Hình ảnh virus đậu mùa khỉ dưới kính hiển vi. Ảnh: AFP/TTXVN
Giám đốc PAHO Carissa Etienne chỉ rõ tình trạng thiếu hụt vaccine và không có phương phương pháp điều trị hiệu quả đối với bệnh đậu mùa khỉ khiến các quốc gia phải tăng cường nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của virus tại châu Mỹ. Tuy nhiên, bà Etienne cho rằng hiện chưa cần thiết triển khai tiêm chủng đại trà ngừa bệnh đậu mùa khỉ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 23/7 đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu liên quan bệnh đậu mùa khỉ, sau khi hơn 16.000 ca mắc bệnh được ghi nhận ở 75 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lưu hành ở Trung Phi và Tây Phi, nhưng từ tháng 5 vừa qua, bệnh đã xuất hiện ở bên ngoài 2 khu vực này và bắt đầu lây lan nhanh. Đến nay, bệnh đậu mùa khỉ đã lan tới hơn 90 quốc gia và khu vực trên toàn thế giới, với hơn 48.000 ca mắc bệnh và hàng chục ca tử vong. Châu Âu và châu Mỹ là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tại châu Mỹ, hầu hết các trường hợp dương tính với virus đậu mùa khỉ được phát hiện là đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới, mặc dù ít nhất 145 trường hợp cũng đã được xác nhận ở phụ nữ và 54 trường hợp ở trẻ em dưới 18 tuổi. Theo PAHO, đến thời điểm hiện tại đã ghi nhận 30.772 ca mắc đậu mùa khỉ tại 31 quốc gia châu Mỹ và 4 trường hợp tử vong ở Brazil, Cuba và Ecuador.
Mặc dù virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể lây nhiễm từ động vật sang người, song các chuyên gia y tế nhấn mạnh sự lây lan toàn cầu gần đây là do tiếp xúc gần với người bệnh. Các triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu, đau nhức cơ, giảm năng lượng, sưng hạch bạch huyết, phát ban hoặc tổn thương da. Những người mắc bệnh có thể lây lan cho người khác khi đã xuất hiện các triệu chứng và virus lây lan qua chất dịch cơ thể (mủ hoặc máu từ các tổn thương da) và những vật dụng mà người mắc bệnh sử dụng.