Hoài nghi lời đảm bảo của Mỹ
Hơn 50 năm Mỹ từng trấn an đồng minh châu Âu trước “mối đe dọa hạt nhân” từ Liên Xô. Nhưng Tổng thống Pháp Charles de Gaulle khi đó đã tỏ ra nghi ngờ về quyết tâm bảo vệ châu Âu của Washington. Giờ đây, sự hoài nghi về chiếc ô hạt nhân của Mỹ lại được đặt ra.
Liệu một cường quốc hạt nhân có sẵn lòng làm mọi cách để bảo vệ một đồng minh xa xôi hay không? Liệu một tổng thống Mỹ, đặc biệt nếu là ông Donald Trump, có sẵn sàng mạo hiểm chiến tranh hạt nhân vì Helsinki, Tallinn hay Warsaw? Nếu không, liệu hai cường quốc hạt nhân của châu Âu, Pháp và Anh, có đủ khả năng răn đe của riêng họ để bảo vệ các thành viên NATO và Liên minh châu Âu hay không?
Mặc dù Pháp chưa chính thức đề nghị mở rộng chiếc ô hạt nhân của mình, hiện đang dành riêng để bảo vệ “các lợi ích sống còn” của đất nước, nhưng Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố rằng những lợi ích này mang “một khía cạnh châu Âu”. Tháng trước, ông mô tả cuộc xung đột ở Ukraine là “mang tính sống còn” đối với châu Âu và Pháp.
Trong cuộc gặp hồi tháng 2 với những người đồng cấp Đức và Ba Lan, Ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné đã kêu gọi các đồng minh châu Âu xây dựng kế hoạch dự phòng trước sự nổi lên của chủ nghĩa biệt lập trong nền chính trị Mỹ.
Khả năng răn đe hạt nhân của châu Âu
Ở châu Âu, nhiều người hiện coi khả năng răn đe hạt nhân của Pháp và Anh là rất quan trọng.
Theo cơ cấu hiện tại, Pháp có khoảng 290 đầu đạn hạt nhân, được phân chia giữa một lực lượng chiến lược gồm 4 tàu ngầm mà một trong số đó làm nhiệm vụ tuần tra răn đe liên tục trên biển và máy bay chiến đấu Rafale.
Ngay từ đầu, Pháp luôn tìm cách đảm bảo một lực lượng hạt nhân độc lập tách biệt với Mỹ. Tướng Charles de Gaulle đã thúc đẩy mạnh mẽ nỗ lực xây dựng lực lượng hạt nhân độc lập của Pháp sau khi ông trở thành Tổng thống vào năm 1958.
Cho đến nay, chương trình hạt nhân của Pháp vẫn hoàn toàn độc lập với NATO. Pháp là thành viên duy nhất của liên minh không thuộc Nhóm Kế hoạch Hạt nhân và Tổng thống Macron nắm toàn quyền về việc sử dụng vũ khí hạt nhân tiềm tàng.
Ngược lại, lực lượng hạt nhân nhỏ hơn và kém linh hoạt hơn của Vương quốc Anh lại được tích hợp hoàn toàn vào bộ chỉ huy NATO. Thiếu thành phần hạt nhân trên không, London phải dựa vào tên lửa Trident do Mỹ cung cấp để sử dụng trên 4 tàu ngầm. Anh sở hữu tổng cộng dưới 260 đầu đạn. Thủ tướng Anh giữ quyền duy nhất trong việc sử dụng hạt nhân và học thuyết của nước này tuyên bố điều đó chỉ có thể xảy ra “trong những trường hợp tự vệ, bao gồm cả việc bảo vệ các đồng minh NATO”.
Giới chức Anh tin rằng, mặc dù kém xa con số hàng nghìn đầu đạn của Nga và Mỹ, nhưng vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh vẫn có thể mang lại khả năng răn đe đáng tin cậy trong một cuộc khủng hoảng do tính chất bất đối xứng của chiến tranh hạt nhân.
