Chỉ 1 tuần nữa, Việt Nam chính thức đón “thành phố trong thành phố” thứ hai

Hà Giang |

Sau Thành phố Hồ Chí Minh có thành phố Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 năm 2020, Việt Nam sẽ đón "thành phố trong thành phố" tiếp theo.

 - Ảnh 1.

TP, Hải Phòng (Ảnh: Internet)

Ngày 21/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1232/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023 – 2025. Theo Nghị quyết, thành phố Thủy Nguyên sẽ trở thành thành phố trực thuộc TP. Hải Phòng từ ngày 1/1/2025.

Như vậy, TP. Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương thứ 2 có thành phố trực thuộc thành phố, sau Thành phố Hồ Chí Minh có thành phố Thủ Đức được thành lập theo Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 năm 2020.

Cụ thể, Nghị quyết điều chỉnh một phần diện tích tự nhiên 7,27 km2 của phường Đông Hải 1, quận Hải An để nhập vào xã Thủy Triều, huyện Thủy Nguyên.

Sau khi điều chỉnh, huyện Thủy Nguyên có diện tích tự nhiên là 269,1 km2 và quy mô dân số là 397.570 người; xã Thủy Triều có diện tích tự nhiên là 18,99 km2 và quy mô dân số là 13.901 người.

Thành phố Thủy Nguyên được thành lập trên cơ sở toàn bộ huyện Thủy Nguyên sau khi điều chỉnh.

Các đơn vị hành chính cấp xã thuộc thành phố Thủy Nguyên cũng được sắp xếp, thành lập lại. Sau sắp xếp, thành phố Thủy Nguyên có 21 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 17 phường: An Lư, Dương Quan, Hoa Động, Hòa Bình, Hoàng Lâm, Lập Lễ, Lê Hồng Phong, Lưu Kiếm, Minh Đức, Nam Triệu Giang, Phạm Ngũ Lão, Quảng Thanh, Tam Hưng, Thiên Hương, Thủy Đường, Thủy Hà, Trần Hưng Đạo và 4 xã: Bạch Đằng, Liên Xuân, Ninh Sơn, Quang Trung.

Huyện Thủy Nguyên nằm ở cửa ngõ phía Bắc thành phố Hải Phòng, phía Bắc, Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Ninh; phía Tây Nam giáp huyện An Dương và nội thành Hải Phòng; phía Đông Nam là cửa biển Nam Triệu.

Theo Quy hoạch TP. Hải Phòng đến năm 2030, Thủy Nguyên được quy hoạch trở thành khu đô thị mới gắn với trung tâm hành chính, chính trị mới của thành phố; trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính, du lịch văn hóa và giải trí, y tế, giáo dục, trung tâm nghề cá cấp vùng.

Bên cạnh đó, Thủy Nguyên được định hướng trở thành khu vực trọng điểm về phát triển công nghiệp hiện đại, thông minh, bền vững; động lực phát triển kinh tế biển. Đến năm 2030, địa bàn đạt tiêu chí đô thị phát triển xanh - thông minh và văn minh.

Tại phiên họp thường kỳ tháng 12 được tổ chức sáng ngày 23/12, ông Nguyễn Huy Hoàng - Chủ tịch UBND huyện báo cáo, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tiếp tục được duy trì, phát triển và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

 - Ảnh 3.

Phiên họp thường kỳ tháng 12 đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2024; triển khai công tác tháng 1 năm 2025 và các nhiệm vụ trước, trong, sau Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 huyện Thủy Nguyên

Cụ thể, giá trị sản xuất thực hiện gần 56 nghìn tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch, tăng 16,85% so với cùng kỳ. Toàn huyện có 21 chỉ tiêu đạt và vượt 100% so kế hoạch thành phố giao; có 11/11 chỉ tiêu đạt và vượt 100% kế hoạch huyện đề ra.

Nhiều biện pháp, giải pháp được triển khai tập trung chỉ đạo nhằm giải quyết các tồn tại, vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, vi phạm về đất đai, khoáng sản, môi trường, thủy lợi, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, giải quyết đơn thư khiếu nại.

Bên cạnh đó, huyện hoàn thành Đề án xây dựng thành phố Thủy Nguyên được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024. Về nhiệm vụ thành lập thành phố Thủy Nguyên, đến nay, huyện đang tiếp tục chỉ đạo xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức theo quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại