Tình trạng thiếu hụt năng lượng toàn cầu diễn ra ngày càng trầm trọng, gây ra lạm phát giá trên thị trường năng lượng quốc tế. (Ảnh: AP)
Dự trữ trong các cơ sở lưu trữ đang ở mức tối thiểu và mùa đông đã đến. Thời tiết lạnh giá sẽ làm tăng chi phí nhiên liệu trong khi một số quốc gia phải đối mặt với lệnh phong tỏa năng lượng.
Sự bình tĩnh trước “cơn bão”
Thị trường khí đốt châu Âu đã lên cơn sốt suốt mùa thu. Vào tháng 10, giá nhiên liệu giao ngay phá kỷ lục lịch sử, tiến gần tới mức 2 nghìn USD/một nghìn mét khối. Điều này là do việc các cơ sở lưu trữ dưới lòng đất không được bơm đầy, nguồn cung bị hạn chế từ các nhà cung cấp và nhu cầu cao về khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Á.
Sau đó, giá giảm xuống, ổn định vào tháng 11 ở mức dưới 1 nghìn USD. Sự “lo lắng” giảm nhẹ khi Gazprom bắt đầu bơm nhiên liệu vào các cơ sở lưu trữ ở châu Âu.
Nhưng sau đó có tin tức rằng việc cấp giấy chứng nhận của Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2) bị đình chỉ. Điều này có nghĩa là thời điểm khởi động đường ống dẫn khí đốt lại đang thay đổi, trong khi mùa đông lại đang đến gần.
Mùa đông châu Âu sẽ lạnh hơn
Châu Âu chắc chắn chưa sẵn sàng cho thời tiết lạnh giá. Theo Cơ sở hạ tầng khí châu Âu, lượng khí đốt đang hoạt động trong các kho chứa ít hơn năm ngoái 23,4% (20,8 tỉ mét khối). Và mùa đông năm nay được cho là sẽ rất khắc nghiệt. Do đó tình trạng thiếu điện, gas và kéo theo đó là giá cả tăng vọt là điều không thể tránh khỏi.
Theo giới chuyên gia, trước hết, giá khí đốt tự nhiên sẽ tăng. Ông Steen Jacobsen, nhà kinh tế trưởng kiêm Giám đốc đầu tư của ngân hàng Saxo Bank dự đoán, châu Âu sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng năng lượng như chưa từng xảy ra kể từ năm 1973.
“Tôi sẽ không ngạc nhiên khi báo giá trên 100 USD/thùng trong quý đầu tiên vào năm tới”, nhà kinh tế nói.
“Điều gì sẽ xảy ra với giá nhiên liệu tiếp theo? Tất nhiên, chúng sẽ còn tăng cao hơn nữa”, ông Jacobsen giải thích.
Trong khi đó, Giám đốc tài chính Alexander Ivannikov của Gazprom cho biết: “Tuy nhiên, có tính đến yếu tố của các cơ sở lưu trữ và mùa nóng sắp tới ở châu Âu và châu Á cũng như báo giá của các hợp đồng khí đốt có kỳ hạn không có nghĩa là giá sẽ giảm đáng kể trong những tháng tới”.
Hậu quả với người tiêu dùng
Việc tăng giá năng lượng ngay cả trước mùa đông đã ảnh hưởng đến ngành công nghiệp và người tiêu dùng. Ở Anh, một số doanh nghiệp đã phải cắt giảm sản lượng và yêu cầu chính phủ hỗ trợ.
Tại Pháp có mức giá điện cao nhất kể từ năm 2012, trong khi năng lượng hạt nhân không thể đảm bảo nhu cầu.
Các nhà máy điện hạt nhân đang giảm năng suất vì đại dịch đã khiến việc bảo trì một số lò phản ứng bị trì hoãn. Trước đó, các nhà chức trách quyết định đóng cửa các nhà máy nhiệt điện than.
Hơn nữa, theo ghi nhận của Bloomberg, đây chỉ là một điềm báo về những gì có thể xảy ra khi nhiệt độ giảm xuống. Có thể căng thẳng sẽ nảy sinh giữa các nước về các biện pháp bảo vệ nguồn cung cấp.
Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra ngày càng trầm trọng ở nhiều nước trên thế giới. (Ảnh: AP)
Ông Fabian Renningen, một nhà phân tích tại Rystad Energy nhận định, ngành năng lượng không có lựa chọn nào khác ngoài việc trông chờ vào sự sụt giảm nhu cầu. Tuy nhiên, biến chủng Omicron đã “đổ thêm dầu vào lửa với một làn sóng Covid-19 khác đang tăng lên”.
“Phong tỏa năng lượng”
Các nhà phân tích của Bloomberg trước đây đã mô tả 2 kịch bản có thể xảy ra đối với sự phát triển của cuộc khủng hoảng năng lượng. Nếu thâm hụt tăng lên, các chính phủ châu Âu có thể dùng đến việc hạn chế bán khí đốt tự nhiên và điện cho các khu vực. Một lựa chọn khác, ít khắc nghiệt hơn là “khí đốt và điện sẽ được chuyển hướng từ các nước nghèo sang các nước giàu như Đức”.
Ông Marco Alvera, Giám đốc điều hành công ty cơ sở hạ tầng năng lượng Snam của Italy, dự đoán: “Nếu trời trở lạnh, sẽ có những cuộc trò chuyện cứng rắn ở châu Âu”.
“Tôi có khí đốt và tôi sẽ thực hiện các biện pháp khẩn cấp - cấm xuất khẩu trong hai tuần”, ông Alvera nói.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có những tuyên bố như vậy, nhưng đã có những dấu hiệu đầu tiên. Hồi tháng 10, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic đã cảnh báo về khả năng ngừng xuất khẩu điện của nước này để “người dân trong nước sẽ cảm thấy ấm áp hơn”. Và Pháp cũng đe dọa hạn chế nguồn cung cấp cho quần đảo Channel của Vương quốc Anh do tranh chấp về các vùng đánh cá.
Theo giới chuyên gia, các nguyên tắc đoàn kết năng lượng không cho phép ngăn cản xuất khẩu năng lượng. Điều này có thể khiến các nước Liên minh châu Âu (EU) rơi vào tình thế khó khăn. Vấn đề khác là trong điều kiện khủng hoảng năng lượng, tranh chấp là không thể tránh khỏi.
Về phía Nga, nước này nói rõ sẽ giúp đỡ châu Âu tăng cường cung cấp năng lượng để ổn định thị trường. Nhưng vẫn chưa rõ Nga sẽ gửi bao nhiêu khí đốt vào tháng 12. Sự ra mắt của Nord Stream 2 sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng. Tuy nhiên, Đức, nhà nhập khẩu năng lượng và nguyên liệu thô lớn nhất tin rằng châu lục này không thực sự cần khí đốt trong mùa đông năm nay.