Các cuộc thảo luận sơ bộ ở châu Âu về khả năng răn đe hạt nhân bị hạn chế bởi lý do: Không nước nào muốn làm bất cứ điều gì có thể làm suy yếu thỏa thuận “chia sẻ hạt nhân” hiện tại do Mỹ dẫn đầu vốn đã hoạt động rất hiệu quả để duy trì hòa bình trong biên giới của NATO.
Mỹ, ngoài kho vũ khí hạt nhân chiến lược, đã triển khai vũ khí hạt nhân ở Đức, Hà Lan, Bỉ, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ. Phi công từ những nước này có thể lái máy bay chiến đấu và phóng vũ khí hạt nhân nếu Mỹ, quốc gia giữ quyền kiểm soát chúng, cho phép tấn công.
Nỗi lo về sự trở lại của ông Donald Trump
Tháng 2/2020, khi Tổng thống Macron mời các đồng minh châu Âu tham gia cuộc tập trận lực lượng hạt nhân của Pháp và thảo luận về khả năng răn đe của Pháp có thể củng cố an ninh châu Âu như thế nào, lời đề nghị của ông đã bị bỏ qua.Việc ông Joe Biden đắc cử tổng thống Mỹ vài tháng sau đó đã khiến nhiều nhà lãnh đạo châu Âu kết luận rằng các mối đe dọa mà NATO phải đối mặt dưới thời chính quyền Donald Trump chỉ là một cơn bão đã đi qua.
Nhưng nỗi lo ngại đó đang quay trở lại. Trong các phát biểu vận động tranh cử, cựu Tổng thống Donald Trump tiếp tục chỉ trích NATO và đã công khai nói rằng ông sẽ khuyến khích Nga làm bất cứ điều gì họ muốn với các đồng minh của Mỹ không chi đủ tiền để được bảo vệ.
Nathalie Tocci, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế ở Rome cho rằng, thật đáng tiếc khi các nhà lãnh đạo châu Âu bỏ qua đề xuất năm 2020 của Macron về một cuộc đối thoại chiến lược liên quan đến các lựa chọn hạt nhân.
“Những lo ngại về sự trở lại của ông Trump đã trở thành động lực chính trị để khơi lại cuộc đối thoại này”, bà Tocci nói.
Mặc dù vẫn nằm ngoài Nhóm Kế hoạch Hạt nhân của NATO, nhưng trong những tháng gần đây, các đại diện của Pháp đã bắt đầu cung cấp cho đồng minh thông tin chi tiết hơn nhiều về tình trạng và khả năng răn đe hạt nhân của Pháp cũng như các chính sách quản lý.
Trong những tháng gần đây, Pháp cũng bắt đầu đối thoại song phương với các nước quan tâm đến việc tăng cường hợp tác về vấn đề này, chẳng hạn như Ba Lan và Thụy Điển. Các cuộc đàm phán giữa các chuyên gia hạt nhân của Pháp và Đức cũng đã diễn ra, nhưng Berlin vẫn thận trọng, bất chấp những lời kêu gọi ngày càng tăng trong giới chính trị và an ninh Đức về việc tìm kiếm các giải pháp thay thế.
Wolfgang Ischinger, cựu Đại sứ Đức tại Washington và cựu Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich, cho rằng, thực tế mới và nguy hiểm của châu Âu đòi hỏi phải cân nhắc lại về khuôn khổ mà Pháp và Anh có thể đóng góp cho việc răn đe hạt nhân chống lại Nga.
Ông nói: “Hiện giờ chúng ta có một bối cảnh chiến lược hoàn toàn khác và việc đảm bảo rằng khả năng răn đe có hiệu quả là vấn đề cấp bách. Vì thế, cần phải xem xét lại tất cả các yếu tố. Nhưng bất cứ cuộc thảo luận nào cũng không thể thiếu sự tham gia của Mỹ”.
Tất nhiên cũng có nhiều người hoài nghi.
