“Chết hụt” một phen khiến tôi bàng hoàng tỉnh ngộ, cuộc sống dù có ra sao cũng nhất định phải trân quý điều này trước tiên, nếu không mọi thứ khác đều vô nghĩa

Đinh Kim |

Luôn yêu thương bản thân và đặt mình lên hàng đầu không phải là hành động ích kỷ vì đó chính là “gốc rễ” của mọi tình yêu và những điều khác trong cuộc sống.

"Sao mình lại có thể nói những điều ngốc nghếch như vậy?". "Mình thật quá ngu xuẩn, đáng lẽ mình nên biết nhiều hơn!". "Mình sẽ không bao giờ làm đúng được việc đó. Tại sao mình thậm chí còn không dám thử?". "Mình ước gì mình đừng quá vụng về! Tại sao mình lại không thể tao nhã và duyên dáng như cô ấy?".

Tôi không biết những câu nói trên có quen thuộc với bạn không, nhưng đó chính là những gì tôi đã nghĩ vài năm trước.

Chúng luôn luôn kêu gào, hạ thấp bản thân tôi, và không ngừng ước mong tôi sẽ khác, tốt hơn và thông minh hơn, mạnh mẽ và cao cả hơn, đồng thời, trở thành ai đó mà không còn là chính tôi nữa.

Mãi cho tới khi tôi có một chuyến dạo qua "quỷ môn quan", tôi mới bàng hoàng nhận ra nếu tôi không tự biết yêu thương bản thân mình, thì không có bất cứ điều gì trong cuộc sống của tôi phát huy được sức mạnh của nó tới mức tốt nhất.

Thật vậy, số lượng những hiểu biết, ý nghĩa và niềm vui mà tôi đã trải nghiệm sẽ tỷ lệ thuận với mức độ yêu thương tôi dành cho chính mình.

Mức độ tình thương, lòng tốt bụng và sự kiên nhẫn mà tôi dành cho người khác tỷ lệ thuận với sự thương yêu, lòng kiên nhẫn và tốt bụng mà tôi dành cho bản thân tôi. Bởi lẽ, chúng ta không thể trao cho người khác những gì mà mình không có.

Và mức độ tình thương, sự tôn trọng, ủng hộ và lòng trắc ẩn tôi nhận được từ người khác cũng sẽ tỷ lệ thuận với mức độ mà tôi dành những điều ấy cho chính tôi.

“Chết hụt” một phen khiến tôi bàng hoàng tỉnh ngộ, cuộc sống dù có ra sao cũng nhất định phải trân quý điều này trước tiên, nếu không mọi thứ khác đều vô nghĩa - Ảnh 1.

Luôn yêu thương bản thân và đặt mình lên hàng đầu không phải là hành động ích kỷ vì đó chính là “gốc rễ” của mọi tình yêu và những điều khác trong cuộc sống.

Từ khi còn nhỏ, nhiều người trong chúng ta vẫn được dạy rằng, "hãy yêu quý những người xung quanh giống như chúng ta yêu chính mình vậy". Nhưng nếu chúng ta không yêu bản thân mình thì sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu chúng ta lại là kẻ thù tồi tệ nhất và là người chỉ trích thậm tệ nhất của chính mình?

Nếu chúng ta đối xử với người khác như với chính mình, vậy chúng ta cũng sẽ đánh giá họ với con mắt tiêu cực như chúng ta làm với chính mình sao?

Và đó liệu có phải lý do khiến nhiều người bị ám ảnh về việc cố gắng lên án ai đó khác biệt, thay vì học cách chấp nhận và hạnh phúc với sự khác lạ của mình và người khác?

Bạn biết không, việc học cách để yêu người khác thật ra bắt đầu từ chính việc học cách yêu thương bản thân mình vô điều kiện trước tiên. Đây có vẻ là một bí mật được giữ kín mà không ai dạy tôi khi tôi dần lớn lên và trưởng thành cả.

