỗ dựa.
Chị thấy cuộc sống của mình vậy là ổn. Đi thêm bước nữa thì chắc gì khổ hay sướng. Thôi, chị không dám liều".
Chị Tuyết bảo, chị sướng vì biết đủ, biết điềm nhiên sống bên xe bánh ướt của mình, mỗi ngày.
Phụ nữ mà suy nghĩ được như chị, tôi nghĩ hiếm. Tôi từng biết rất nhiều người, đã gãy đổ một cuộc hôn nhân hay không may chồng qua đời, không chịu nổi cảnh chăn đơn gối chiếc đã đi thêm bước nữa.
Tất nhiên có người sướng nhưng cũng có nhiều người khổ, không ai chắc chắn được cả.
Vậy thì như chị Tuyết lại hay, cứ biết đủ đi, biết hài lòng với cuộc sống hiện tại đi, mà vui cười mỗi ngày. Ai biết được hồi đó đi lấy chồng, giờ này chị sống trong nhung lụa hay khổ tâm? Mà khổ tâm chính là cái khổ lớn nhất đời người phụ nữ.
Hộp bánh ướt nóng nhà làm của chị Tuyết chỉ có giá 15 ngàn đồng. Đủ no bụng cho một bữa sáng đi làm.
"Từ đó tới giờ chị cứ từ từ sống, ngày ngày bán bánh ướt, gặp người này người kia, cười hoài từ sáng tới trưa.
Về nhà ăn cơm với mấy đứa con, tối ngủ một giấc thiệt ngon thì sướng quá còn gì. Ai thích giàu thì thích chứ chị vầy là chị thấy chị hơn nhiều người rồi" – chị Tuyết bảo thế.
Rồi chị tiếp: "Cái chuyện khổ sướng của chị em phụ nữ vô chừng lắm cưng à. Thấy nay sướng vậy chứ mai khổ hồi nào không hay. Cuộc sống mình, mai đi chợ mua gì ăn còn không biết thì sao mà biết chuyện tương lai.
Bởi phải chuẩn bị tâm lý thật vững, khổ có tới cũng vui vẻ chấp nhận. Mà chị thấy vầy nè, buồn khóc cũng hết một ngày, vui vẻ cũng hết một ngày. Vậy thì sao lại không chịu chọn vui cho nhẹ nhàng?".
Với riêng tôi, chị Tuyết là người bán bánh ướt thú vị và giàu năng lượng nhất Sài Gòn.
"Thấy chị bán bánh ướt lề đường vậy chứ chị cũng để ý, ai khổ sướng chị biết. Chị em bán hàng khu này chị quen hết, khách cũng hay tới chỗ chị ăn rồi tâm sự nói chuyện này nọ. Ai buồn thì chị khuyên vài câu cho họ vui thêm, ai vui rồi, gặp chị thì vui hơn nữa.
Tính chị thoải mái, ai cũng cởi mở nói chuyện với chị. Nhiều khi nghĩ chắc chị không có lý do để buồn chứ không phải không biết buồn.
Sáng sáng, mấy ông taxi uống cà phê bên kia cũng hay tới ghẹo chị, tại họ thấy chị vui. Đàn bà gì mà không biết khổ, không biết than, họ nói chị vậy đó".
Nhiều khi chị nói, chị cũng muốn thủ buồn mà sao chẳng có lý do để buồn.
- Chắc ông trời ổng cắt mất của chị sợi dây buồn nào đó trong người rồi. Mà phải biết khổ, biết buồn cho nếm mùi đời chứ chị hả?
- Trời ơi, thì chị cũng có chuyện buồn mà. Nhiều khi mấy đứa nhỏ sinh viên mua bánh ướt mà bán lộn bánh cuốn, chị buồn. Thằng cu trong hẻm ăn nước mắm không cay mà quên bỏ lộn bịch nước mắm có ớt cho nó, chị cũng không vui.
Sáng chị trang điểm, đánh màu son mới mà mấy cha nội xe ôm chạy ngang chê thì mặt chị bí xị. Đó, chị cũng nhiều chuyện không vui chứ bộ em tưởng.
Tuổi đã ngoài 50, thi thoảng chị cũng muốn về quê sống, quây quần bên bà con họ hàng.
"Mà giỡn chơi với cưng vậy thôi. Chứ đời chị thì cũng không phải lúc nào cũng hạnh phúc vậy đâu. Cái buồn của chị lớn nhất chắc là không về quê ở được với bà con dòng họ ở dưới.
Nhiều lúc chị cũng muốn về, mà con cái trên này sống quen rồi, giờ chị bỏ tụi nó về chị không nỡ.
Con cái với chị là niềm vui, động lực của chị bao nhiêu năm nay mà. Đâu phải không có nhà, dưới quê chị nhà rộng lắm, giơ hai tay ra cũng còn dư một khúc. Chỉ có điều không đẹp thôi. Giờ ở đây phải ở nhà thuê".
Sâu trong nụ cười, chị Tuyết cũng có vài nỗi buồn nho nhỏ xoay quanh chuyện buôn bán và lòng tin của con người.
Rồi chị kể thêm, có lẽ đó là lúc hiếm hoi tôi thấy chị thoáng buồn. Chị bảo, nhiều khách tới ăn cứ tra hỏi chị kiểu nghĩ chị buôn bán lề đường vầy, hộp bánh ướt mười lăm ngàn, liệu có tẩm thuốc này nọ vô bánh ướt cũ không, có lấy đồ ôi thiu để bán không, chứ vầy sao có lời.
"Chị kể cưng nghe, chắc họ coi báo nhiều quá, nghĩ ai bán lề đường cũng xài chiêu này nọ.
Chứ họ đâu có biết, bánh ướt chị là tự mua bột về làm, làm ngày làm đêm mới đem ra bán, chứ ai khùng mà làm ăn thất đức vậy. Ai thì chị không biết, chứ chị em bạn hàng khu này chị quen hết mà, ai cũng bán lề đường mà làm ăn chân chính.
"Thử hỏi, cưng giàu thì mắc gì phải đẩy xe tới lui buôn bán vầy cho mệt, cho cực thân?".
Ai cũng biết biết mình không có điều kiện thuê mướn bán trong quán nên đành lấy công làm lời. Chịu khó chút, cái gì tự làm được thì tự làm, rồi đội nắng đội mưa buôn bán.
Thử hỏi, cưng giàu thì mắc gì phải đẩy xe tới lui buôn bán vầy cho mệt, cho cực thân?".
Tôi không biết người ta sao, nhưng tôi tin chị. Khu này đúng thật là nhiều người buôn bán lề đường, và lạ là lúc nào tôi cũng thấy họ điềm nhiên nhàn nhã với gương mặ phúc hậu.
Người bán cười với người mua một cái, hỏi câu thiệt thà "sao mà trời nay nóng dữ ha?", người mua cũng vui vẻ gật đầu "ờ!" cái là thấy nhẹ hều trong ngày nắng chang chang.
50 tuổi, cái tuổi đã đi qua hơn nửa chặn đường cuộc đời nhưng tâm hồn chị của chị, nụ cười của chị luôn trẻ trung và đầy năng lượng tích cực.
Thi thoảng những người bán hàng ế khách thì chạy qua chỗ này, chỗ kia hỏi thăm nhau nay buôn bán được không, lúc thì xúm lại kể chuyện hài về một bộ phim nào đó trên tivi.
Không ai giận hờn ai, không ai ghen tức ai, tranh giành khách của ai. Những người với lối sống nghĩa tình như vậy, nụ cười như vậy liệu có phải người xấu không? Tôi nghĩ chắc không, chắc chắn là không!
Những khi buôn bán ế ẩm, chị đều chủ động rủ chị em bán hàng trong khu vực cùng nhau đi ca hát ăn uống cho vui vẻ.
"Nhưng mà có bao giờ chị nghĩ chị sẽ nghỉ bán không. Chị cũng hơn 50 rồi còn gì" – tôi lại ngoan cố hỏi một câu hỏi không mấy liên quan.
Chị Tuyết cười lớn trả lời: "Thôi, nghỉ bán ở nhà buồn chết sao cưng. Cứ vầy, mỗi ngày chị lại thấy mình sống, mình vui. Chị cũng còn yêu nghề lắm, dù chỉ là bán bánh ướt lề đường".
Không ai tẻ nhạt ở trên đời, tôi tin vậy. Kể cả một con người bình thường như chị Tuyết, không có gì đặc biệt xuất sắc, không nổi tiếng xuất sắc, vẫn có những câu chuyện đáng nghe chứ!
Không hiểu sao, tôi thấy ghen tị với chị Tuyết lắm, nhưng thực ra, cũng có chút may mắn khi tôi mới gặp được chị, để sáng sáng ra ăn dĩa bánh ướt rẻ rề mà ngon lành, được chị tiếp thêm cho một chút năng lượng tích cực để cuộc sống mỗi ngày thêm vui.
Tôi cũng muốn khi mình bắt đầu bước sang triền dốc bên kia cuộc đời, ở tuổi 50, tôi sẽ an hòa sống được như chị, với nụ cười luôn trên môi.
Tôi tin rằng, ai cũng có một câu chuyện để kể, dù người đó có vẻ bình thường và không-có-gì-đáng-chú-ý. Và lắng nghe câu chuyện của họ, ta lại thấy vui cho một ngày sống trên đời.