Châu Âu mạnh tay với người né vaccine ngừa COVID-19

Tiến Dũng |

Trong bối cảnh tốc độ tiêm chủng có dấu hiệu chậm lại và các ca nhiễm COVID-19 mới không ngừng gia tăng, lãnh đạo tại nhiều nước châu Âu đã và đang tiến hành các biện pháp mạnh tay hơn với những người chưa tiêm vaccine, thậm chí là cách ly những người này với xã hội.

Đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Pháp đã quyết định thắt chặt các điều kiện đi lại đối với những người chưa được tiêm chủng tại 8 quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) là Đức, Áo, Bỉ, Hy Lạp, Hungary, Ireland, Hà Lan và CH Czech. Trước đó, các quốc gia khác như Bulgaria, Croatia, Estonia, Latvia, Litva, Romania, Slovakia và Slovenia cũng đã bị xếp vào danh sách "cần theo dõi", theo CNN.

Cụ thể, du khách chưa được tiêm phòng đến từ các quốc gia trên phải xuất trình xét nghiệm PCR hoặc xét nghiệm kháng nguyên được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi khởi hành đến Pháp, ngắn hơn nhiều so với quy định 72 giờ trước đó. Ngay cả với khách du lịch Pháp, nếu chưa được tiêm phòng thì cũng phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về dịch tễ và cũng không thể đi du lịch châu Âu nếu không thực hiện một hoặc nhiều xét nghiệm PCR trước khi rời Pháp, hoặc từ các nước nói trên trở về.

Thời gian thắt chặt các hạn chế về y tế đối với những người chưa được tiêm chủng sẽ phụ thuộc vào diễn biến tình hình dịch bệnh. Những du khách đã được tiêm phòng hợp lệ không phải tuân thủ các biện pháp này. Các quy định mới được đưa ra nhằm hạn chế sự bùng phát của dịch COVID-19 khi Pháp đang phải đối mặt với nguy cơ làn sóng dịch thứ năm.

Dù đánh dấu một bước ngoặt mới, các biện pháp này của Paris được cho là không đủ để ngăn khách du lịch Pháp đi thăm các nước nói trên hay du khách từ các nước châu Âu đến Pháp vào dịp Giáng sinh.

Châu Âu mạnh tay với người né vaccine ngừa COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều nước châu Âu công bố biện pháp mạnh tay hơn với người chưa tiêm vaccine COVID-19. Ảnh minh họa: Reuters.

Không chỉ Pháp, một số quốc gia châu Âu cũng đã đưa ra các hạn chế về y tế trên lãnh thổ của mình. Áo là một trong những nước đầu tiên áp dụng những biện pháp mạnh tay với những người chưa tiêm chủng. Những quy định được nước này chính thức thức áp dụng từ ngày 15/11 cấm tất cả những ai chưa tiêm chủng, hiện chiếm 1/3 dân số, được ra khỏi nhà trừ những trường hợp khẩn cấp, đi mua lương thực hay khám chữa bệnh. 

Cảnh sát Áo chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát tại những khu vực theo quy định để những người chưa tiêm chủng không được phép vào những nơi này. Thủ tướng Áo Alexander Schallenberg đã công bố những biện pháp mạnh tay cùng với lời cảnh báo trên toàn quốc. Ông gọi tỷ lệ tiêm chủng thấp tại nước nhà là một điều "đáng xấu hổ" và cho biết những người chưa tiêm chủng sẽ phải chịu đựng "chính xác những gì tất cả mọi người đều phải trải qua trong năm 2020".

Châu Âu mạnh tay với người né vaccine ngừa COVID-19 - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng tại một điểm tiêm chủng ở Cologne, Đức. Ảnh: Reuters

Ngoài Áo, Đức là một trong những nước đầu tiên có động thái cứng rắn liên quan đến người chưa tiêm chủng. Cụ thể, giới chức nước này đã đệ trình lên Quốc hội một số biện pháp cụ thể, đáng chú ý, người dân Đức sẽ buộc phải trình chứng chỉ tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính mới được đi xe buýt hoặc lên tàu, hay đi đến một số địa điểm nhất định. 

Đồng lãnh đạo Đảng Xanh của Đức Robert Habeck cho biết hồi cuối tuần qua rằng khi có hiệu lực, mức độ cao nhất trong các biện pháp này có thể là "cấm ra ngoài đối với người chưa tiêm vaccine". Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Đức đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm mới nguy hiểm cũng như phản ánh sự tức giận của cộng đồng tại phần lớn các nước EU đối với những người miễn cưỡng hoặc tiếp tục từ chối tiêm vaccine.

Đến nay, khoảng 2/3 người Đức đã được tiêm phòng đầy đủ, tuy nhiên, đây là một trong những tỷ lệ thấp nhất ở Tây Âu, buộc các chính trị gia của nước này phải có những tuyên bố và hành động mạnh tay hơn. Số ca nhiễm mới đang gia tăng với tốc độ chóng mặt. Trong 7 ngày qua, trung bình mỗi ngày Đức ghi nhận 40.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu và hơn gấp đôi con số những ngày đầu tháng 11. 

Hạn chế mới đối với những người chưa được tiêm phòng đã có hiệu lực tại Thủ đô Berlin từ đầu tuần này. Người dân tại đây cần trình chứng nhận tiêm chủng đầy đủ hoặc đã khỏi COVID-19 trong 6 tháng để đi vào các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim hay các địa điểm giải trí khác. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm ở Đức nghiêm trọng hơn cả là ở miền Nam và Đông, những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Các nước khác tại châu Âu cũng ráo riết thực hiện các biện pháp ứng phó với sự trở lại của đại dịch. 

Hồi đầu tuần này, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết nước này sẽ sớm đưa ra quy định về việc "hoàn thành mũi tiêm bổ sung mới được coi là tiêm chủng đầy đủ". 

Ông Johnson khẳng định trong một cuộc họp báo, "rõ ràng việc tiêm mũi thứ ba, tiêm mũi bổ sung, sẽ trở thành một yếu tố quan trọng và giúp cuộc sống của chúng ta trở nên dễ dàng hơn trong mọi khía cạnh" và Anh sẽ sớm "điều chỉnh lại quy định về khái niệm tiêm chủng đầy đủ". 

Tại Hà Lan, lệnh giới nghiêm trở lại đã được thông báo vào ngày 12/11, theo đó các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa lúc 20h tối, còn các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa lúc 1h chiều.

Theo số liệu của Đại học Johns Hopkins, Anh, Đức, Ukraine hay Ba Lan đều là những nước đứng đầu về số ca nhiễm mới trong vòng 28 ngày qua. Trong một tuần gần đây, Đức, Anh và Nga ghi nhận thêm hơn 270.000 ca nhiễm mới mỗi nước, trong khi Nga ghi nhận hơn 8.600 ca tử vong mới, cao nhất khu vực. Các nước châu Âu đang đứng trước nguy cơ bùng dịch rất cao khi mùa đông đã đến gần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại