Châu Âu muốn “tự lực cánh sinh”, Biden gặp khó khi đối phó với Nga - Trung

Kiều Anh |

Không gặp nhau ở những điểm giao về lợi ích, chính quyền ông Biden sẽ đối mặt với những thách thức mới với một châu Âu ngày càng muốn tự quyết định những vấn đề của riêng mình hơn.

Tổng thống Biden. Ảnh: New York Times

Tổng thống Biden. Ảnh: New York Times

Con đường riêng của châu Âu

2 tuần sau lễ nhậm chức của Tổng thống Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công khai nói về tầm quan trọng của việc đối thoại với Nga, đồng thời khẳng định rằng Nga là một phần của châu Âu, cũng như châu Âu đủ mạnh mẽ để bảo vệ các lợi ích của mình.

Ngày 30/12, chỉ vài tuần trước lễ nhậm chức của ông Biden, Liên minh châu Âu ký một thỏa thuận đầu tư quan trọng với Trung Quốc, vài ngày sau khi cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden là Jake Sullivan viết trên Twitter yêu cầu "sự tham vấn sớm" với châu Âu về Trung Quốc và thận trọng cảnh báo châu Âu không nên vội ký thỏa thuận.

Thậm chí cả khi các chính sách của Mỹ được định hình lại trong một chính quyền mới thì châu Âu đã tự lựa chọn con đường riêng của mình trong quan hệ với Nga và Trung Quốc theo những cách thức mà không phải lúc nào cũng thống nhất với các mục tiêu của ông Biden. Đây chính là thách thức với nhà lãnh đạo Mỹ khi ông Biden muốn xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương thời kỳ hậu Trump.

Ngày 19/2 (giờ Mỹ), ông Biden sẽ phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich, một sự kiện tập hợp các nhà lãnh đạo và nhà ngoại giao từ châu Âu và Mỹ mà ông đã dự trong hàng thập kỷ qua và củng cố vị thế như một người có thể thúc đẩy sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương.

Phát biểu tại hội nghị này cách đây 2 năm, ông Biden đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump vì đã hủy hoại mối quan hệ vững chắc giữa Mỹ và châu Âu.

"Những rắc rối rồi sẽ trôi qua. Chúng tôi sẽ trở lại", ông Biden khẳng định, đồng thời cam kết Mỹ sẽ lại "gánh vác trách nhiệm lãnh đạo của chúng ta".

Bài phát biểu của ông Biden tại hội nghị sắp tới được cho là sẽ lặp lại các cam kết và lời kêu gọi một phương Tây đoàn kết hơn nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Ngà và Trung Quốc. Theo nhiều cách khác nhau, những cuộc trao đổi như vậy chắc chắn sẽ nhận được những thông điệp nồng ấm từ các nhà lãnh đạo châu Âu, vốn đã căng thẳng và mệt mỏi với chính sách ngoại giao bốc đồng của ông Trump trong suốt 4 năm qua.

Tuy nhiên, với "sự lãnh đạo" mà ông Biden đưa ra, vốn được hiểu theo cách truyền thống là chúng tôi quyết định và các bạn tuân theo, nhiều nước châu Âu cảm thấy điều này đã không còn phù hợp khi mà Brussels không phải chỉ là lực lượng yểm trợ trong những cuộc chiến được định hình bởi Washington.

Được thể hiện rõ qua thỏa thuận thương mại EU - Trung Quốc hay những cuộc trao đổi về việc hòa giải với Moscow từ các nhà lãnh đạo như ông Macron và người có thể sẽ kế nhiệm Thủ tướng Merkel là ông Armin Laschet, châu Âu đang tự đặt ra những giá trị và lợi ích của mình trong mối quan hệ với 2 kẻ thù lớn của Mỹ là Nga và Trung Quốc. Điều này chắc chắn sẽ làm phức tạp thêm chính sách ngoại giao cũng như những tính toán của chính quyền Tổng thống Biden.

"Ông Biden đang thể hiện một hướng tiếp cận vô cùng cứng rắn với Nga và Trung Quốc, cũng như đang định hình một cuộc Chiến tranh Lạnh toàn cầu mới", Jeremy Shapiro, giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng châu Âu về Quan hệ Quốc tế cho hay.

Chuyên gia này cho rằng điều đó sẽ khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu lo lắng. Trong khi đó, các chuyên gia khu vực nhận định rằng họ hầu như thấy rất ít dấu hiệu nhiệt tình từ châu Âu so với những kỳ vọng của các quan chức trong chính quyền ông Biden.

Ulrich Speck, một học giả cấp cao tại Quỹ Marshall của Đức ở Berlin nhận định: "Sau khi đóng băng mối quan hệ dưới thời ông Trump, tôi kỳ vọng có nhiều sự nồng ấm hơn nhưng tôi vẫn chưa thấy điều đó".

Biden gặp khó trong việc nối lại “cây cầu” xuyên Đại Tây Dương

Tổng thống Biden đã thực hiện nhiều biện pháp đơn giản nhất để nối lại quan hệ và thể hiện sự đoàn kết với châu Âu, từ tham gia vào Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, nhấn mạnh đến chủ nghĩa đa phương và nhân quyền cho tới cam kết gia nhập lại thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015. Tuy nhiên, việc thúc đẩy một lập trường thống nhất chống lại Nga và Trung Quốc sẽ gặp khó khăn hơn nhiều.

Trung Quốc là kẻ thù của Mỹ nhưng cũng là đối tác thương mại quan trọng của châu Âu. Trong khi các nhà lãnh đạo châu Âu coi Bắc Kinh là một kẻ thù và một đối thủ cạnh tranh có hệ thống thì họ cũng coi nước này là một đối tác.