Thay vào đó, từ lúc còn nhỏ tôi đã được khuyến khích đặt bản thân mình xuống cuối cùng. Vì sẽ thật ích kỷ nếu chúng ta yêu thương bản thân hoặc đặt chính chúng ta lên trên mọi thứ.

Trên thực tế, tôi đã từng cho đi hết mình mà không hề để tâm tới những nhu cầu cá nhân. Tôi cũng không chú ý tới việc tôi đã quá kiệt quệ tới mức việc đó bắt đầu ảnh hưởng tới sức khỏe của tôi.

Tôi luôn tin rằng tôi phải không ngừng nâng cao bản thân vì tôi vẫn chưa đủ tốt. Và thế là, tôi tiếp tục làm việc để trở nên "tốt hơn", "yêu thương nhiều hơn" và "sống cao cả hơn". Tôi luôn tự phê bình chính mình và chưa bao giờ có cảm giác rằng mình đã tạo nên được một dấu ấn ý nghĩa nào.

Sau đó, tôi nhận được chẩn đoán bị ung thư, và còn suýt chết vì căn bệnh này. Nhưng đó cũng lại là món quà tuyệt vời nhất mà tôi từng được nhận.

Bởi một lần đứng trước "cửa tử" đã dạy tôi biết cách sống. Căn bệnh ung thư đã dạy tôi về tầm quan trọng của việc quý trọng và yêu thương bản thân mình vô điều kiện vì chính con người thật của tôi.

Đó sẽ là một con người hoàn hảo trong vũ trụ này, là người xứng đáng được nhận yêu thương mà không cần phải chứng tỏ bản thân, khiến mình tốt hơn hay thay đổi mình bằng mọi cách.

“Chết hụt” một phen khiến tôi bàng hoàng tỉnh ngộ, cuộc sống dù có ra sao cũng nhất định phải trân quý điều này trước tiên, nếu không mọi thứ khác đều vô nghĩa - Ảnh 2.

Tôi cũng hiểu ra rằng, tôi không cần phải gồng mình cố gắng để sống sao cho thật cao cả. Cao cả có nghĩa là bạn được sống đúng với con người thật của mình dù bạn có nhận ra nó hay không. Việc luôn là chính mình và sống cao cả là hai khái niệm hoàn toàn giống nhau. Nói cách khác, chúng chính là nhau.

Sau trải nghiệm khó quên ấy, tôi sẽ không bao giờ bỏ rơi bản thân mình một lần nào nữa. Tôi cũng sẽ không bao giờ đặt bản thân xuống dưới cùng, đối xử tồi tệ với mình hay cố gắng thu nhỏ sự tồn tại của bản thân để những người khác cảm thấy họ to lớn.

Và tôi biết chắc rằng, đây chính là món quà lớn nhất mà tôi dành cho tôi, và cho cả hành tinh này vì tôi sẽ đánh giá người khác như những gì tôi làm với chính mình.

Hiện giờ, cuộc sống của tôi trở nên vui vẻ và ý nghĩa hơn nhiều. Tôi cũng có nhiều yêu thương để chia sẻ với mọi người hơn trước đây, và tôi làm việc này hoàn toàn tự nguyện mà không hề vắt kiệt bản thân như lúc trước.

Nhưng điều quan trọng nhất là tôi hiểu ra rằng, nếu tôi không sống thật với chính mình, thế giới này sẽ thiếu đi một con người độc đáo và riêng biệt. Đó chính là con người thật của tôi.

Vậy nên, hãy luôn biết yêu thương bản thân mình bạn nhé! Bạn có thể học hỏi để phát triển hơn và hoàn thiện bản thân, nhưng đừng bao giờ vì miệng lưỡi thế gian hay bất cứ lý do gì mà thay đổi bản thân thành con người khác. Vì sống mà không được là chính mình thực sự rất mệt mỏi và chẳng bao giờ có thể hạnh phúc được.

*Đây là bài chia sẻ của Anita Moorjani – tác giả cuống sách bán chạy nhất "Dying to Be Me: My Journey From Cancer to Near Death to True Healing".

Tham khảo Uplift Connect

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại