Cháy chung cư mini: Trách nhiệm thuộc về ai?

LÊ KHÁNH |

Khoảng 23h30 ngày 12/9 một vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra tại chung cư mini cao 9 tầng, tại số 37, ngách 29/70 Khương Hạ, phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Theo Công an TP Hà Nội, tính đến tối 13/9, đã có 56 người chết và 37 người bị thương. Trước đó, hỏa hoạn cũng đã xảy ra tại một số chung cư mini tại Hà Nội, khiến nhiều người đặt câu hỏi trách nhiệm an toàn chung cư mini thuộc về ai?

Cháy chung cư mini: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 1.

Hiện trường vụ cháy chung cư mi ni ở Khương Hạ, phường Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Lê Khánh.

Xây dựng tràn lan dẫn đến rủi ro

Đám cháy được xác định xuất phát từ khu vực tầng 1 căn chung cư mini. Nơi xảy ra hỏa hoạn là căn nhà được thiết kế 10 tầng có khoảng 45 phòng chủ yếu là các hộ gia đình và sinh viên, trong đó có 1 tầng hầm để xe, 8 tầng căn hộ và 1 tầng tum. Mỗi tầng tại chung cư mini Khương Hạ được thiết kế với 5 căn hộ. Diện tích căn hộ từ 35 - 56m2.

Đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết, lực lượng chức năng đã cứu được hơn 70 người, đưa đi cấp cứu 54 người, trong đó có người đã tử vong.

Trước đó, tháng 5 vừa qua, sự cố chập điện bình nóng lạnh gây cháy một căn hộ tầng 3 chung cư mini trong ngách 20, ngõ 416 đường Láng (quận Đống Đa, Hà Nội) khiến nhiều cư dân tháo chạy trong hoảng loạn.

Cuối tháng 10/2022, lực lượng chức năng giải cứu 11 người trong vụ cháy chung cư mini ở ngõ 132 Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Cũng tại quận Cầu Giấy, hồi tháng 11/2019, vụ cháy tại tầng 8 chung cư mini trên phố Trung Kính khiến nhiều người hoang mang.

Nhìn một cách công bằng, chung cư mini ra đời đã phần nào giải quyết câu chuyện nhà ở cho cư dân Thủ đô nhưng việc xây dựng tràn lan, tự phát mô hình này tại một số quận đã và đang tạo ra những rủi ro lớn cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp.

Thời gian qua, chung cư mini đã phát triển rất mạnh, đó là điều tất yếu khi có cung thì ắt có cầu. Những chung cư đầu tiên xuất hiện nằm xen kẽ ở các ngõ ngách, làng xóm ven đô dưới hình thức cao 5 - 7 tầng, trước là cho thuê, tiếp đến là bán.

Hầu hết chung cư mini đều được xây dựng trên diện tích đất nhỏ, nằm rải rác trong những ngõ sâu tại khu vực nội thành, những nơi vốn đã quá tải về hạ tầng kỹ thuật và xã hội.

Theo quy định xây dựng của Luật Nhà ở, thành phố có trách nhiệm quản lý bắt đầu từ khâu cấp phép xây dựng, kiểm tra giám sát đảm bảo đưa công trình vào hoạt động đồng bộ hạ tầng, an ninh, phòng cháy, chữa cháy. Theo cơ chế đó, nhiều chung cư cũng thực hiện đảm bảo các tiêu chí như tầng 1 có bảo vệ, cung cấp nước, thang máy, thang bộ. Những chung cư hoàn thành đảm bảo các tiêu chí phòng cháy, chữa cháy, không có hệ thống báo cháy tập trung, thay vào đó là tập trung hệ thống từng tầng với các bình cứu hỏa mini.

Tuy nhiên, các vụ cháy vẫn xảy ra.

Cháy chung cư mini: Trách nhiệm thuộc về ai? - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng nỗ lực đưa người bị nạn tại vụ cháy khuya 12/9 tại phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: Lê Khánh.

Khuyến cáo phòng, chống cháy nổ

Sau khi vụ cháy tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân xảy ra, Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) - C07, Bộ Công an khuyến cáo người quản lý, người dân cần thực hiện nghiêm các biện pháp, khuyến cáo của lực lượng chức năng về công tác phòng, chống cháy nổ.

“Để đảm bảo an toàn PCCC và thoát nạn khi có cháy xảy ra ở các công trình cao tầng, song song với việc chấp hành nghiêm các quy định an toàn thì các tổ chức, cá nhân quản lý công trình phải thực hiện 14 biện pháp” - C07 cho hay.

Cụ thể, có niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy cơ xảy ra cháy. Trong hoạt động phải sử dụng xăng, dầu, khí đốt và các chất nguy hiểm về cháy, nổ khác... phải thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Nơi đun nấu, nơi được phép sử dụng lửa phải có quy định đảm bảo an toàn PCCC và giải pháp ngăn cháy lan.

Lắp đặt thiết bị bảo vệ cho hệ thống điện của toàn bộ công trình, từng tầng, từng phòng và từng thiết bị điện có công suất lớn. Có biện pháp đảm bảo an toàn PCCC khi sử dụng thiết bị điện, đặc biệt là thiết bị điện sinh nhiệt.

Xây tường, trần và khoang đệm ngăn cháy giữa các khu vực; cửa đi, cửa sổ ở tường ngăn cháy phải là cửa chống cháy. Không sử dụng các vật liệu dễ cháy để làm trần, mái, vách ngăn, cách âm... rèm, phông màn, thảm phải được ngâm tẩm chất chống cháy.

Hộp, ống kỹ thuật thông tầng hoặc thông giữa các hệ thống được làm bằng vật liệu không cháy và chèn kín bằng vật liệu không cháy.

Bố trí các bộ phận không nguy hiểm hoặc ít nguy hiểm về cháy xen kẽ giữa các bộ phận nguy hiểm về cháy để chống cháy lan. Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động đảm bảo chữa cháy được trên toàn bộ diện tích. Thiết kế, lắp đặt hệ thống chống sét theo quy định.

Lối thoát nạn phải có đủ diện tích, bố trí phòng lánh nạn tạm thời, lối thoát nạn dự phòng; có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói cho hệ thống lối thoát nạn. Cửa đi trên lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho toàn bộ công trình, từng khu vực, từng tầng. Có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn. Thành lập đội PCCC cơ sở, tổ chức thường trực sẵn sàng chữa cháy, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH cho lực lượng PCCC, bảo vệ công trình.

Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người tại chỗ phù hợp với quy mô, tính chất cháy, nổ, dự trữ đủ nước để chữa cháy. Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, thoát nạn cứu người trong tình huống cháy phức tạp nhất.

Khi xảy ra cháy phải bằng mọi cách báo cháy nhanh nhất cho lực lượng cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114, báo cho công an hoặc chính quyền nơi gần nhất, đồng thời bằng mọi cách dập cháy và tổ chức việc thoát nạn, cứu người theo phương án.

Người dân khi phát hiện cháy nhà cao tầng cần bình tĩnh tìm lối thoát nạn, thông báo cho các phòng lân cận trong quá trình thoát nạn. Nếu phải băng qua lửa, khói, khí độc, người dân cần dùng mặt nạ chống độc hoặc dùng chăn, áo, khăn ướt trùm lên đầu, lên mặt. Khi di chuyển cần cúi khom theo tường nhà, khi mở cửa cần kiểm tra nhiệt độ ở tay nắm cửa, nếu nhiệt độ cao thì không được mở cửa mà tìm lối thoát nạn khác.

photo-1

Theo Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) vụ cháy chung cư mini tại phường Khương Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội) là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn đến tài sản và có thiệt hại về người. Do đó, cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý trong việc đảm bảo an toàn PCCC để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp kết quả xác minh của cơ quan chức năng cho thấy cơ sở kinh doanh này không đảm bảo an toàn về PCCC dẫn đến vụ cháy xảy ra, gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về PCCC.Theo quy định của pháp luật, người thực hiện hành vi vi phạm quy định về PCCC gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự, chế tài cao nhất của tội danh này có thể tới 12 năm tù nếu hậu quả làm chết 3 người trở lên hoặc thiệt hại tài sản từ 1.500.000.000 đồng trở lên.

Khởi tố vụ án, bắt tạm giam chủ chung cư mini cháy làm 56 người chết

Tối 13/9, Công an TP Hà Nội thông tin cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nghiêm Quang Minh (sinh năm 1979 hiện trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).

Ông Minh là chủ của chung cư nơi xảy ra vụ cháy tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân.

Chủ của căn chung cư mini này bị điều tra về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy theo điều 313 Bộ Luật Hình sự.

Các quyết định và lệnh bắt bị can đã được Viện Kiểm sát nhân dân thành phố phê chuẩn.

Theo Công an Hà Nội, tính đến tối ngày 13/9, cơ quan chức năng đã xác định được 56 người chết và 37 người bị thương (trong đó, đã xác định được danh tính của 39/56 người chết).

T.K

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại