Đó là một vấn đề ngày càng tồi tệ với thực trạng cháy rừng lớn, nguy hiểm hơn và khó dập tắt hơn do hạn hán và tình trạng nóng lên toàn cầu.
Chỉ riêng ở Tây Ban Nha, trong nửa đầu năm 2023, hơn 65.000 ha rừng đã bị thiêu rụi, đại diện cho 55% của tất cả các vùng đất bị đốt cháy trong Liên minh châu Âu.
Tây Ban Nha là quốc gia dẫn đầu bảng xếp hạng về tổng diện tích rừng bị cháy, tiếp theo là Pháp với 21.273 ha, Romania 19.909 ha và Bồ Đào Nha 7.061 ha. Các đám cháy rừng đã phá hủy hầu hết các bụi rậm và rừng thưa.
Tại Canada, 8 triệu ha rừng đã bị thiêu rụi trong năm nay. Tình huống tồi tệ chưa từng có đã xảy ra khi khoảng 400 đám cháy đang hoạt động ở Canada, khói và lượng khí thải carbon monoxide khổng lồ đã lan đến các quốc gia xa xôi như Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.
(Ảnh: U.S. Forest Service)
Theo ông Petr Olejsek, thuộc Liên đoàn Lính cứu hỏa EU, vấn đề này gây ra những hậu quả toàn cầu và cần có sự hợp tác: "Từ quan điểm của Liên minh châu Âu, điều đó có nghĩa là chúng tôi có các quốc gia có nhiều kinh nghiệm về cháy rừng, đặc biệt là ở Nam Âu.
Nhưng những gì chúng ta thấy hiện nay là cháy rừng đang diễn ra ở Trung và Bắc Âu. Chúng ta cần hợp tác không chỉ trong thời điểm ứng phó (với cháy rừng) mà phải hợp tác ở giai đoạn chuẩn bị.
Chúng ta cần chia sẻ thông tin về các biện pháp phòng cháy chữa cháy tốt nhất. Và điều rất quan trọng là chia sẻ các khả năng cụ thể, chẳng hạn như lính cứu hỏa, máy bay, trực thăng... bởi nếu bạn phải mua tất cả những thứ đó thì sẽ rất tốn kém. (Cần chia sẻ) những thứ mà chúng ta có để thiết lập sự hợp tác giữa các quốc gia".
Rừng mang lại lợi ích to lớn cho hành tinh, đó là lý do tại sao cần phải ngăn chặn cháy rừng và đề xuất các chiến lược để giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của chúng. Các chuyên gia hiện đề xuất sử dụng máy bay không người lái, vệ tinh và mạng cảm biến cùng với các công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể đảm bảo việc ngăn chặn và phát hiện đám cháy rừng nhanh hơn và chính xác hơn.