1. Những ngày tháng 8 tám năm về trước, Chelsea sau thất bại trong việc chèo kéo Luka Modric bỗng đổi hướng sang một cầu thủ kém danh khác, Juan Mata từ Valencia. Cùng lứa với những David Silva, David Villa và đã giành tương đối danh hiệu ở các giải trẻ nhưng cái tên Juan Mata vẫn còn quá xa lạ với những người yêu bóng đá Anh.
Và rồi như một tia sáng giữa màn đêm đen, chàng cầu thủ nhỏ con với thứ nhãn quan chiến thuật trời ban đã thổi một luồng gió mới vào những đôi chân ì ạch của Chelsea sau ngày Ancelotti ra đi.
Dĩ nhiên, cánh én lẻ loi chả thể kéo nổi một mùa xuân về, The Blues năm đó chơi thảm hại ở Premier League khi kết thúc mùa giải bên ngoài top 4 - nhưng Champions League lại là câu chuyện khác.
Mata mở màn bằng bàn thắng ngay trận đầu ra mắt gặp Leverkusen và đến trận cuối cùng vòng bảng thì anh lại có đường kiến tạo "chết người" giúp Chelsea vượt qua đội bóng cũ Valencia để vào vòng knock-out. Tới trận chung kết định mệnh, lại chính Mata thực hiện quả phạt góc cho Drogba bật cao đánh đầu dũng mãnh, qua đó đem về chức vô địch kỳ diệu sau loạt penalty.
Đêm gala vinh danh Cầu thủ xuất sắc nhất năm, cái tên Mata được xướng lên như một phần thưởng tương xứng cho những nỗ lực của chàng tiền vệ nhỏ con. Không phải chỉ một, mà hai năm liên tiếp giải thưởng cá nhân cao quý nhất ở Chelsea đều thuộc về cầu thủ người Tây Ban Nha.
Thời điểm đó, Mata với 25 kiến tạo cùng 18 bàn thắng chỉ trong hai năm đầu tiên đến Anh chính là niềm cảm hứng vô tận của The Blues.
Đi đến bất cứ đâu, những người Chelsea vẫn luôn thao thao bất tuyệt về chàng tiền vệ ấy. Họ nói rằng anh là biểu tượng mới của câu lạc bộ sau thế hệ của những Terry, Lampard, Drogba. Nhưng khi Mata còn chưa bước được đến cánh cửa của ngôi đền huyền thoại tại sân Stamford Bridge thì Jose Mourinho xuất hiện.
2. Như những gì người ta đã dự đoán từ trước, Mata với lối đá của số 10 cổ điển không phù hợp với triết lý thực dụng mà Người đặc biệt theo đuổi. Từ đỉnh cao của người hai năm liền giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất CLB, Mata bị đày ải không thương tiếc trên ghế dự bị để nhường chỗ cho những Hazard, Willian, Oscar và phần nào là cả Schurrle.
Bất chấp những lời kêu gọi để Mata trở lại đội hình chính từ các cổ động viên, Jose Mourinho chỉ lạnh lùng đáp rằng: "Với tôi, Oscar mới là cầu thủ xuất sắc nhất. Nếu ai đó nói Oscar không phải cầu thủ hay nhất Chelsea, tôi sẽ phản pháo lại họ. Tôi đã làm mọi thứ để chứng minh với các CĐV giá trị của mình, và giờ là lúc Mata cần làm điều tương tự".
Không một lời phàn nàn, cũng chẳng một lần úp mở oán trách, Mata kiên nhẫn chờ đợi cơ hội của mình tới hết mùa đông năm 2013. Nhưng vào cái thời điểm Oscar đang chơi thứ bóng đá hoàn hảo ở cả tấn công lẫn phòng thủ, anh hiểu rằng tương lai của mình ở Stamford Bridge đã chấm dứt.
Những băng rôn, khẩu hiệu với nội dung tương tự kiểu "Mata không đáng phải ngồi dự bị" được các fan Chelsea mang đến sân ngày một nhiều hơn. Nhưng điều đó cũng chẳng có ích gì, Mourinho không phải kiểu người chịu thay đổi chỉ vì CĐV còn Mata thì hiểu rằng anh phải đi tìm một cơ hội mới.
Đầu năm 2014, Mata chính thức trở thành người của Man Utd.
Chuyện đến rồi đi trong thế giới bóng đá chẳng còn là chuyện lạ. Có những người ra đi không kèn không trống, có những người ra đi mang trên mình bao lời chửi rủa, và có những người như Mata.
Ngày anh ra đi, các CĐV Chelsea oán trách, chửi rủa chính Mourinho, có người nhẹ nhàng hơn thì nói rằng: "Chúng ta đã có tới 568 cầu thủ đem đi cho mượn, tại sao không cho mượn Mata mà lại phải bán cậu ấy đi?". Vậy mới thấy, người Chelsea yêu Mata đến nhường nào. Nhưng trong bóng đá, cảm xúc đâu phải điều quyết định mọi thứ. Và chính Mata cũng hiểu điều ấy.
Trong bức tâm thư chia tay Chelsea, Mata nói rằng anh tự hào với những gì đã làm hai năm qua nhưng mọi thứ giờ không còn như trước nữa. Từ một người quan trọng với cả đội bóng, anh cảm thấy mình giờ chẳng thể đóng góp được gì. Vì vậy, Mata đã chọn cách ra đi.
Các fan Chelsea hiểu được nỗi lòng của chàng tiền vệ nhỏ con, họ hiểu đôi vai bé nhỏ của anh đã phải gánh vác điều gì suốt thời gian khó khăn ấy.
Những băng rôn, biểu ngữ phản đối quyết định bán Mata thưa thớt dần trên các khán đài. Thay vào đó, họ đếm ngược ngày anh trở lại Stamford Bridge trong màu áo Man Utd và dành cho "người thương cũ" của mình những tràng pháo tay ấm áp.
Mata cũng vậy, sau mỗi lần đối đầu, anh chủ động nán lại dành những cái ôm thật chặt cho những người đồng đội cũ và đưa mắt lên nhìn các CĐV đang vỗ tay cho mình. Là một người chuyên nghiệp, Mata biết cách thể hiện cảm xúc ở một chừng mực, nhưng ai cũng hiểu anh biết ơn những người hâm mộ ấy biết chừng nào.
Chelsea và Mata như một mối lương duyên đẹp mà kết thúc lại chẳng có hậu. Họ như những người yêu nhau, tìm thấy nhau nhưng rồi lại không thể ở bên nhau. Dù vậy, khi đã chia tay rồi, họ vẫn cứ mãi nhìn về nhau bằng thứ tình cảm của những ngày xưa cũ.
Trên sân, Mata khoác lên mình chiếc áo đỏ của Man Utd nhưng trên khắp các khán đài, các CĐV Chelsea vẫn nhìn anh như Mata của họ năm nào. Chỉ cần tương lai Mata có dấu hiệu bấp bênh, rất nhiều CĐV The Blues lại sẵn sàng giang tay đón anh trở lại mái nhà xưa, đơn giản chỉ bằng những câu bình luận, những bài viết,…
Dù điều đó chẳng thể giúp ích được gì nhưng họ vẫn cứ làm thôi, bởi ai cũng hiểu CĐV Chelsea yêu Mata thế nào.