Nhà nghiên cứu thời tiết Maximiliano Herrera đã gọi những gì đã và đang xảy ra ở Thái Lan là "đợt nắng nóng kinh khủng nhất trong lịch sử châu Á". Lần đầu tiên nhiệt độ ở Bangkok vượt ngưỡng 45 độ C.
Tỉnh Phetchabun của nước này cũng ghi nhận nhiệt độ kỷ lục 43,5 độ C vào ngày 16/5. Lào cũng trở thành quốc gia mới nhất phá kỷ lục về nhiệt độ khi Luang Prabang ở mức 42,7 độ C, còn thủ đô Vientiane là 41,6 độ C tuy rằng vẫn được coi là “còn nhẹ”. Theo giới khoa học khí tượng, mùa hè này châu Á được ví như “chảo lửa” của thế giới.
Một cậu bé cố gắng dập lửa tại khu đất than bùn ở Indonesia. Nguồn: AFP.
Nền nhiệt cao kỷ lục
Tại Trung Quốc, 109 trạm quan trắc khí tượng ở 12 tỉnh đồng loạt phá kỷ lục cao nhất lịch sử tháng 4. Tháng 5, nhiệt độ giảm bớt nhưng cái nóng như thể được chuyển sang Nam Á, với Pakistan, Ấn Độ, Nepal, Banglasesh, khi nền nhiệt kéo dài ở mức hơn 40 độ C. Nhiệt độ cũng cao bất thường ở Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Turkmenistan và Uzbekistan. Trong đó, Turkmenistan đạt nhiệt độ cao nhất trong lịch sử là 42,2 độ C khi tháng 4 kết thúc.
Trong khi đó, cùng thời điểm, Bangkok (Thái Lan) ghi nhận nhiệt độ 42 độ C, nhưng cơ quan thời tiết nước này cảnh báo cái nóng trên thực tế (ngoài trời) phải lên đến 54 độ C, tờ The Nation đưa tin.
Reuters dẫn báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) công bố, xác nhận thế giới đang trong giai đoạn nóng nhất kể từ khi giới lãnh đạo toàn cầu nhất trí thông qua Thỏa thuận Paris về khí hậu vào năm 2015. Mùa hè năm nay, nhiều quốc gia châu Á sẽ bị nắng nóng thiêu đốt.
Ông Ika Krishnayanti, người tham gia Hiệp hội Nông dân Indonesia nhớ rất rõ những trận cháy rừng lớn gần nhất, gây chết chóc ở đất nước Đông Nam Á này. Đó là các đám cháy lớn năm 2015 được cho là đã gây ra hơn 100.000 ca tử vong sớm. Những đám cháy được cho là do chịu sự tác động của một mô hình khí hậu được gọi là El Nino, kéo dài mùa khô ở Indonesia. "Năm nay, nếu El Nino đến, Indonesia cần phải chuẩn bị nghiêm túc vì tác hại có thể xảy ra một lần nữa đối với rừng của chúng tôi" - ông Krishnayant kêu gọi.
Ở thời điểm giữa tháng 5 năm nay, các nhà khí tượng học cảnh báo về các kỷ lục nhiệt độ ở khắp châu Á khi châu lục này phải hứng những đợt nắng nóng tàn khốc, đối mặt với một tương lai có thể quá nóng đến mức không thể xử lý.
Tại Ấn Độ, ít nhất 13 người chết vì say nắng và hàng chục người phải nhập viện khi nhiệt kế đo được gần 45 độ C tại lễ trao giải gần thành phố Mumbai vào giữa tháng 4. Theo thống kê của WMO, gần 26.000 người đã chết trong các đợt nắng nóng trên khắp Ấn Độ từ năm 1992-2020.
Tiến sĩ Wang Jingyu thuộc Viện Giáo dục Quốc gia Singapore, người nghiên cứu mô hình khí hậu và tương tác đất - khí quyển, cho hay rất có thể tháng 4 chưa phải là nóng nhất mùa hè này, mà là tháng 5. “Mặt đường nhựa có thể tan chảy dưới ánh nắng chói chang ở các thành phố Nam Á” - ông Benjamin Horton, Giám đốc Đài quan sát Trái đất Singapore (thuộc Đại học Công nghệ Nanyang) nói và cảnh báo nắng nóng dữ dội cũng sẽ khiến nước mặt trên các dòng sông cũng như nguồn nước ngầm cạn kiệt, dẫn đến hạn hán.