“Sự răn đe hạt nhân của châu Âu mang tính giả thuyết cao đến mức chúng ta thậm chí không nên lãng phí thời gian để nói về nó. Thứ nhất, [châu Âu] không có năng lực và thứ hai là không có ý chí chính trị”, ông Slawomir Debski, Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan tại Warsaw, nhận định.
Châu Âu bắt đầu đi tìm giải pháp thay thế
Norbert Rottgen, một nhà lập pháp của Đức, nói rằng bất kể những thay đổi có thể xảy ra ở Washington, hành động hợp lý nhất đối với Đức và các đồng minh châu Âu khác là tập trung xây dựng năng lực quân sự thông thường và các ngành công nghiệp.
“Về vấn đề răn đe hạt nhân, một sự thay đổi nhanh chóng là điều không thể. Nếu chúng ta mất nó do quyết định của Mỹ, sẽ phải mất nhiều năm, ít nhất là một thập kỷ, để cố gắng bù đắp khoảng trông mà Mỹ để lại. Chúng ta phải tập trung vào những chỗ có thể tạo ra sự khác biệt hiện nay và những chỗ chúng ta có thể bù đắp cho sự sụp đổ của chính sách đối ngoại trong trường hợp ông Trump tái đắc cử”, ông nói.
Dù ông Trump có thể nói về việc từ chối bảo vệ các đồng minh NATO trong chiến dịch tranh cử, việc thực sự rút lực lượng răn đe hạt nhân của Mỹ khỏi châu Âu sẽ khó xảy ra, bởi như vậy cũng sẽ làm suy yếu sức mạnh của Mỹ trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, quan điểm của các nhà lãnh đạo châu Âu rõ ràng đã thay đổi khi cuộc bầu cử đến gần. Một số chính trị gia ở Đức thậm chí còn nêu ra triển vọng trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân, một điều cực kỳ phức tạp vì cả lý do chính trị và công nghệ. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự sụp đổ của cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện tại.
Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski cũng ám chỉ vấn đề này trong chuyến thăm Washington gần đây. Ông nói: “Nếu Mỹ không thể hợp tác với châu Âu và giúp Ukraine đẩy lùi lực lượng Nga, tôi e rằng gia đình của chúng ta sẽ bắt đầu tan vỡ. Các đồng minh sẽ tìm cách khác để đảm bảo an toàn cho chính mình. Họ sẽ bắt đầu phòng ngừa rủi ro. Một số nước sẽ nhắm tới loại vũ khí tối thượng, bắt đầu một cuộc chạy đua hạt nhân mới”.
Theo học thuyết hiện hành của NATO, kho vũ khí hạt nhân của Pháp và Anh đã cung cấp thêm khả năng răn đe nhờ sự tồn tại của các trung tâm ra quyết định riêng biệt đã làm phức tạp thêm tính toán của Nga. Nhưng câu hỏi về sự đảm bảo hạt nhân sẽ vẫn tồn tại: Liệu họ có mạo hiểm với Paris hay London để ngăn chặn Nga không?
“Đó là một câu hỏi hoàn toàn hợp lý nhưng sẽ không bao giờ có câu trả lời vì khả năng răn đe phụ thuộc vào sự mơ hồ về mặt chiến lược”, Thống chế Không quân đã nghỉ hưu của Anh Edward Stringer nói.
Trong mọi trường hợp, nếu châu Âu sẵn sàng giao phó sự an toàn của mình cho một tổng thống Mỹ thì cũng nên đặt niềm tin vào Pháp.
“Pháp gần hơn nhiều. Nếu có một mối đe dọa hạt nhân ở châu Âu, nhiều khả năng Pháp sẽ hiểu rằng an ninh của Pháp sẽ gặp nguy hiểm nếu an ninh của Ba Lan, các nước vùng Baltic hoặc Đức gặp nguy hiểm, nhưng điều này không đúng theo cách tương tự đối với Mỹ. Không có lý do gì để bất cứ ai ở Pittsburgh của Mỹ tin rằng họ gặp nguy hiểm nếu Nga tấn công Estonia”, cựu Đại sứ Đức Ischinger lập luận.