Chỉ 6 chiếc được chế tạo: Cơn ác mộng của chiến đấu cơ MiG-35 vẫn chưa dừng lại!

Quang Hưng |

MiG-35 của Nga từng được quảng cáo là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, nhưng cho đến thời điểm hiện tại chiếc máy bay này vẫn chưa tìm được khách hàng.

Kể từ lần đầu tiên được trưng bày tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc năm 2022, MiG-35 vẫn đang phải vật lộn để tìm kiếm khách hàng đặt mua. Trong khi đó, chiếc máy bay này ngày càng bị tụt hậu so với các đối thủ như J-20 của Trung Quốc và F-35 của Mỹ.

Mặc dù có radar tiên tiến và nhiều giá treo có khả năng mang các loại vũ khí đa dạng, tuy nhiên động cơ và khả năng tàng hình của MiG-35 lại bị đánh giá là kém hơn so với F-35. Trong bối cảnh cuộc xung đột đang diễn ra tại Ukraine và nguồn lực hạn chế, việc sản xuất thêm MiG-35 ngày càng thêm khó.

Chỉ 6 chiếc được chế tạo: Cơn ác mộng của chiến đấu cơ MiG-35 vẫn chưa dừng lại!- Ảnh 1.

Tại sao MiG-35 của Nga lại kém cỏi

Điện Kremlin từng quảng cáo rằng, MiG-35 sở hữu nhiều tính năng tương đương với các nền tảng chiến đấu cơ thế hệ thứ năm. Nhưng theo các chuyên gia phương Tây, loại máy bay này còn thiếu nhiều yếu tố để trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Trên thực tế, trong số ba mươi bảy chiếc ban đầu mà Moskva dự định sản xuất, thì chỉ có sáu chiếc được chế tạo. Không quân Nga lần đầu tiên sử dụng máy bay phản lực MiG-35 tại Triển lãm Hàng không và Vũ trụ Quốc tế Trung Quốc năm 2022, nơi chiếc máy bay được trưng bày cùng với những chiến đấu cơ nổi tiếng khác như Su-35, Su-57 và Su-34.

Điện Kremlin đã cố gắng thuyết phục các khách hàng nước ngoài tiềm năng rằng, MiG-35 không hề thua kém máy bay chiến đấu Chengdu J-20 của Trung Quốc và F-35 Lightning II của Mỹ, tuy nhiên nền tảng này đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm được khách hàng.

Chỉ 6 chiếc được chế tạo: Cơn ác mộng của chiến đấu cơ MiG-35 vẫn chưa dừng lại!- Ảnh 2.

Câu chuyện về nguồn gốc của MiG-35

Nga lần đầu tiên tiết lộ phiên bản máy bay phản lực MiG-29 mới vào năm 2007 tại triển lãm hàng không Aero India, với hy vọng bán được chiếc máy bay phản lực này cho Ấn Độ. Tuy nhiên, các vấn đề với radar và động cơ đã đẩy MiG-29 ra khỏi cuộc đua, khi các đối thủ như Eurofighter Typhoon, Boeing F/A-18 Super Hornet, Saab JAS 39 và Dassault Rafale được đánh giá là tốt hơn.

Sau đó, nhà sản xuất Mikoyan tiếp tục tạo ra một biến thể xuất khẩu mới của MiG-29, tại nhà máy hàng không Sokol với tên gọi là MiG-35. Chiếc máy bay này gây được nhiều sự chú ý, bởi nó là chiến đấu cơ đầu tiên của Nga được trang bị radar mảng quét điện tử chủ động.

Theo Air Force Technology, radar Zhuk-MA trên MiG-35 có bán kính phát hiện mục tiêu trên không rất lớn và rất tinh vi. Tương tự như các loại radar thông thường, Zhuk-MA cho phép MiG-35 phát hiện mục tiêu và triển khai hệ thống vũ khí. Nhưng điểm khác biệt của Zhuk-MA so với các loại radar khác là không phát ra bức xạ, giúp MiG-35 khó bị phát hiện khi sử dụng radar. Zhuk-MA hoạt động giống như mắt người bằng cách thu thập hình ảnh và sau đó phân tích chúng. Các kỹ sư của viện nghiên cứu và khoa học thuộc cơ quan vũ trụ liên bang Nga đã chọn nhiều băng tần sóng ngắn hơn cho radar, giúp tăng độ nhạy của phức hợp lên nhiều lần và tăng phạm vi phát hiện mục tiêu. Việc tích hợp radar nâng cấp Zhuk-MA tạo nên sự khác biệt giữa MiG-35 với MiG-29.

Chỉ 6 chiếc được chế tạo: Cơn ác mộng của chiến đấu cơ MiG-35 vẫn chưa dừng lại!- Ảnh 3.

MiG-35 so với F-35

MiG-35 được chế tạo để mang theo nhiều loại vũ khí. Với chín giá treo, chiếc máy bay này có thể mang theo một tổ hợp tên lửa chống radar Kh-31P, tên lửa chống hạm Kh-31A, bom dẫn đường TV KAB-500Kr và tên lửa Kh-29TE. Với những vũ khí này, MiG-35 được xem là một phương tiện hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không. Trong khi đó, trang bị của F-35 Lightning II chỉ bằng một nửa tải trọng so với MiG-35.

Tuy nhiên, nền tảng thế hệ thứ năm của Mỹ sử dụng động cơ mạnh hơn nhiều so với MiG-35, đó là động cơ Pratt & Whitney F135. Mặc dù động cơ FADEC RD-33MK của MiG-35 vẫn được đánh giá là tiên tiến hơn động cơ tuabin phản lực cánh quạt Kimov RD-33 của MiG-29, nhưng vẫn xếp thứ hai khi so sánh với động cơ của F-35. Ngoài ra, F-35 còn được đánh giá nhỉnh hơn MiG-35 nhờ vào một lợi thế quyết định, đó là khả năng tàng hình.

Vì hiện nay mới chỉ có sáu chiếc MiG-35 đang hoạt động, nên rất khó để đánh giá tiềm năng sử dụng nền tảng này của Không quân Nga trong tương lai. Cuộc xung đột tại Ukraine đang tiếp tục tiêu hao các nguồn lực và ngân sách của Moskva, nên quốc gia này khó có thể sản xuất thêm MiG-35 trong tương lai gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại