Châu Âu chia rẽ vì năng lượng hạt nhân

Quang Dũng |

Điện hạt nhân đang trở thành câu chuyện nóng trên các diễn đàn và tại xã hội các nước châu Âu. Sau cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022, nhiều quốc gia tái khởi động các dự án điện hạt nhân.

Tuy nhiên đây cũng là chủ đề gây tranh cãi khi một số quốc gia bảo lưu quan điểm cần chấm dứt kỷ nguyên điện hạt nhân vì lý do an toàn.

Thông tin nước Đức chính thức đóng cửa ba nhà máy điện hạt nhân cuối cùng diễn ra gần như đồng thời với việc Phần Lan kích hoạt lò phản ứng hạt nhân lớn nhất châu Âu sau 18 năm đã phần nào cho thấy bức tranh đối lập về tương lai nguồn năng lượng này tại các nước châu Âu. Liệu sự khác biệt này sẽ ảnh hưởng ra sao đến các kế hoạch hành động chung của khu vực trong lĩnh vực năng lượng?

Châu Âu chia rẽ vì năng lượng hạt nhân - Ảnh 1.

Một trong 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng của Đức. Ảnh: DW

Nguyên nhân khiến Đức chấm dứt chương trình phát triển điện hạt nhân

Việc nước Đức tuần trước chính thức tiến hành đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng tạo ra nhiều tranh luận tại châu Âu. Những người ủng hộ quyết định này cho rằng đây là một thắng lợi của một cuộc đấu tranh rất dài nhằm loại bỏ cho nước Đức một nguy cơ an ninh thường trực về các sự cố trong các lò phản ứng hay hiểm hoạ môi trường từ rác thải hạt nhân, trong khi những người phản đối lại cho rằng quyết định này của chính phủ Đức là phi logic trong bối cảnh an ninh năng lượng không chỉ tại Đức mà còn tại cả châu Âu vốn đang trong tình trạng mong manh vì biến động địa chính trị từ xung đột Nga-Ukraine, đồng thời việc nước Đức loại bỏ một nguồn năng lượng đáng tin cậy, ổn định và ít ô nhiễm môi trường không phải là một thông điệp tích cực đối với các tham vọng trung hoà các-bon của châu Âu.

Tuy nhiên, cần phải đánh giá quyết định bước ra khỏi năng lượng hạt nhân của Đức trong một tiến trình dài. Nước Đức bắt đầu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong những năm 60 của thế kỷ 20 và rất nhanh chóng trở thành một cường quốc điện hạt nhân tại châu Âu. Vào cao điểm, 19 nhà máy điện hạt nhân cung cấp đến 1/3 sản lượng điện cho nước Đức.

Tuy nhiên, các sự cố tại các nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island tại Mỹ 1979 và nhà máy Chernobyl tại Liên Xô năm 1986 đã khởi đầu cho các phong trào chống lại điện hạt nhân tại Đức. Phong trào này bắt đầu hoạt động mạnh từ cuối thập niên 90 và bắt đầu từ đó, nước Đức dần đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Kể từ năm 2003, Đức đã đóng cửa 16 nhà máy điện hạt nhân. Trong thời kỳ đầu bà Angela Merkel làm Thủ tướng Đức, một quyết định được đưa ra vào năm 2010 là nước Đức sẽ dần đóng cửa tất cả các nhà điện hạt nhân cho đến muộn nhất là năm 2038.

Sự cố nghiêm trọng tại nhà máy Fukushima của Nhật năm 2011 lại khiến phong trào phản đối điện hạt nhân tại Đức dâng cao và dưới sức ép của các đảng Xanh cũng như các tổ chức bảo vệ môi trường, nước Đức đặt kế hoạch đến cuối năm 2022 sẽ đóng cửa toàn bộ các nhà máy điện hạt nhân, tức sớm hơn kế hoạch ban đầu 14 năm. Việc nước Đức trì hoãn việc đóng 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng đến tận tháng 04/2023 là do tác động của xung đột Nga-Ukraine khiến Đức đối mặt khủng hoảng năng lượng cuối 2022.

Vì thế, về mặt lịch sử, việc Đức từ bỏ hoàn toàn điện hạt nhân là một lộ trình đã được vạch sẵn từ hơn 2 thập kỷ qua và trong bối cảnh hiện nay, khi đảng Xanh là một trong 3 đảng nằm trong chính phủ liên minh, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khó có thể trì hoãn việc tiếp tục sử dụng các nhà máy điện hạt nhân lâu hơn nữa.

Tiếp theo, về mặt nguồn cung năng lượng, cũng có ít nguy cơ nước Đức rơi vào cảnh thiếu hụt lớn năng lượng khi đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng. Trong năm 2022, 3 nhà máy điện hạt nhân này chỉ đóng góp 6,5% tổng lượng điện cho nước Đức, là con số rất nhỏ so với điện than (30%), phong điện (22%) và cả quang điện (10%). Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn dự trữ khí đốt của Đức đang ở mức rất cao, nguồn cung mới thay cho khí đốt Nga được dự đoán ổn định và dồi dào, thời tiết tại châu Âu ngày càng nóng hơn… thì việc cắt bỏ 6,5% nguồn cung từ điện hạt nhân không phải thách thức quá lớn với nước Đức.

Chính phủ Đức cũng đưa ra các lập luận rằng, để bù cho phần thiếu hụt này nước Đức sẽ đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy nổi dự trữ khí tự nhiên hoá lỏng, gia tăng phần đóng góp của năng lượng tái tạo (phong điện, quang điện…) cũng như tăng cường năng lực truyền tải của hệ thống. Điểm gây tranh cãi nhất, đó là việc trong khi đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân vốn vẫn được đánh giá là tương đối thân thiện với môi trường thì chính phủ Đức vẫn duy trì các nhà máy điện than, loại năng lượng gây ô nhiễm nhất, đến tận năm 2038.

Pháp thúc đẩy chương trình nghị sự về điện hạt nhân

Cho đến nay, với 57 nhà máy điện hạt nhân, Pháp vẫn là cường quốc điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Mặc dù hiện nay gần một nửa trong số đó luôn trong tình trạng phải bảo dưỡng thường xuyên hay đối mặt với các vấn đề kỹ thuật phải tạm dừng hoạt động, Pháp vẫn xem điện hạt nhân là một trong những trụ cột quan trọng nhất trong chiến lược năng lượng của mình trong tương lai.

Khi công bố chính sách công nghiệp mới của Pháp cuối năm 2021, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt công nghệ hạt nhân dân sự là một trong những ưu tiên lớn nhất, với tham vọng chi 50 tỷ euro để hiện đại hoá một số nhà máy điện hạt nhân của Pháp từ năm 2035, xây thêm ít nhất 6 lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ thế hệ mới, kèm theo lựa chọn xây thêm 8 lò sau đó.

Chính phủ Pháp đã công khai mục tiêu rằng các kế hoạch này không chỉ để phục vụ cho nhu cầu năng lượng của nước Pháp mà còn hướng đến việc xuất khẩu điện và công nghệ lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới ra châu Âu và thế giới. Với nước Pháp, điện hạt nhân không chỉ là giải pháp khả dĩ nhất để đạt được các tham vọng cắt giảm lượng phác thải khí các-bon mà còn là tiền đề để sản xuất các loại năng lượng khác thân thiện với môi trường, như hydrogen xanh. Do đó, trong phạm vi chiến lược công nghiệp và năng lượng của riêng nước Pháp, điện hạt nhân vẫn tiếp tục đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Điểm khác biệt so với trước kia là hiện nay chính phủ Pháp đang vận động ráo riết trong nội bộ EU để đưa năng lượng hạt nhân góp mặt trong mọi chiến lược về năng lượng Xanh của Liên minh châu Âu. Các quan chức chính phủ, các tập đoàn công nghiệp và tổ chức vận động hành lang của Pháp đang tìm mọi cách để năng lượng hạt nhân được đưa xếp vào vị trí trọng tâm trong Kế hoạch Công nghiệp Xanh mà châu Âu sắp công bố chi tiết.

Đây là một kế hoạch hết sức tham vọng của EU nhằm đối trọng với “Đạo luật giảm lạm phát” (IRA) của chính quyền Mỹ, theo đó EU dự kiến chi đầu tư hàng trăm tỷ euro, với các điều kiện về nới lỏng thuế, trợ cấp cho các lĩnh vực công nghệ xanh qua đó bảo vệ và nâng cao năng lực cạnh tranh của châu Âu trong các lĩnh vực công nghiệp chủ chốt.

Việc Pháp vận động ráo riết cho năng lượng hạt nhân mục đích chính là để sớm chiếm lấy phần to nhất của “miếng bánh” này bởi nếu năng lượng hạt nhân được xếp là năng lượng xanh và được nhấn mạnh trong Kế hoạch Công nghiệp Xanh của EU, nước Pháp sẽ có lợi thế vượt trội so với các nước khác trong EU trong việc cung cấp công nghệ điện hạt nhân, từ việc xây dựng các nhà máy mới cho đến việc bán điện cho các nước khác trong liên minh. Việc Pháp thuyết phục được 10 quốc gia EU tham gia Liên minh điện hạt nhân hồi cuối tháng 02/2023 được xem là một thắng lợi nhỏ đầu tiên trong nỗ lực này của Pháp.

Sự chia rẽ trong chính sách cải cách năng lượng chung của EU

Nhìn vào bản đồ điện hạt nhân tại châu Âu hiện nay, có thể thấy rằng khối này đang bị chia rẽ rõ nét. Hiện 13/27 quốc gia thành viên EU đang sử dụng điện hạt nhân và các nước có các quan điểm tương đối khác nhau đối với điện hạt nhân. Nhóm các nước phản đối điện hạt nhân ngoài Đức còn có các nước như Italy, Luxemburg trong khi nhóm ủng hộ điện hạt nhân có Pháp, Hà Lan, Bỉ, Ba Lan. Các nước này đều đang có kế hoạch mở rộng hệ thống điện hạt nhân, hoặc ít nhất là trì hoãn việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân, như Bỉ.

Có những nước đã từng lựa chọn từ bỏ điện hạt nhân nhưng rồi sau đó lại thay đổi quyết định, như Thuỵ Điển. Vào năm 1996, Thuỵ Điển quyết định sử dụng lại điện hạt nhân và hiện 6 nhà máy điện hạt nhân ở Thuỵ Điển cung cấp đến 30% nhu cầu điện cho quốc gia này. Do đó, trong vấn đề điện hạt nhân, sẽ rất khó có các lựa chọn thống nhất cho toàn bộ EU. Các nước sẽ đưa ra các lựa chọn phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia của riêng mình và cũng khó có khả năng EU áp đặt được một đường lối chung cho toàn khối.

Vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các quốc gia theo đuổi các chiến lược năng lượng khác nhau lại đang tranh giành lợi ích quyết liệt, với minh hoạ rõ nhất là Đức và Pháp. Trước khi diễn ra Thượng đỉnh EU cuối tháng 03/2023 tại Brussels, mâu thuẫn này đã suýt phá hỏng thượng đỉnh bởi vào thời điểm đó, trong khi Pháp đang vận động quyết liệt cho Liên minh điện hạt nhân, nhằm đưa điện hạt nhân vào chương trình nghị sự trọng tâm của EU thì chính phủ Đức cũng bất ngờ đưa ra các quan điểm phản đối kế hoạch của châu Âu cấm bán toàn bộ xe ô tô mới chạy bằng động cơ đốt trong tại châu Âu kể từ năm 2035, với lí do là cần phải có ngoại lệ cho một loại xăng nhân tạo thân thiện với môi trường.

Giống như cuộc vận động của Pháp, Đức cũng vận động một số nước khác ủng hộ quan điểm này bởi đứng trên khía cạnh lợi ích của Đức, một cường quốc ô tô hàng đầu thế giới, việc cấm toàn bộ các xe chạy bằng động cơ đốt trong (tức xăng và diesel) sẽ triệt tiêu một thế mạnh lớn của ngành công nghiệp ô tô Đức, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Pháp đương nhiên chỉ trích gay gắt quan điểm này của Đức, cho rằng làm như thế sẽ phá vỡ tham vọng trung hoà các-bon của châu Âu vào năm 2050.

Hiện nay, Pháp-Đức đều không có dấu hiệu nhân nhượng nhau trong việc muốn đưa năng lượng của mình, với Pháp là điện hạt nhân còn Đức là xăng nhân tạo, thành chủ đề chính trong chính sách công nghiệp mới tại châu Âu và các tranh cãi sẽ càng khiến châu Âu khó tìm được một hướng đi thống nhất hơn./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại