Chen nhau bẹp ruột tại các khu nghỉ: Người Việt đáng thương hay tự nguyện chui đầu vào bẫy?

Hiệu Minh |

"Người Việt làm gì cũng theo phong trào. Tìm việc, tìm chỗ học chỗ ăn, kể cả đi nghỉ là vì nghe nói chỗ đó hay lắm. Thấy bảo Sầm Sơn hay lắm thế là lên đường và chui đầu vào cái bẫy do mình đặt ra".

"Thông minh" càng mệt

Người theo đạo Hồi mơ ước hành hương về thành phố Mecca của Arab Saudia, một nơi chỉ có 2 triệu dân nhưng vào mùa lễ hội Ramadan số du khách tăng gấp nhiều lần, gây ra quá tải.

Nhiều vụ chen lấn dẫm đạp làm chết hàng ngàn cũng không ngăn nổi du khách tới đây.

Trong khi đó, chẳng cần lễ hội tôn giáo người Việt vẫn tự hành xác mình, hành xác bạn, hành xác người khác vào những kỳ nghỉ dài ngày như Tết, 30-4, rồi 2-9.

Chen nhau bẹp ruột tại các khu nghỉ: Người Việt đáng thương hay tự nguyện chui đầu vào bẫy? - Ảnh 1.

Biển người chen chúc trên bãi tắm ở Sầm Sơn. Ảnh: Zing.vn

No dồn đói góp, lâu lâu không được nghỉ, dân chúng như đàn kiến khổng lồ đổ về bãi biển như Sầm Sơn, Đồ Sơn, Hạ Long, Đà Nẵng. Nhìn từ flycam thì không khác lễ Ramadan ở Mecca.

Mấy gia đình chúng tôi rủ nhau đi Sầm Sơn trong dịp lễ 30-4. Lẽ ra đi từ thứ 6 nhưng nhà các bạn tự cho mình là "khôn khéo" chọn thứ 7 vì nghĩ rằng, ai cũng tranh thủ đi thứ 6 về thứ 3. Hóa ra khôn cũng vậy, không biết cũng khổ, biết càng khổ.

Nghe VOV giao thông báo tin, chiều thứ 6 tắc dài trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, hướng đi Thanh Hóa, các bạn khoái vì "mình đã quá thông minh".

Hôm sau thứ 7 (29-4), đoàn xe 4 chiếc xuất phát ở Hà Nội từ 8 giờ sáng (do các gia đình có con nhỏ nên không thể sớm hơn). Vừa lên đường vành đai 3 để đi Pháp Vân đã thấy xe nhích từng bước và đoàn xe rồng rắn dài như vô tận.

Một số chọn đường quốc lộ 1 cũ, cứ nghĩ sẽ nhanh hơn, nhưng thật đáng tiếc mọi ngả đường đều tắc.

Stop and Go, Parking – dừng lại nhích, sau hơn hai tiếng mới thấy trạm soát vé Pháp Vân. Cứ nghĩ do trạm soát vé nên xe đi chậm, nhưng không phải, trước cổng soát vé và sau cổng đều tắc, chậm hơn đi bộ.

Đường chỉ có 2 làn xe nay thành 4 làn, làn phụ, làn giữa các vạch. Các gương suýt quệt vào nhau, còi inh ỏi. Thỉnh thoảng một người chen ngang, lao bừa sang trái, rẽ sang phải, nhưng dù thiếu văn hóa đến đâu cũng đành bóxe.com.

Thêm hai tiếng qua được cầu Giẽ, do nhiều xe đi về Thái Bình và Nam Định.

Đến Thanh Hóa lại tắc, lại nhích, nhưng mũi tên chỉ Sầm Sơn đây rồi. Hàng đoàn xe nối đuôi nhau ra phía biển, chờ đợi, thở dài, chửi thề. Cuối cùng khoảng 4 giờ chiều vào được khách sạn sau 8 tiếng trên đường.

Chúng tôi kể cho các bạn đến trước nghe, họ reo lên, sao mà bên đó may thế. 8 tiếng đi được 180km, trong khi bên này mất 12 tiếng.

Hoạt cảnh trong phòng ăn và dưới bãi biển

Trong resort mới mở ở Thanh Hoá, các phòng có lẽ không còn chỗ. Nhìn xe hơi đỗ trong bãi, ngoài đường, người đợi trong lobby, lũ trẻ chơi trên sân, người bơi trong bể, đủ hiểu khách đông thế nào.

Tới bữa sáng thì người lớn trẻ con, nhốn nháo, du khách đến từ Thái Nguyên, Tuyên Quang, người bay từ Nam ra Bắc, cả hai khu nhà ăn rộng mênh mông chật kín người.

Trẻ con, cụ già, người lớn, chân dài, người mẫu, thanh niên đủ thành phần, tranh nhau tìm đồ ăn. 

Có kẹp thức ăn để gắp nhưng ít người dùng vì vội quá, cứ hai ngón tay sờ sờ, nắn nắn vào bánh mỳ, bánh ngọt, thịt hun khói, salad, cheese, nâng lên hạ xuống, bóp nát bánh mỳ rồi bỏ lại. May mà chưa ai sờ tay vào cháo và súp để mút.

Resort này là khách sạn và khu nghỉ thuộc hạng 5 sao, người vào đây thuộc giới có tiền, toàn xe hơi sang trọng. Nhìn cảnh trong nhà ăn như cái chợ thì hiểu ngoài kia giới bình dân sẽ ra sao.

Sầm Sơn là bãi biển nằm gần cửa sông Mã nên nước xạm một mầu đen khó để tắm biển theo đúng nghĩa, sóng lại khá lớn, nguy hiểm cho người không biết bơi. Tuy thế, hàng đoàn người vẫn xuống bơi lội như chưa bao giờ được tắm.

Chiều tối các quán bình dân đông nghịt. Hôm đầu tạm ổn vì lượng khách chưa nhiều, nhưng hôm sau quá tải.

Gọi 6 món chỉ được 4 món do cháy hàng, cơm sống, mực không tươi, vừa ăn vừa sợ, chẳng biết rau xào, rau luộc, rửa bằng loại nước gì, vừa gắp vừa run. Nhưng đi biển thấy gì cũng ngon, đồ ăn hiếm lúc đói, nên ngon gấp bội.

Sầm Sơn nhiều đổi thay, bãi biển không nhếch nhác như mấy chục năm trước. Resort xây được các quầy bán hàng (hubway) trông khá bắt mắt. Thỉnh thoảng có giàn hoa sen tắm nước ngọt phục vụ khách.

Phía núi Trường Lệ, hòn Trống Mái, chùa Cô Tiên, đền Độc Cước, vẫn kiểu dịch vụ lều trại tạm bợ, chèo kéo. Khu rừng bảo tồn khá đẹp, nhiều cây xanh, nhưng picnic khá đông, chả hiểu môi trường được bảo vệ ra sao. Chỗ nào cũng người là người.

"Đừng thông minh như con"

Quanh đi quẩn lại, ăn rồi ngủ, dạo bãi biển, hết mấy ngày lễ trôi vèo, đi đâu cũng gặp người. Trưa trả phòng, từ Sầm Sơn về thị xã Thanh Hóa mất 2 tiếng dù chỉ có gần 20km.

Tưởng đi sau về trước là thông minh, hóa ra số người nghĩ "rằng mình thông minh, nhanh chân hơn người khác" cũng nhiều.

Trên xe im lặng để nghe VOV giao thông, tất cả các hướng về Hà Nội đang bị ùn tắc như lúc đi. Qua trạm soát vé Nam Định xe nhích từng bánh, lại chen lấn, hai làn biến thành 4 làn.

Tắc lâu quá nên thỉnh thoảng thấy một xe lập lòe dừng, hành khách lớn nhỏ, trai gái thản nhiên đứng ven đường xả nỗi buồn, chả thèm xấu hổ.

Anh chị có con nhỏ về trước gần 2 tiếng, nghe tin tắc đường nên chọn ngả Thường Tín, vào đường 1 cũ, cứ nghĩ nhanh hơn. Anh chị này gọi điện cho bố để cảnh báo: đừng thông minh như con nhé, bên này tắc nặng lắm.

Kinh nghiệm bị tắc đường là nếu đã chót lên cao tốc thì cứ đợi, rẽ đường khác sẽ mắc nặng hơn, vì ai cũng thông minh cả. Thông minh hơn là biết chờ, biết đợi và đi đúng luật, thế nào cũng tới nơi.

Y như rằng bố đi sau hai tiếng về trước ông con nửa tiếng. Khoảng 9-10 giờ tối cả đoàn đến được Hà Nội coi như một niềm vui khôn tả.

Kỳ nghỉ lễ vài ngày là một ngày đi chờ đợi tắc đường và một ngày về cũng kẹt xe dù khoảng cách chỉ trên dưới 200km.