Cùng với Thái Lan, Ấn Độ thì Myanmar, Philippines... cũng sẽ chịp áp lực rất lớn trong mùa hè này. Tại Myanmar, bang Mon đạt mức nhiệt cao nhất 43 độ C tuần thứ hai của tháng 5. Thành phố Bago, phía đông bắc Yangon, ghi nhận mức nhiệt 42,2 độ C, nền nhiệt cao kỷ lục mọi thời đại được ghi nhận trước đó vào tháng 5/2020 và tháng 4/2019 ở Myanmar. Còn với Philippines, “người dân không có cách nào là phải ngồi nhìn nắng nóng tới” - một mô tả trên truyền thông Manila.
Một người đàn ông ở Yangon (Myanmar) bế con trong cái nóng khủng khiếp. Nguồn: Myanmar Today.
“Ngôi làng 50 độ C”
Ở Ấn Độ có một ngôi làng đặc biệt có tên là Nagla Tulai ở bang Uttar Pradesh, nơi 150 hộ gia đình sinh sống. Tuy nhiên, làng lại được biết đến nhiều hơn với tên gọi “ngôi làng 50 độ C”. Rất ít người trong làng có quạt điện, tất cả đều không có điều hòa không khí. Mỗi ngày, người làng chỉ làm việc không quá 2 giờ, thời gian còn lại thì nghỉ ngơi, tránh nắng.
Suman Shakya, một bà mẹ trẻ chăm cậu con trai 1 tuổi. Đứa bé nằm ngủ mà người đẫm mồ hôi. Căn phòng hầm hập như nung trước cái nóng dội lửa bên ngoài. “Suốt ngày cổ họng tôi khô khốc và đầu óc quay cuồng. Mồ hôi đổ xuống mặt, chảy vào mắt và làm mờ tất cả” - Saman nói.
Ngay từ cuối tháng 3 mùa hè đã đến với làng Nagla Tulai, đem theo nền nhiệt cao nhất từng được ghi nhận trong vòng 122 năm. Khi nhiệt độ ban ngày vượt quá 45 độ C, hầu hết cư dân của làng phải tìm kiếm sự trợ giúp trong những cơn gió nóng thổi ngoài trời. Thật khó tưởng tượng nổi khi những người phụ nữ của Nagla Tulai đã đưa bếp nấu ăn của họ lên mái nhà, chỉ là để... hóng gió.
Nóng bức khiến những đứa trẻ đổ bệnh. "Chúng khóc suốt. Hôm nay phát ban, hôm sau đau bụng, hôm sau nữa sốt xuất huyết. Tôi cảm thấy bị mắc kẹt với con cái cũng chỉ vì nắng nóng” - Priyanka Shakya, một phụ nữ trong làng nói và cho biết thêm, ngay cả khi được sạc đầy, các tấm pin mặt trời chỉ hỗ trợ quạt chạy trong vài giờ. Vì vậy quạt chỉ dành vào ban đêm, bật khi trẻ con nóng và bắt đầu khóc.
Raja Ram, một nông dân trong làng cho biết, nắng nóng đã khiến dân làng “mắc bệnh lười”, vì họ chỉ có thể làm việc được chừng 2 giờ mỗi ngày. Điều đó đồng nghĩa thu nhập của họ bị ảnh hưởng, khiến người dân nơi đây luôn đau đầu vì bài toán mưu sinh.
Raja cho biết, năm 2011, chính quyền địa phương đã lắp đặt các tấm pin mặt trời trên các mái nhà trong làng. Người dân được thông báo rằng sau khi được sạc đầy, các tấm pin sẽ cung cấp năng lượng cho bóng đèn, quạt và thậm chí sạc điện thoại di động. Tuy nhiên, sau đó, họ phát hiện ra rằng họ sẽ cần bộ biến tần để lưu trữ điện và pin để sạc bộ biến tần, nhưng những thứ đó lại tốn khá nhiều tiền.
"Những gia đình có đủ khả năng sẽ chạy 3 chiếc quạt bằng năng lượng mặt trời, một chiếc để làm mát cho đàn trâu của họ. Nhưng ngay cả khi được sạc đầy, các tấm pin mặt trời chỉ hỗ trợ quạt chạy trong vài giờ, vì vậy đến cả trâu bò cũng phải chịu nóng” - Raja nói.
Còn Mishra, một cô gái 16 tuổi cho biết, cô không thể chờ đợi cho đến lúc điện về làng nữa. Kế hoạch của cô là kết hôn và rời đi để tránh cái nóng khủng khiếp ở ngôi làng 50 độ C nơi cô sinh ra.
Tuy nhiên, ở quốc gia đông dân nhất thế giới này, không chỉ riêng làng Nagla Tulai bị nắng nóng bủa vây, mà còn nhiều nơi khác nữa. Cơ quan khí tượng nước này cho biết, tháng 5 này, nắng nóng gay gắt sẽ xuất hiện trên khắp các vùng của đất nước, thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn. Các đợt nắng nóng liên tục khiến nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, gây thêm áp lực lên lưới điện và làm tăng nguy cơ mất điện. Nắng nóng thiêu đốt dẫn đến giảm năng suất và thậm chí có thể gây chết người.
“Sóng nhiệt đã trở nên nguy hiểm với Ấn Độ. Cái nóng ngột ngạt trong mùa hè năm nay sẽ hoành hành ở các vùng phía tây bắc và tây - trung của đất nước trong tháng 5 và kéo sang tháng 6, tháng 7” - Aniruddh, chuyên gia thời tiết cho biết.
Người làng Nagla Tulai (bang Uttar Pradesh, Ấn Độ) tránh nắng dưới bóng cây. Nguồn: Economic Times.
Những dòng sông “bốc hơi” và biến mất
20 năm trước, ông Nurul Islam (70 tuổi) kiếm sống bằng nghề đánh cá trên sông Buriganga. Con sông này chảy về phía tây nam Dhaka, và từng là tuyến đường thủy huyết mạch của Bangladesh. Nhưng giờ đây, hầu như không còn con cá nào trên sông, do nước bị ô nhiễm và đặc biệt là do cái nóng mùa hè gay gắt khiến nước sông bốc hơi “không kìm giữ được”.
Ông Islam buộc phải chuyển sang nghề bán đồ ăn vặt bên đường để kiếm sống.
“Chúng tôi từng tắm sông. Có rất nhiều cá. Chúng tôi từng kiếm sống bằng nghề đánh bắt. Nhưng mọi thứ giờ đã thay đổi” - ông Islam nói và chỉ tay về phía dòng sông cạn nước, bốc mùi do ô nhiễm. Nước trên sông Buriganga bị ô nhiễm đến mức chuyển thành màu đen kịt. Theo ông Islam, thì ngay cả trong những ngày nắng nóng dữ dội cũng không ai dám xuống sông tắm.
Trong khi đó, ông Siddique Hawlader (45 tuổi) làm nghề lái đò trên sông Buriganga chia sẻ: “Những người tắm trên sông thường bị ghẻ lở trên da. Còn mắt bị ngứa và bỏng rát”. Từ đó người dân sợ dòng sông vốn tràn trề nước.
Bangladesh có khoảng 220 con sông, một phần đáng kể người dân nước này phụ thuộc vào các con sông để kiếm sống và đi lại. Tuy nhiên, mùa hè trút lửa khiến phần lớn các dòng sông cạn kiệt. Người dân trong vùng không có cách nào để tiếp tục cuộc mưu sinh. Ông Siddique cho biết, để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nhiều người còn đào giếng ở ngay trong lòng sông ở những đoạn cạn.
“Nếu cứ nắng nóng hết năm này sang năm khác như thời gian qua thì chắc chắn dòng sông Buriganga của chúng tôi sẽ biến mất. Mà thực tế thì nó đang biến thành dòng sông chết rồi. Nhiều người đã tìm cách chuyển đến nơi khác sinh sống. Nhưng tất nhiên không phải ai cũng có điều kiện để chuyển đi. Vì thế, phía trước của chúng tôi là rất khó khăn” - ông Siddique nói.
Người lao động Bangladesh làm việc dưới thời tiết nóng bỏng. Nguồn: Bloomberg.
Nắng nóng cực đoan tấn công thế giới một cách khó lường
Tờ New York Times mới đây đã dẫn một nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học do tiến sĩ Dann Mitchell (Đại học Bristol, Anh), cảnh báo rằng các xã hội ngày này hầu như chỉ được trang bị để xử lý dạng thảm họa nghiêm trọng nhất mà họ đã trải qua trong ký ức gần đây. Điều này đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh những dữ liệu khí hậu mà nhóm nghiên cứu tìm hiểu chỉ ra nhiều nơi có thể hứng chịu thảm họa nhiệt một cách dữ dội và hoàn toàn bất ngờ.
Họ đã xem xét nhiệt độ khắp thế giới từ năm 1959 đến năm 2022 và phát hiện ra rằng các khu vực chiếm 31% diện tích bề mặt Trái đất từng trải qua sức nóng bất thường tới mức theo thống kê, điều đó không nên xảy ra, không thể ngờ đến.
“Một thảm họa bất ngờ trong quá khứ có thể đã giúp họ chuẩn bị một mức độ nào đó cho các đợt nắng nóng thảm họa trong tương lai, nhưng vẫn còn nhiều khu vực, chỉ đơn giản là tình cờ, chưa trải qua nên chưa hề có sự chuẩn bị. Chính vì thế chúng ta rơi vào trạng thái trở tay không kịp"- tiến sĩ Dann Mitchell nói.
Nghiên cứu lấy ví dụ một thảm họa nhiệt "trở tay không kịp" là đợt nắng nóng tây bắc Thái Bình dương khiến hàng trăm người ở các bang Oregon và Washington nước Mỹ thiệt mạng; cháy rừng thiêu rụi nhiều ngôi làng như Lytton, British Columbia (Canada), phá hoại cây trồng trên một vùng rộng lớn. Nghiên cứu cũng khẳng định những đợt nắng nóng ngoài phạm vi thống kê đã xảy ra trên khắp thế giới suốt vài thập niên qua, hoàn toàn có thể xảy ra lần nữa ở bất cứ đâu, trong bối cảnh nhân loại liên tục đối diện các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu khiến Trái đất nóng lên và mùa hè ngày một thêm dữ dội.
Trong khi đó, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, hiện tượng thời tiết El Nino nhiều khả năng trở lại trong năm nay, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng cao và có thể gây ra kỷ lục nắng nóng mới. Theo WMO, khả năng hiện tượng El Nino diễn ra trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 7 là 60%. Con số này tăng lên 70%-80% trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9.
Ông Wilfran Moufouma Okia - chuyên gia của WMO, cho biết hiện vẫn chưa có ước tính nào về mức nhiệt độ tăng thêm mà hiện tượng El Nino sắp tới có thể gây ra và cũng chưa dự đoán được cường độ và thời gian kéo dài của hiện tượng này. Tuy nhiên, ông Okia cảnh báo El Nino sẽ thúc đẩy nhiệt độ toàn cầu gia tăng.
Reuters dẫn ý kiến của tiến sĩ Wilfran rằng năm 2016 là năm nóng nhất từng được ghi nhận, trùng hợp với hoạt động mạnh của hiện tượng El Nino. Tuy nhiên, mùa hè năm nay, dù El Nino chưa xuất hiện thì Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) đã cho biết nhiệt độ trung bình của bề mặt đại dương đạt mức cao kỷ lục trong tuần đầu tháng 5. Cụ thể, theo tờ The Straits Times, con số này đạt 21,1 độ C vào đầu tháng 5, cao hơn kỷ lục 21 độ C năm 2016 - năm có hiện tượng El Nino.
Bà Moninya Roughan - chuyên gia của Đại học New South Wales (Australia), nhận định phần lớn đại dương trên thế giới đang ấm một cách khác thường và các kỷ lục về nhiệt độ cao có thể bị phá trong mùa hè năm nay. Một số nhà khoa học cũng thấy khó hiểu và lo ngại về hiện tượng đại dương ấm lên nhanh chóng kể từ tháng 3 tới nay.
"Đây có thể là hiện tượng cực đoan ngắn hạn hoặc có thể mở đầu của điều gì đó nghiêm trọng hơn rất nhiều" - ông Mike Meredith, chuyên gia của Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh, nhận định.
Vậy thì, mùa hè năm nay có phải là năm nắng nóng kỷ lục không? Và châu Á có trở thành “chảo lửa” không? Câu hỏi vẫn treo lơ lửng mà không có lời giải đáp cụ thể.
Để thích nghi với sức nóng, cơ thể cần có nhiều cách phản ứng, chẳng hạn đổ mồ hôi hay tăng tốc độ máu chảy đến da giúp hạ nhiệt cơ quan nội tạng. Mồ hôi đổ ra nhiều hơn và loãng hơn để giảm thất thoát chất điện giải. Đồng thời, cơ thể tự làm chậm tốc độ trao đổi chất và nhịp tim nhằm tiêu thụ ít oxy cũng như duy trì nhiệt độ bên trong thấp hơn.
Tuy nhiên, phải mất nhiều tuần liên tục tiếp xúc với nhiệt, tất cả phản ứng này mới được kích hoạt. Cơ thể ở trạng thái tốt nhất khi sức nóng không ập đến bất ngờ và quá trình thích nghi diễn ra chậm. Song điều đó là khó khăn khi mùa hè ngày càng dài, gay gắt hơn, lấn át mùa đông và kéo dài sang cả mùa thu. Nhìn chung sóng nhiệt đến sớm có thể khiến nhiều người không kịp thích nghi và gặp nhiều vấn đề về sức khỏe.
“Có nhiều tài liệu chứng minh tỷ lệ tử vong vào đầu mùa cao hơn vì mọi người không kịp thích nghi với nhiệt độ” - bà Kristie Ebi, giáo sư về sức khỏe toàn cầu (Đại học Washington, Mỹ) cho biết. Trong khi đó, giáo sư Patrick Kinney - nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng của Đại học Boston (Mỹ) cho rằng trời nóng khiến tỷ lệ tử vong tăng. Số ca tử vong đầu mùa hè cao hơn cuối mùa do con người đã thích nghi được. Tuy nhiên, nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất (người lớn tuổi và người mắc bệnh mạn tính) sẽ rất khó vượt qua nền nhiệt cao của mùa hè. Do đó những đợt nắng nóng gay gắt kéo dài sẽ khiến người ta bị tổn thương nhiều hơn.
Bà Kristie cũng cho biết, thực tế thì biến đổi khí hậu đang kéo theo nhiều vấn đề bất thường. Một trong số đó là ban đêm nóng hơn nhiều so với trước đây. Nóng bức về đêm đang làm gián đoạn giấc ngủ và khiến cơ thể căng thẳng. Ngoài ra, độ ẩm cao khiến mọi người cảm thấy nóng hơn.
Ở một góc nhìn khác, ông Michael Méndez - trợ lý giáo sư về chính sách môi trường (Đại học California Irvine”, nói: “Ở góc độ nào đó, nắng nóng là một hiện tượng tự nhiên, nhưng những lựa chọn trong nhiều chục năm qua đã tước đi các nguồn tài nguyên quan trọng, cơ sở hạ tầng, sự chuẩn bị sẵn sàng cho thảm họa và tiện nghi xanh từ các cộng đồng da màu có thu nhập thấp. Nắng nóng, người ta có thể bật điều hòa không khí để chống chịu, nhưng với rất nhiều người thì lấy điều hòa ở đâu ra. Nói tóm lại, nắng nóng ảnh hưởng rất nặng nề tới người nghèo. Chúng ta hay nói rằng cần chuẩn bị cho những đợt sóng nhiệt mới. Nhưng với người nghèo, họ chuẩn bị bằng cách nào?”.