Báo cáo được công bố hôm 18-7 cho thấy sự bùng nổ của thị trường ma túy đá đến từ việc các tổ chức tội phạm lợi dụng sự tham nhũng của chính quyền địa phương, khả năng thực thi pháp luật yếu kém và kiểm soát biên giới lỏng lẻo.
Ðây là mức tăng trưởng mạnh so với con số 15 tỉ USD được ghi nhận vào năm 2013. Các băng nhóm tội phạm ở Hồng Kông (Trung Quốc), Macau (Trung Quốc), Ðài Loan (Trung Quốc) và Thái Lan sản xuất hầu hết lượng ma túy đá trong các phòng thí nghiệm quy mô công nghiệp ở miền Bắc Myanmar rồi phân phối sang Nhật Bản và New Zealand.
"Châu Á - Thái Bình Dương hiện là thị trường ma túy đá lớn nhất thế giới. Trong tất cả các loại tội phạm có tổ chức, buôn lậu ma túy đá là nguy hiểm nhất và thu lợi nhuận cao nhất. Hoạt động phi pháp này còn giúp củng cố sự lớn mạnh của các nhóm tội phạm xuyên quốc gia" - ông Jeremy Douglas, đại diện Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm (UNODC) tại khu vực Ðông Nam Á và Thái Bình Dương, nói với hãng tin Reuters. Các thị trường ma túy có giá trị cao nhất nằm ở Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc chiếm khoảng 20 tỉ USD.
Hơn 12 triệu người ở Ðông Á, Ðông Nam Á, Úc và New Zealand đã tiêu thụ khoảng 320 tấn ma túy đá nguyên chất vào năm ngoái. Các cơ quan thực thi pháp luật cũng đã thu giữ số ma túy cao kỷ lục lên đến 120 tấn. Báo cáo của LHQ còn chỉ ra rằng các băng nhóm tội phạm có tổ chức cũng đẩy mạnh hoạt động buôn hàng giả, thuốc men, buôn người, buôn bán động vật hoang dã và gỗ. Ông Douglas kêu gọi chính phủ các nước tham gia nỗ lực chung khi nạn buôn lậu gỗ và động vật hoang dã đang là trường hợp khẩn cấp.
Về vấn nạn buôn người phục vụ cho hoạt động mại dâm ở Đông Nam Á từ năm 2016-2018, gần 70% nạn nhân là vị thành niên. Báo cáo cũng trích dẫn số liệu cho thấy người tiêu dùng ở Đông Nam Á đã chi từ 520 triệu USD đến 2,6 tỉ USD để mua thuốc giả mỗi năm.
LHQ khuyến cáo việc tăng cường thu thập và trao đổi thông tin tình báo xuyên biên giới giữa các nước thành viên ASEAN là điều cần thiết.