Đi trước về sau, đi sau về trước, đi đúng ngày, về đúng ngày, đều sai, vì đường giao thông có hạn, chỗ nghỉ có hạn, dịch vụ có hạn mà nhu cầu thì vô hạn.

Hành xác lại nhớ Bút tre

Tắc đường, quá tải vào dịp lễ dài ngày thì ở đâu cũng thế, nếu không tổ chức phân chia ngày lễ một cách khoa học, phục vụ được dân, có ý nghĩa, được nghỉ ngơi thoải mái thì kỷ niệm mới đúng nghĩa.

Mỹ có 10 ngày nghỉ lễ như Việt Nam, chỉ có ngày quốc khánh 4-7 là nghỉ đúng ngày, còn các ngày lễ khác họ cho "rơi" vào đều trong 11 tháng còn lại, hầu như tháng nào cũng có ngày lễ và rơi vào thứ 6 hoặc thứ 2 để dân được hưởng 3 ngày liền.

Chen nhau bẹp ruột tại các khu nghỉ: Người Việt đáng thương hay tự nguyện chui đầu vào bẫy? - Ảnh 2.

Dòng người đổ về thành phố sau dịp nghỉ lễ

Ngày lễ được chia đều cho các tháng nên không có cảnh no dồn đói góp ảnh hưởng đến giao thông và dịch vụ du lịch.

Dịp lễ Tạ ơn dài nhất vì rơi vào thứ 5 của tuần thứ 4 trong tháng 11, nghỉ phép thêm ngày thứ 6, cùng với thứ 7 và chủ Nhật, thành ra 4 ngày, dịp đi lại nhiều nhất, nhưng là về với gia đình, ít người đi du lịch.

Các bãi tắm công cộng và tư nhân cần một sự cân đối trong phát triển.

Tại Sầm Sơn, khu resort được tổ chức bài bản, môi sinh tốt, nhiều cây xanh, nhưng nhiều tiền mới vào được, bãi tắm vắng tanh, trong khi gần đó đen kịt người, kẻ ăn không hết người lần không ra. Lãng phí tài nguyên trong khi nhu cầu lớn.

Khu bình dân chưa được khai thác và xây dựng, cần các đại gia vào cuộc, nhưng phải cân bằng quyền lợi, giầu nghèo hưởng tài nguyên chung như thế nào, là câu chuyện của các nhà làm chính sách và đầu tư.

Việt Nam ít chỗ chơi công cộng, nên dù rừng vàng biển bạc nhưng không biết giữ nên chả còn chỗ chơi.

Các đại gia không có tầm nhìn trong phát triển chỉ tìm cách giữ tài nguyên làm của riêng. Người nghèo nghĩ ngắn phải nhờ vào người giầu không nghĩ dài. Khổ mãi là phải thôi.

Chen nhau bẹp ruột tại các khu nghỉ: Người Việt đáng thương hay tự nguyện chui đầu vào bẫy? - Ảnh 3.

Người Việt làm gì cũng theo phong trào. Tìm việc, tìm chỗ học chỗ ăn, kể cả đi nghỉ là vì nghe nói chỗ đó hay lắm. Thấy bảo Sầm Sơn hay lắm thế là lên đường và chui đầu vào cái bẫy do mình đặt ra.

Nghỉ với mấy gia đình người bạn, tôi ở cùng phòng với hai bác U70-U80, khách sạn cho thêm một giường nhỏ, phòng đôi được biến thành phòng 3. Mấy bác già đi nhiều nên kể chuyện rất vui.

Hai ông nằm chung một giường, ông này ngáy to, ông kia nghiến răng, người trằn trọc thâu canh, chợt nhớ câu thơ kiểu Bút Tre hồi nghỉ ở Tam Đảo mấy chục năm trước:

"Không đi không biết Tam Đao//Đi rồi không có nơi nào mà ngu//Mỗi giường nhét những hai cu//Thôi thì cố chịu đến Chu Nhật về".

Chả hiểu trong bài có ý là ngu hay ngủ, nhưng kiểu nghỉ lễ no dồn đói góp, thấy cái vần kia cũng không phải là không có ý đúng.

Đi tắc về tỵ, tới nơi không có gì để ăn, người tắm như kiến, không phải thánh địa Mecca và vẫn chen nhau lòi ruột. Kịch bản ấy bao nhiêu năm nay vẫn lặp lại, thế thì người Việt đáng thương hay đáng trách khi họ tự chui đầu vào chính cái bẫy làm theo phong trào của mình?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại