CNN đưa tin, phán quyết này có nghĩa là ba nhánh hành pháp, lập pháp và tư pháp của chính phủ Venezuela sẽ bị kiểm soát bởi Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất, đánh bật phe đối lập ra khỏi cơ quan cầm quyền. Các lãnh đạo đảng đối lập đã lên tiếng phản đối chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.
Chủ tịch Quốc hội Venezuela, Julio Borges cho biết: “Ông Maduro đã tiến hành một cuộc đảo chính. Ý nghĩa của phán quyết này đó là lần đầu tiên, Tổng thống sẽ có tất cả mọi quyền lực từ ban hành luật pháp, phân công hợp đồng, quản lý nợ nước ngoài và làm khổ những người dân Venezuela".
Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp trên truyền hình ngày hôm qua (30/3), Tổng thống Maduro khẳng định: “Họ đang cho phép tôi thực hiện những quyền đặc biệt có thể giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khẩn cấp mà Hiến pháp đã quy định. Đây là mệnh lệnh từ Tòa án Tối cao. Đây là một quyết định lịch sử”.
Phán quyết này đã tạo nên một làn sóng giận dữ trên khắp khu vực. Chính phủ Peru đã hủy bỏ quan hệ ngoại giao với Venezuela, triệu hồi Đại sứ Mariano López Chávarry về nước. Tổng thống Peru Pedro Pablo Kuczynski cũng gọi phán quyết của tòa án là “một cách thức chuyên quyền phá vỡ hệ thống luật pháp cũng như trật tự dân chủ và hiến pháp”.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng ngay lập tức lên án quyết định của Tòa án Tối cao Venezuela và gọi đây là “một bước lùi nghiêm trọng trong tiến trình dân chủ ở quốc gia Trung Mỹ này”.
“Việc cắt đứt các quy chế hiến pháp và dân chủ này sẽ gây tổn thất lớn cho thể chế dân chủ của Venezuela và ngăn không cho người dân nước này có quyền quyết định tương lai của đất nước thông qua các đại diện do chính họ bầu chọn.
Chúng tôi kêu gọi chính phủ Venezuela cho phép Quốc hội đã được bầu cử dân chủ thực hiện các chức năng hiến pháp của mình, tổ chức bầu cử sớm nhất có thể và ngay lập tức thả tất cả các tù nhân chính trị”, quyền phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Mark Toner khẳng định.
Phán quyết của Tòa án Tối cao Venezuela cho biết sẽ cắt bỏ tất cả các quyền lập pháp vốn dĩ thuộc về Quốc hội mà phe đối lập chiếm đa số kể từ tháng 1/2016.
“Một khi việc không tuân thủ vẫn tiếp tục và hành động của Quốc hội không còn hiệu lực thì tòa án hiến pháp sẽ đảm bảo rằng mọi chức năng của Quốc hội sẽ do chính tòa quyết định, hoặc sẽ được trao cho một cơ quan hợp lý khác, để đảm bảo quy định của luật pháp”, tòa án Venezuela tuyên bố.
Các cuộc ẩu đả đã diễn ra bên ngoài tòa nhà của Tòa án Tối cao Venezuela chiều ngày hôm qua, khi các lực lượng chống chính phủ tìm cách tấn công cơ quan này trước sự bảo vệ của lực lượng Vệ binh Quốc gia. Một số người biểu tình đã mắng chửi lực lượng bảo vệ, gọi họ là “kẻ phản bội đất mẹ”.
Venezuela đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng xuất phát từ cuộc suy thoái kinh tế thời gian qua. Người dân nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu những sản phẩm lương thực cơ bản và thuốc thang thông thường.
Theo Qũy Tiền tệ Quốc tế, lạm pháp ở Venezuela được cho là tăng lên mức 1.660% trong năm nay và lên tới 2.880% trong năm 2018.
Hôm 24/3, Tổng thống Maduro cho biết chính phủ ông đã đề nghị Liên Hiệp Quốc hỗ trợ thuốc và các thiết bị y tế tối thiểu cho Venezuela. Hồi đầu tháng ba, dữ liệu từ ngân hàng trung ương nước này tiết lộ chính phủ của ông Maduro đã gần như cạn kiệt tiền mặt.
Venezuela đang còn khoản 10, 5 tỷ dự trữ ngoại hối. Với khoản nợ vượt ngưỡng 7,2 tỷ USD, điều đó có nghĩa là, quốc gia Trung Mỹ này đã có lúc hết sạch tiền, do phụ thuộc vào giá dầu lên xuống.
Tổ chức các quốc gia châu Mỹ đã gặp mặt hôm 28/3 để tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela nhưng các thành viên đã không tìm ra được tiếng nói chung trong việc áp đặt trừng phạt và yêu cầu thả tù nhân chính trị.
Cuối cùng, tổ chức này chỉ đưa ra tuyên bố “tiếp tục xem xét các lựa chọn, với sự tham gia của tất cả các bên tại Venezuela, nhằm ủng hộ dân chủ và quy định của luật pháp theo thể chế của nước này”.