Trò chuyện với PV, ông Lê Quan Ba, cháu rể của ông Nguyễn Văn Hảo – người xây rạp Công Nhân cho biết, rạp do ông Hảo xây dựng vào khoảng năm 1940. Rạp này này lúc đầu mang tên là Nguyễn Văn Hảo, sau giải phóng đổi tên thành rạp Công Nhân, chính là Nhà hát kịch thành phố.
"Cái hôm ông Hải (ông Đoàn Ngọc Hải – Phó chủ tịch quận 1) cho đập mấy cái bậc thềm này tôi cũng có mặt ở đó. Mấy cái bậc thềm đó có lâu lắm rồi. Tôi năm nay 83 tuổi thì nó cũng phải chừng đó, thậm chí còn hơn thế nữa. Tôi còn nhớ mình hay ra đây chơi, nhảy lên nhảy xuống bậc thềm này để chơi", ông Ba nói.
Lực lượng chức năng quận 1, tháo dỡ hai bậc thềm lấn chiếm vỉa hè trước rạp Công Nhân vào tối 22/3.
Khi được hỏi về cảm xúc khi trực tiếp chứng kiến sự việc ông Hải chỉ đạo đập bậc thềm, ông Ba bày tỏ rất buồn, về nhà cứ nằm trằn trọc suy nghĩ mãi.
"Tôi buồn vì nhớ lại những kỉ niệm xưa, cái hồi ông bà, ba mẹ tôi. Tôi thấy nó cũng không ảnh hưởng nhiều đến người đi bộ. Tôi cũng nhớ một số người nổi tiếng từng vào rạp này. Tuy nhiên, xem tivi tôi cũng biết là không chỉ ở Sài Gòn mà còn ở Hà Nội người ta cũng ra quân dọn dẹp vỉa hè nên tôi cũng hiểu.
Ông Ba cho biết ông ủng hộ chính quyền quận 1 trong chiến dịch dọn dẹp vỉa hè.
Trước đó, tôi cũng có nghe thông báo là chính quyền sẽ xử lý bậc thềm rồi nhưng không nhớ ngày cụ thể. Chính quyền quận 1 đã đến rạp và cho biết thứ 3 sẽ đến dọn dẹp, lát xi-măng ở một số bậc đã đập cho gọn gàng. Tôi ủng hộ ông Hải, ông làm chỉ vì cái chung mà", ông Ba nói.
Nói về một số tấm ảnh chia sẻ trên mạng cho rằng trước đây rạp Công nhân chỉ có 3 bậc, bây giờ lại có 5 bậc, ông Ba lắc đầu cho biết:
"Cái hình đó tôi cũng không biết chụp lúc nào? Trước giờ chỉ có cái rạp duy nhất mang tên Nguyễn Văn Hảo. Cái rạp này trải qua nhiều đời giám đốc rồi, họ có sửa, sơn lại cho đẹp. Còn mấy cái cột, 5 bậc thềm này có từ rất lâu lâu lắm rồi, không có thấy thay đổi!".
Rạp Nguyễn Văn Hảo từng được mệnh danh là "thánh đường của cải lương". Ảnh: Tư liệu.
Hình ảnh bậc tam cấp (trái) của rạp Công Nhân được xây lùi vào trong, đang lan truyền trên mạng
Bà Trần Thị Giò (cháu ruột ông Nguyễn Văn Hảo) chia sẻ thêm, hôm ông Hải đến đập bậc thềm của rạp thì bà có chạy ra xem. Theo bà, các bậc thềm tồn tại đã rất lâu nhưng không nhớ rõ những năm nào chính xác.
Còn về việc chính quyền quận 1 xử lý lấn chiếm vỉa hè của rạp, bà Giò bảo không trách bởi làm vì cái lý, cái chung xã hội.
Trước đó, tối 22/3, ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 dẫn đầu đoàn kiểm tra liên ngành quận đi xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè trái phép, tại các tuyến đường trung tâm thành phố.
Ông Đoàn Ngọc Hải (áo trắng), Phó chủ tịch UBND quận 1 TP HCM.
Khi đến đường Trần Hưng Đạo (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP HCM) ông Hải cùng đoàn liên ngành phát hiện một số bậc thềm của rạp Công Nhân (Nhà hát kịch thành phố) lấn chiếm vỉa hè.
Trong lúc đoàn liên ngành đang chuẩn bi xử lý thì có một người đàn ông khoảng 80 tuổi tự nhận là con cháu của người xây dựng rạp đến phân bua là bậc thềm nhà hát tồn tại từ lâu, mong lực lượng chức năng xem xét.
Sau đó, ông Hải đã hội ý với một cán bộ và chỉ đạo lực lượng chức năng lập biên bản xử lý, phá dỡ 2 bậc thềm của rạp hát trên vì lấn chiếm vỉa hè.
Ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND quận 1 từng nhấn mạnh: "Không thể để tình trạng lấn chiếm vỉa hè, buôn bán hàng rong, tiểu bậy… gây mất mỹ quan tiếp tục diễn ra. Từ nay đến cuối năm, đích thân tôi sẽ trực tiếp cùng với các lực lượng chức năng của quận kiên quyết xử lý triệt để, không ngại đụng chạm, tất cả đều phải thượng tôn pháp luật".
Quận 1 tháo dỡ bậc thềm lấn chiếm vỉa hè trước rạp Công Nhân vào tối 22/3