Kể từ khi ông Biden còn là Phó Tổng thống dưới thời chính quyền Obama, Anh, vốn là một đối tác ngoại giao đáng tin nhất của Mỹ, tới nay đã rời EU và hiện việc điều phối về chính sách đối ngoại của nước này với các đồng minh châu Âu khác đã kém hiệu quả hơn.

Hội nghị an ninh tuần này không được điều hành bởi chính phủ Đức nhưng Thủ tướng Angela Merkel sẽ phát biểu tại sự kiện này, cùng với Tổng thống Biden, Tổng thống Macron và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Bản thân Đức cũng đang tạo ra một số vấn đề mà chính quyền ông Biden phải đối mặt trong nỗ lực chống lại Nga.

Đức vẫn kiên quyết với việc tham gia vào dự án Dòng chảy phương Bắc 2, đường ống dẫn khí vận chuyển khí đốt từ Nga tới Đức qua biển Baltic. Việc thi công dự án này đã bị dừng lại vào năm ngoái với 94% đường ống đã được lắp đặt sau khi Quốc hội Mỹ gia tăng trừng phạt với các bên liên quan do lo ngại Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp Nga "thao túng" nguồn cung năng lượng của châu Âu và gia tăng ảnh hưởng tới châu lục này.

Năm ngoái, các chính trị gia Đức đã phản ứng với các đe dọa trừng phạt kinh tế mà các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mỹ đề xuất bằng cách gọi những động thái này là "tống tiền", "chiến tranh kinh tế" và "chủ nghĩa đế quốc kiểu mới". Đức muốn hoàn thành dự án đường ống dẫn khí này nhưng hôm 16/2, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nhận định với báo giới rằng Tổng thống Biden phản đối Dòng chảy phương Bắc 2 và gọi đây là "một thỏa thuận tồi" chia rẽ châu Âu cũng như khiến châu lục này dễ bị tổn hại trước Nga hơn.

Bất chấp các lệnh trừng phạt, các tàu của Nga đã nối lại việc lắp đặt các đường ống và Thủ tướng Merkel cũng đã bảo vệ dự án này bằng cách khẳng định đây hoàn toàn là một dự án về kinh tế chứ không phải một tuyên bố địa chính trị. Đức cho rằng các quy định của EU và cấu trúc của hệ thống đường ống mới sẽ làm giảm khả năng Nga có thể thao túng nguồn cung, đồng thời nhận định Nga phụ thuộc vào doanh thu hơn là châu Âu phụ thuộc vào khí đốt.

Giống như với thỏa thuận EU - Trung Quốc, có những dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Biden muốn đàm phán về một giải pháp với Đức nhằm xoa dịu những bất mãn của đồng minh quan trọng này. Theo các nhà quan sát, điều đó có thể bao gồm các lệnh trừng phạt "chuyền lùi" nếu Moscow làm trệch hướng nguồn cung và dừng trả phí trung chuyển cho Ukraine.

Tại Pháp, Tổng thống Macron từ lâu đã tìm cách thúc đẩy một cuộc trao đổi tích cực hơn với Tổng thống Nga Putin nhưng nỗ lực này của ông vẫn chưa đi đến đâu. Người đứng đầu về chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell Fontelles cũng cố gắng thực hiện động thái tương tự vào tháng này nhưng Ngoại trưởng Nga Sergey V. Lavrov đã khiến ông "bẽ mặt" khi gọi EU là "một đối tác không đáng tin cậy".

Dù vậy, cùng với vụ bắt giữ nhân vật đối lập Nga Navalny, các động thái của ông Borrell cho thấy Brussels có thể sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt mới lên Nga và cởi mở hơn những đề xuất của ông Biden về một lập trường cứng rắn hơn với Moscow.

Các quan chức trong chính quyền ông Biden cho biết việc hợp tác với một châu Âu chia rẽ chưa bao giờ là điều dễ dàng song các nhà lãnh đạo của châu Âu sẽ hoan nghênh việc khôi phục sự lãnh đạo của Mỹ, đặc biệt khi mối đe dọa từ Trung Quốc với châu Âu ngày càng rõ ràng hơn so với cách đây 5 năm.

Với Trung Quốc và thỏa thuận đầu tư sau 7 năm đàm phán khó khăn, các quan chức châu Âu cho rằng thỏa thuận này chủ yếu giống như một nỗ lực để các công ty của họ nhận được sự tiếp cận tương tự với thị trường Trung Quốc như các công ty Mỹ đã nhận được trong thỏa thuận với Trung Quốc dưới thời chính quyền Tổng thống Trump vào năm ngoái.

"Không có lý do gì để chúng tôi phải chấp nhận một sân chơi không bình đẳng, bao gồm cả với Mỹ", Sabine Weyand, tổng giám đốc EU về thương mại nhận định trong một diễn đàn trực tuyến hồi đầu tháng 2.

Bà Weyand cho biết thỏa thuận này đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn cho các hành động thương mại của Trung Quốc, vốn sẽ giúp Mỹ và châu Âu "có lập trường mạnh mẽ hơn để thúc đẩy một chính sách quyết đoán hơn với Bắc Kinh".

Tuy nhiên, Wendy Cutler, người từng là nhà đàm phán về thương mại của Mỹ và phó chủ tịch Viện Chính sách Hiệp hội châu Á nhận định: "Thỏa thuận này có nguy cơ khiến sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương trở nên phức tạp hơn nhưng tôi không nghĩ có thể ngăn cản nó"./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại