"Chen chân" vào Syria thời hậu chiến, Trung Quốc có bàn đạp mới ở Trung Đông?

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Trở ngại đã được dọn dẹp, mâm cỗ đã được bày biện đủ món. Trung Quốc chắc chắn không thể bỏ qua.

Câu chuyện thời điểm

Thời điểm không thể trùng nhau tình cờ mà được tính toán.

Sự phân vai với các đối tác khác như Nga hay Iran có thể có mà cũng có thể không khi ngày càng rộ lên nhiều thông tin về việc chính phủ Syria tìm kiếm sự hợp tác và viện trợ kinh tế, tài chính của Trung Quốc để tái thiết đất nước sau chiến tranh, cũng như về việc Trung Quốc tăng cường chuẩn bị cho sự can dự trực tiếp mạnh mẽ và sâu rộng hơn vào Syria thời hậu chiến.

Thời ấy đang đến. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đang cùng nhau xử lý khía cạnh chính trị của giải pháp cho vấn đề Syria sau khi tin rằng khía cạnh quân sự của nó đã được họ giải quyết một cách cơ bản. Ở đất nước này rồi sẽ có hiến pháp mới và bầu cử quốc hội, tổng thống.

Chen chân vào Syria thời hậu chiến, Trung Quốc có bàn đạp mới ở Trung Đông? - Ảnh 1.

Tổng thống ba nước Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ (trái sang) trong cuộc gặp tại Sochi, bàn về vấn đề Syria. Ảnh: Reuters

Trên danh nghĩa chính thức thì nơi đây sẽ có chính thể mới nhưng vai trò của chính thể hiện tại vẫn nổi trội nhất và sự bảo hộ an ninh của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết định nhất - chứ không phải các phe phái nổi dậy chống đối chính phủ ở Syria, cũng không phải Mỹ và đồng minh của Mỹ. LHQ chỉ đóng vai trò phụ.

Cũng chính vì thế mà công chuyện tái thiết đất nước sau chiến tranh ở Syria rất khó nhận được sự tham gia xây dựng của Mỹ và đồng minh. EU chắc chắn sẽ chỉ ở mức độ nửa vời. Thổ Nhĩ Kỳ không có để giúp Syria, ấy là còn chưa kể đến khả năng không mặn mà gì với chuyện tham gia tái thiết Syria.

Nga và Iran hùng mạnh về quân sự nhưng khả năng tài chính lại có hạn và hiện gặp khó khăn không nhỏ về kinh tế, tài chính và thương mại bởi những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU. Ngân hàng thế giới (WB) ước tính rằng Syria cần ít nhất 200 tỷ USD để tái thiết đất nước ở thời hậu chiến.

Trung Quốc vì thế trở nên rất quan trọng. Ở giai đoạn chiến tranh và nội chiến tại Syria, nước này gần như đứng ngoài cuộc, hậu thuẫn chính phủ Syria như Nga trong HĐBA LHQ, duy trì quan hệ hợp tác kinh tế và thương mại ở mức độ nhỏ. Trung Quốc đã cam kết viện trợ cho Syria 2 tỷ USD để tái thiết đất nước.

Mâm cỗ đã được dọn sẵn

Vào thời hậu chiến ở xứ này, tình hình sẽ thay đổi cơ bản đối với Trung Quốc. Cùng với cơ hội hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư được mở ra là cơ hội để gây dựng và mở rộng phạm vi ảnh hưởng.

Trở ngại đã được dọn dẹp, mâm cỗ đã được bày biện đủ món. Trung Quốc chắc chắn không thể bỏ qua nhưng cũng sẽ không tự nhận về vai trò dẫn dắt vì thật sự là khả năng của Trung Quốc không phải vô hạn và các đối tác khác cũng sẽ không để Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở Syria thời hậu chiến.

Chen chân vào Syria thời hậu chiến, Trung Quốc có bàn đạp mới ở Trung Đông? - Ảnh 2.

Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), Syria cần ít nhất 200 tỷ USD để tái thiết đất nước ở thời hậu chiến. Ảnh: Reuters

Trung Quốc sẽ ganh đua với các đối tác khác và hợp tác với Nga cùng Iran ở Syria thời hậu chiến.

Syria sẽ là bàn đạp mới cho Trung Quốc lan toả phạm vi ảnh hưởng rộng lớn hơn ra khu vực Trung Đông, Bắc Phi và vùng Vịnh, sẽ được Trung Quốc gắn kết vào kế hoạch đầy tham vọng "Một vành đai, một con đường" và do đó sẽ có phần trong khối lượng vốn đầu tư 1000 tỷ USD mà Trung Quốc đề ra cho kế hoạch lớn này.

Một lý do khác nữa không kém phần quan trọng đối với Trung Quốc trong chuyện này là nguy cơ khủng bố và mối đe doạ an ninh từ những phần tử người Tân Cương theo Đạo Hồi hiện đang tham chiến ở Syria.

Chen chân vào Syria thời hậu chiến, Trung Quốc có bàn đạp mới ở Trung Đông? - Ảnh 3.

Theo Đại sứ quán Syria ở Trung Quốc, số lượng những phần tử này ước tính khoảng 5000 người. Một khi chiến tranh và nội chiến chấm dứt ở Syria, diện này và các phần tử khủng bố, cực đoan khác sẽ không còn đất dung thân ở Syria nên sẽ tìm cách hồi hương hay xâm nhập vào quốc gia khác.

Trung Quốc có lợi ích ở tầm chiến lược cả trước mắt cũng như về lâu dài với việc đẩy lùi các mối rủi ro an ninh này.

Có ba điều Trung Quốc không thể không lưu ý thoả đáng nếu can dự vào Syria ở thời hậu chiến.

Thứ nhất, hiện chưa ai có thể dám chắc chắn điều gì về tương lai của an ninh và ổn định ở Syria. Chúng được vãn hồi như thế nào và có lâu bền hay không hiện vẫn còn là ẩn số lớn.

Thứ hai, ở khu vực này, Trung Quốc hiện có không ít đối tác kinh tế và thương mại quan trọng khác buộc Trung Quốc phải hài hoà lợi ích của Trung Quốc trong quan hệ với họ với lợi ích của Trung Quốc ở Syria.

Thứ ba, Trung Quốc phải gây dựng được sự đồng hành hài hoà với Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại