Lúc 6h30 sáng 13/12, ứng dụng Air Visual cập nhật chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Thủ đô Hà Nội đã chuyển sang khung màu nâu - cực kỳ nguy hại. Nhiều ngày trước đó, mức độ ô nhiễm không khí ở thang màu tìm (nguy hại cho sức khỏe con người).
Đến hơn 7h sáng nay, AQI ở Hà Nội vẫn ghi nhận là 322, chưa "thoát" được nhóm màu nâu. Chỉ số này mới hạ xuống 287 - màu tím lúc 9h20. Hà Nội chuyển xuống vị trí thứ 2 trong danh sách 10 thành phố ô nhiễm không khí nhất toàn cầu. Đứng đầu là thành phố Dhaka (Bangladesh).
Bảng chụp lúc 6h25 phút sáng nay của AirVisual.
Trạm quan trắc tự động của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội lúc 9h sáng nay xác định, chỉ số AQI ở nhiều khu vực của thủ đô ở mức 257 (màu tím) là mức rất xấu, đồng thời, cảnh báo hưởng tới sức khỏe.
Bảng cập nhật chất lượng không khí của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội đến 8h sáng nay.
Thông tin dự báo từ Trung tâm KTTV Quốc gia cho biết, trong những ngày tới điều khí tượng sẽ không có thay đổi nhiều nên có thể CLKK vẫn sẽ duy trì ở mức này.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục khuyến cáo tất cả người dân trên toàn Thành phố nên hạn chế ra ngoài, nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em và người mắc bệnh hô hấp) không nên ra khỏi nhà. Nên trang bị khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn.
Các trường học không cho các em học sinh tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Lưu thông trên đường bằng ô tô hoặc xe bus, đóng kín các cửa sổ trong nhà. Chủ động theo dõi chất lượng không khí tại các trang thông tin chính thống.
Giai đoạn ô nhiễm kéo dài trong thời gian khá dài, Sở Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh tất cả mọi người cần hạn chế tối đa nhất các hoạt động gây ô nhiễm không khí như như không đốt rác, dừng đun nấu bếp than tổ ong, các xe vận chuyển phế thải xây dựng, bùn thải phải đảm bảo che chắn không phát tán ô nhiễm, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân… trong những ngày này.
Trước đó, lý giải nguyên nhân những ngày qua tại sao ô nhiễm không khí ở mức xấu, Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) cho rằng, Hà Nội và các vùng khác của miền Bắc đang là thời gian mùa khô và là thời điểm giao mùa, ô nhiễm không khí thường ở mức cao nhất năm.