Nắng nóng kéo dài, nhựa đường ở khớp nối kỹ thuật trên cầu nhũn ra dưới chân
Thụy Sỹ vốn được biết đến là một quốc gia cao nguyên với khí hậu ôn đới, thậm chí nhiều vùng thuộc núi Alps quanh năm tuyết phủ. Vì vậy, đợt nắng nóng này gây nên sự xáo trộn lớn trong đời sống người dân cũng như du khách.
Vì có một mùa đông dài nên những người châu Âu thường có sở thích ăn trưa ngoài trời dưới nắng, vừa dùng bữa vừa “quang hợp”, nhưng với cái nắng gay gắt này thì không thể.
Thời điểm 14h đến 15h (giờ địa phương) là lúc nắng gay gắt nhất, nhiệt độ nhiều nơi có thể lên tới 38,40 độ C. Ảnh: Hoàng Tuấn Long
"Cả không gian hầm hập như một cái nồi hầm. Đôi chỗ nhựa đường mềm nhũn ra dưới chân lữ khách. Tất cả đều chạy hết vào bóng râm hoặc trong nhà. Có những địa danh du lịch nổi tiếng mà phố xá vắng tanh vắng ngắt do người ta mải trốn nắng, không thiết tha gì chuyện vãn cảnh", một người dân cho hay.
Một du khách Việt Nam cho biết: “Thời tiết quá nóng, uống bao nhiêu nước cũng cảm thấy chưa đủ. Không thể tin được thời tiết Thụy Sỹ lại không khác những ngày nắng nóng đỉnh điểm tại Hà Nội là mấy.
Nhiều nhà hàng không có điều hoà nhiệt độ hay quạt mà cũng đông nghẹt khách vì người ta thà chọn ở trong đây còn hơn phơi ra ngoài nắng".
Nhiều tuyến phố không một bóng người. Ảnh: Hoàng Tuấn Long
Những người phục vụ mồ hôi ướt sũng sĩnh, liên tục xin lỗi khách khi vô ý để rớt mồ hôi xuống bàn mỗi khi đưa/dọn đồ... Dòng sông Aare ở thành phố Bern đông nghẹt người ngâm, tắm hoặc thả mình trôi theo dòng nước xanh biếc mát mẻ...
Các món đồ ăn uống giải nhiệt lên ngôi. Các hàng kem bán không ngơi tay với chuỗi dài khách xếp hàng chờ đến lượt. Nhiều nhà hàng đưa các món súp lạnh vào thực đơn, hay là quảng cáo các suất ăn được tăng cường thêm rau xanh...
Nhiều khách sạn cho biết chưa chuẩn bị tinh thần đón hoàn cảnh này nên không có điều hòa. Các phòng khách chọn cách mở hết cửa sổ để cho thoát nhiệt. Người dân địa phương cho hay, sau hôm nay, thời tiết sẽ dịu dần trở lại.
Các cơ quan y tế công cộng châu Âu đang nỗ lực ngăn chặn "lịch sử lặp lại" hồi năm ngoái, khi nền nhiệt tăng cao khiến nhiều người thiệt mạng ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, cũng như dẫn tới hạn hán nghiêm trọng ở Đức và Thụy Điển. Châu lục này cũng trải qua tháng 8 nắng nóng kỷ lục vào năm ngoái.
Cơ quan dự báo thời tiết các nước Bỉ, Czech, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ cũng đưa ra cảnh báo về nhiệt độ gia tăng, khuyên người dân nên tránh lao động nặng vào buổi trưa và buổi chiều, uống nhiều nước và tránh ánh nắng mặt trời.