Ngày nay nhiều đứa trẻ còn nhỏ nhưng suy nghĩ rất "già đời" và có những câu nói khiến người lớn phải giật mình.
Điển hình là trường hợp dưới đây. Một cậu bé ở Trung Quốc đang chú ý bởi phát biểu "gây bão" ngay trong đám cưới của dì ruột.
Cậu bé đứng phát biểu dặn dò chú rể trong đám cưới như người lớn.
Mặc quần áo chỉnh tề, đầu tóc vuốt keo rất ra dáng, cậu bé tầm 4 tuổi cầm micro phát biểu trong đám cưới của dì như người lớn. Không hề tỏ ra ngượng ngịu trước đám đông khách mời, cậu bé nói: "Chú, từ nay dì của cháu sẽ là cô dâu của chú. Chú phải chăm sóc dì thật tốt. Nếu không, hãy cẩn thận với nắm đấm của cháu!".
Giọng của cậu bé có vẻ nghẹn ngào, còn dì của bé đứng phía sau thì đã rơi lệ vì cảm động. Chú rể nghe cháu vợ nói thế, bật cười vì câu "dặn dò" rất "bề trên" của chú bé.
Lời nói của cậu bé 4 tuổi khiến nhiều người trong tiệc cưới sững sờ bởi không ai nghĩ với cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới mà cậu bé lại có thể nói ra những câu nói cảm động và đầy tâm tư như vậy.
Dì bật khóc vì lời dặn dò của cháu trai.
Nhiều cha mẹ buồn lòng khi con cái lớn lên ngày càng vô tâm. Thế nên hiện nay nhiều người đã quan tâm tới việc nuôi dạy con trở thành một người sống tử tế và biết yêu thương hơn là việc con có thành đạt hay không.
Vậy làm thế nào để giáo dục đứa trẻ trở thành một người biết quan tâm tới người khác?
Nói chuyện, chia sẻ với con nhiều hơn
Muốn con biết quan tâm tới người khác, đầu tiên, cha mẹ phải có thái độ quan tâm tới con. Không chỉ chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ, mà tới cả cảm xúc của con.
Hàng ngày, hãy dành thời gian nói chuyện, chia sẻ với con về mọi việc trong cuộc sống, những người, những việc con gặp. Qua đó, bố mẹ sẽ hiểu hơn về tâm tư, thái độ ứng xử của con và nhanh chóng uốn nắn, hướng dẫn nếu con chưa làm gì đúng.
Khen khi con có hành động tốt
Cha mẹ đừng chỉ tập trung vào điểm số, chuyện học hành của con và khen thưởng khi con đạt thành tích tốt. Hãy chú tâm tới những hành động tốt, dù nhỏ của con hàng ngày để khen, khuyến khích con. Không những thế, hãy nói cho con biết, khi ai đó được con giúp đỡ, họ sẽ rất vui và hạnh phúc. Từ đó con thấy những hành động tử tế của mình thật có giá trị và hình thành thói quen đối xử tử tế với mọi người.
Cha mẹ nên dũng cảm nhận lỗi
Khi làm sai chuyện gì đó, cha mẹ nên nhận lỗi với con, với người nào đó mà mình mắc lỗi để con thấy, ai làm sai, dù là người lớn hay trẻ con cũng phải chịu trách nhiệm. Muốn dạy con trở thành người tử tế, trước tiên bố mẹ phải là hình mẫu cho con học tập.
Việc cha mẹ biết nhận lỗi khi sai là để cho con thấy, con người, ai cũng có thể mắc lỗi, nhưng quan trọng là biết hối lỗi, phục thiện để không mắc phải sai lầm nữa.