Châu Âu bất đồng quan điểm về gói vay chung ứng phó khủng hoảng năng lượng

Thế Dũng |

Ngày 5/10, Bộ trưởng Tài chính các nước EU tiếp tục nhóm họp để thảo luận đề xuất về gói vay chung nhằm ứng phó với khủng hoảng năng lượng.

Đề xuất về gói vay chung được Ủy viên Ủy ban châu Âu về vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni và Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề công nghiệp Thierry Breton đưa ra. Theo các quan chức của Ủy ban châu Âu, gói vay chung để ứng phó cuộc khủng hoảng giá năng lượng sẽ giúp thị trường nội khối không bị chia rẽ, khi các nước đang chạy đua triển khai các gói hỗ trợ khẩn cấp với người dân và doanh nghiệp, ứng phó tình trạng giá năng lượng tăng.

Gói vay chung này có thể được thiết lập dựa trên mô hình Chương trình hỗ trợ giảm nguy cơ thất nghiệp khẩn cấp (SURE), nhằm bảo vệ việc làm cho công dân các quốc gia thành viên trong giai đoạn đại dịch COVID-19.

Ông Paolo Gentiloni - Ủy viên Ủy ban châu Âu về vấn đề kinh tế nói: "Nếu chúng ta muốn tránh sự chia rẽ, nếu chúng ta muốn đối mặt với cuộc khủng hoảng này, tôi nghĩ chúng ta cần có sự đoàn kết cao hơn và chúng ta cần đưa ra thêm những công cụ chung. Ví dụ, những gì chúng ta đã làm với cơ chế SURE trong đại dịch là một đề xuất hay, nó dựa trên các khoản vay và tôi nghĩ nó có tính khả thi. Gói vay chung được nhận định có thể là giải pháp ngắn hạn cho cuộc khủng hoảng hiện nay, giúp hỗ trợ các hệ sinh thái công nghiệp và các nước thành viên, đồng thời, mở đường cho bước đi đầu tiên, hướng tới việc cung cấp hàng hóa châu Âu trong lĩnh vực an ninh và năng lượng".

Châu Âu bất đồng quan điểm về gói vay chung ứng phó khủng hoảng năng lượng - Ảnh 1.

Gói vay chung này được đề xuất trong bối cảnh Đức, nền kinh tế đầu tàu châu Âu, mới đây công bố hỗ trợ 200 tỷ euro cho các doanh nghiệp và hộ gia đình vượt cơn bão giá. Việc những nước giàu của châu Âu ban hành các gói hỗ trợ có thể gây tổn hại thị trường chung của khối, không công bằng với doanh nghiệp và người dân ở các quốc gia thành viên khác.

Châu Âu bất đồng quan điểm

Pháp có quan điểm giống các nhà Lãnh đạo EU nhưng Đức, Đan Mạch và Hà Lan phản đối vấn đề này. Đức cho rằng việc chia sẻ nợ không phải là giải pháp lâu dài và sẽ chẳng giúp ích gì cho khả năng cạnh tranh hoặc sự bền vững thị trường tài chính các nước. Đan Mạch và Hà Lan cho rằng, gói vay chung chẳng thể kích thích nền kinh tế EU thoát khỏi tình trạng bất ổn hiện nay.

Cách đây ít giờ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu cho biết, Ủy ban châu Âu đang đàm phán với Đức về gói hỗ trợ 200 tỷ euro mà các nhà phê bình cho rằng có nguy cơ bóp méo cạnh tranh trong khối. Còn Chủ tịch Nghị viện châu Âu khẳng định sẽ gửi thư ngỏ lãnh đạo các nước thành viên tham gia Hội nghị Thượng đỉnh bất thường tại Czech về vấn đề này diễn ra từ ngày 6-7/10.

Gói vay chung khó đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ từ người dân và doanh nghiệp

Gói vay chung nếu được thông qua thì sẽ có tổng ngân sách là 100 tỷ Euro, một con số rất khiêm tốn, khó có thể đáp ứng được nhu cầu cần hỗ trợ từ người dân và doanh nghiệp trên khắp châu Âu. Riêng gói hỗ trợ tại Đức đã có giá trị 200 tỷ Euro, tại Pháp và Italy là 67 tỷ và 68 tỷ Euro.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, liệu cơ chế vay chung có "trói" các nước vào khuôn khổ dù có tiền cũng chẳng được cứu nền kinh tế, người dân và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do lạm phát và giá năng lượng tăng. Thêm nữa, ngân sách của gói vay này cũng đến từ những đóng góp của chính các nước thành viên. Như vậy, mức đóng góp và phân bổ ngân sách hỗ trợ, cho vay sẽ được thực hiện như thế nào để tạo được sự công bằng trong thị trường chung châu Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại