Tuy nhiên, ngay cả ở những loài có khả năng sinh tồn mạnh mẽ nhất vẫn không thể theo kịp tốc độ nóng lên của Trái đất.
Thích nghi để tồn tại
Nhiều loài có khả năng xử lý nhiệt đáng kinh ngạc để thích nghi với môi trường khó khăn, nhất là các loài sống trong môi trường sa mạc khô cằn. Những sinh vật như Ốc sên Sphincterochila có thể chịu được ánh nắng trực tiếp của sa mạc miền Nam Israel trong vài giờ ở nhiệt độ 55 độ C, thậm chí lâu hơn nữa ở nhiệt độ 50 độ C. Chúng không hoạt động trong cái nóng và tiết kiệm năng lượng cho đến mùa mưa, khi chúng ăn và sinh sản.
Nhiệt độ Trái đất đã tăng 0,08 độ C mỗi thập kỷ kể từ năm 1880 và tốc độ ấm lên trong 40 năm qua cao hơn hai lần 0,18 độ C mỗi thập kỷ kể từ năm 1981. Tuy nhiên, một số loài động vật đã cho thấy khả năng sinh tồn mạnh mẽ trong điều kiện sống ngày càng khắc nghiệt.
Kiến Temnothorax sống tại thành phố đã tiến hóa qua nhiều thế hệ để chịu đựng cái nóng tăng từ 46 độ C lên gần 48 độ C, tăng gần 2 độ C. Sự tiến hóa giúp cho loài kiến có thêm thời gian để đối phó với sự khắc nghiệt của thời tiết.
Cáo Ruppell, hay cáo cát, có thể tồn tại ở sa mạc Lut tại Iran, nơi có nhiệt độ trung bình gần 71 độ C. Chúng có một số đặc điểm thích nghi với thời tiết khắc nghiệt như cơ thể nhỏ giúp tản nhiệt tốt hơn, tỷ lệ trao đổi chất trong cơ thể thấp để tiết kiệm năng lượng.
Nước tiểu cô đặc để làm giảm lượng nước tiêu thụ. Ngoài ra, loài động vật có vú này lấy nước chủ yếu từ việc ăn thịt con mồi. Chúng đi ăn vào ban đêm để giữ mát cơ thể và tránh làm mất đi độ ẩm quý giá. Hay lừa hoang châu Phi và tổ tiên của chúng, lừa hoang dã, đã tiến hóa để sinh tồn trong điều kiện thời tiết nắng nóng.
Bà Fiona Marshall, nhà khảo cổ học tại Đại học Washington cơ sở St. Louis, Mỹ, cho biết lừa hoang châu Phi sống đơn độc. Chúng sẽ bảo vệ một hồ nước làm của riêng và có khả năng uống nhiều nước trong thời gian ngắn.
Chúng sở hữu quá trình trao đổi chất linh hoạt, không cần nhiều nước và thức ăn như vật nuôi ở trang trại như cừu và dê. Vì quen sống đơn độc nên loài lừa này có tính cách khá bướng bỉnh.
Bà Marshall nhận định sống theo đàn phù hợp với động vật sống tại những nơi ẩm ướt, có nhiều thức ăn và nước uống. Mô hình này không dành cho các sa mạc nóng rẫy, nơi thức ăn lẫn nguồn nước đều khan hiếm.
Bên cạnh đó, một số loài động vật có cấu tạo cơ thể để thích nghi với cuộc sống trong môi trường nắng nóng. Lớp lót bên trong lỗ mũi khổng lồ của lạc đà giúp chúng hút hơi ẩm trong không khí và giữ hơi ẩm này khi chúng thở ra. Điều đó giúp chúng hạn chế việc tiết ra mồ hôi và nước cơ thể.
Các động vật sa mạc khác như chuột kangaroo, Gấu túi, hút hơi ẩm từ thức ăn và thải ra phân khô. Một số loài thay đổi hành vi để đối phó với nắng nóng. Ví dụ, Thằn lằn Anolis sống ở bìa rừng Caribe thường di chuyển giữa những nơi nóng và nơi mát hơn, chẳng hạn trú ẩn dưới những tảng đá trong cái nóng ban ngày.
Chúng nằm im, không trao đổi chất hay thực hiện các hành động sinh lý khác khi nhiệt độ tăng lên. Nhưng chính việc nằm im đã làm giảm khả năng hoạt động của loài thằn lằn ở các thế hệ sau.
Còn loài thằn lằn sừng sống trên núi ở Mexico đã tăng ngưỡng chịu nhiệt lên khoảng 0,18 độ C sau một năm trải qua các đợt nắng nóng kéo dài.
Không thể bứt phá giới hạn
Ảnh minh họa/INT
Câu hỏi đặt ra là những loài thích nghi tốt với nhiệt có thể tồn tại trong một hành tinh ngày càng nóng lên hay không? Theo nghiên cứu của các chuyên gia, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Về nguyên tắc, một sinh vật càng nhỏ, càng phổ biến với cấu trúc ít phức tạp càng có thể điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi của môi trường. Đó là lý do loài chuột có thể thích nghi với nhiệt nhanh hơn loài voi.
Để thích nghi với nhiệt, các loài cần tiến hóa nhanh chóng. Với những sinh vật nhỏ bé, sự tiến hóa thường nhanh hơn so với một số loài to lớn. Một loại vi khuẩn có thể sinh sản 6 lần một ngày, tạo ra nhiều thế hệ sau có sự thích nghi tốt hơn thế hệ trước.
Trong khi đó, cá voi xanh có thể mất tới 15 năm để sinh sản. Tuy nhiên, bất chấp những sự thích nghi nhiệt ấn tượng này, các nhà nghiên cứu cảnh báo ngay cả những loài vật chịu nhiệt giỏi cũng không tiến hoá đủ nhanh để theo kịp tốc độ nóng lên của Trái đất. Những loài vật này tồn tại trong thời gian vay mượn và thời gian đó không còn nhiều.
Đơn cử, gần Baja California, Mexico, mặt trời thiêu đốt vạn vật với cái nóng gần 38 độ C. Trong môi trường khắc nghiệt này, loài động vật chân kiếm copepod vẫn phát triển mạnh. Điều ngạc nhiên là loài giáp xác này có thể chịu đựng nhiệt độ nóng hơn khoảng 7 độ C so với họ hàng sống ở miền Bắc California. Nhưng chúng vẫn không thể tồn tại trong môi trường gia tăng nhiệt được đặt ra trong phòng thí nghiệm.
Cáo Ruppell, hay cáo cát, có thể sống ở nơi gần 71 độ C.
Chuyên nghiên cứu về loài giáp xác copepod, GS Morgan Kelly, chuyên gia Sinh học tại Đại học bang Louisiana, cho biết, khi cơ thể các sinh vật nóng lên, protein của chúng bắt đầu tan chảy. Đây là manh mối về cách thức các loài trên hành tinh, từ côn trùng nhỏ nhất đến động vật có vú lớn nhất, phải vật lộn để đối phó với một hành tinh nóng lên nhanh chóng.
Như vậy, khả năng thích ứng nhiệt của các sinh vật sống, từ loài phù du đến động vật có vú, sẽ không thể theo kịp tốc độ gia tăng nhiệt. Vì dù sao, việc tiến hóa cũng cần thời gian còn tốc độ nóng lên của Trái đất đang tăng lên với tốc độ chưa từng có.
Theo NatGeo