Châu Âu sẽ triển khai cơ chế mua chung khí đốt ngay trong tháng 11

Mạnh Hà |

Uỷ viên phụ trách Thị trường Nội địa châu Âu ông Thierry Breton hôm 4/11 cho biết Liên minh châu Âu (EU) sẽ triển khai cơ chế mua chung khí đốt vào cuối tháng 11/2022 trong nỗ lực ngăn chặn giá khí đốt tăng cao cũng như tăng cường vị thế của khối trong việc đàm phán với các nhà cung cấp.

Phát biểu trên truyền hình ngày hôm qua, Uỷ viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu ông Thierry Breton cho biết, các nước châu Âu đang đi đến những chi tiết cuối cùng về một cơ chế tự nguyện mua chung khí đốt. Nhiều khả năng cơ chế này sẽ áp dụng ngay trong tháng 11/2022 để giúp các nước thành viên có thể ứng phó với nguy cơ thiếu hụt năng lượng ngay trong mùa Đông năm 2022.

Châu Âu sẽ triển khai cơ chế mua chung khí đốt ngay trong tháng 11 - Ảnh 1.

Châu Âu nỗ lực dự trữ khí đốt cho mùa Đông năm nay. Ảnh: DW

Theo ông Thierry Breton, cơ chế mua chung khí đốt sẽ giúp ngăn chặn giá khí đốt tăng cao tại châu Âu, tăng cường sự đoàn kết cũng như vị thế đàm phán của châu Âu trước các nhà cung cấp để đạt được mức giá tốt nhất. Giá khí đốt tại châu Âu từng đạt mức cao lịch sử trong tháng 8/2022 với hơn 320 euro cho mỗi MWh trước khi giảm dần về mức 100 euro như hiện nay. Quan chức châu Âu này cũng tin tưởng châu Âu đã có sự chuẩn bị tốt cho mùa Đông năm nay sau khi đã lấp đầy 95% các kho dự trữ chiến lược, cao hơn so với mục tiêu đã đặt ra.

Bên cạnh cơ chế mua chung khí đốt, Uỷ viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu Thierry Breton cũng cho biết châu Âu đang xem xét áp dụng một cơ chế tạm thời để áp trần giá khí đốt được dùng để sản xuất điện. Đây là biện pháp đã được hai nước Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha áp dụng từ tháng 5/2022 và hiện đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Pháp giúp giá điện chỉ tăng ở mức 10%.

Ngoài ra, châu Âu cũng đang nỗ lực đa dạng hoá nguồn cung, đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các nhà cung cấp lớn như Na Uy, Mỹ, Qatar… sau khi mất đi nguồn khí đốt từ Nga, vốn chiếm 40% lượng khí đốt tiêu thụ tại châu Âu. Ưu tiên tiếp theo của châu Âu là đám phán với Mỹ để hạ giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) đang được bán cho châu Âu với mức giá cao gấp bốn lần tại Mỹ.

Ủy viên phụ trách thị trường nội địa châu Âu Thierry Breton nhấn mạnh châu Âu cần có gói giải pháp dài hạn trước các dự báo từ Tổ chức Năng lượng quốc tế (AEI) về khả năng thiếu hụt năng lượng trong mùa Đông năm 2023.

"Chúng ta đã có những gì cần cho mùa Đông năm nay. Tuy vậy, vẫn phải đặc biệt chú ý đến vấn đề giá cả bởi nó có thể tăng cao bất cứ khi nào. Chúng ta cũng cần phải chuẩn bị cho mùa Đông năm tới khi không còn nguồn cung từ Nga mà tôi nghĩ sẽ diễn ra trong thời gian dài nữa. Vậy nên, chúng ta cần phải đa dạng hoá nguồn cung, thúc đẩy nhanh các nguồn năng lượng tái tạo cũng như thực hiện những điều cần thiết để giảm mức tiêu thụ năng lượng”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại