[Chart] Toàn cảnh "sức khỏe" nền kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm đối mặt Covid-19

Bảo Bảo |

Chỉ trong tháng 2, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm 37%, doanh thu du lịch lữ hành sụt giảm 21% kéo theo doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 13%... so với tháng trước đó. Sản xuất công nghiệp trước đó ước tính tăng khá so với cùng kỳ, nhưng chịu tác động tiêu cực khá mạnh từ dịch Covid-19 do sự giảm sút nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế xã hội 2 tháng đầu năm 2020. Trong đó, tháng 2 là thời điểm nền kinh tế Việt Nam chịu tác động kép, khi vừa là tháng sau Tết, vừa là tháng cao điểm của dịch Covid-19 .

Dưới đây là một số nét chính trong bức tranh kinh tế Việt Nam 2 tháng vừa qua.

- Sản xuất công nghiệp: Nguồn nguyên liệu giảm sút

[Chart] Toàn cảnh sức khỏe nền kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm đối mặt Covid-19 - Ảnh 1.

Sản xuất công nghiệp tháng 2/2020 ước tính tăng khá so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước do số ngày sản xuất trong tháng Hai năm nay nhiều hơn (Tết Nguyên đán năm nay tập trung trong tháng Một, trong khi Tết Nguyên đán năm trước diễn ra vào cuối tháng Một và đầu tháng Hai).

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất công nghiệp nên tính chung 2 tháng đầu năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung Quốc phục vụ sản xuất một số ngành công nghiệp bị giảm sút so với thời điểm trước khi có dịch.

- Du lịch: Giảm 37% lượng khách quốc tế

[Chart] Toàn cảnh sức khỏe nền kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm đối mặt Covid-19 - Ảnh 2.

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc , Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh.

Khách quốc tế đến nước ta trong kỳ báo cáo tháng Hai (21/1-20/2) ước tính đạt 1.242,7 nghìn lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ châu Á giảm 27,2%; từ châu Mỹ giảm 21,1%; từ châu Úc giảm 18,4%; từ châu Âu tăng 6,1%; từ châu Phi tăng 11,6%.

Tính chung 2 tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến nước ta đạt 3,2 triệu lượt người, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 2 tháng các năm 2016-2020.

- Đầu tư FDI: Singapore trở thành nhà đầu tư lớn nhất

[Chart] Toàn cảnh sức khỏe nền kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm đối mặt Covid-19 - Ảnh 3.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến 20/2/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 6,5 tỷ USD, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong số 38 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 4,1 tỷ USD, chiếm 82,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Trung Quốc 418,5 triệu USD, chiếm 8,4%; Đặc khu Hành chính Hồng Kông (TQ) 167,1 triệu USD, chiếm 3,3%; Hàn Quốc 98,1 triệu USD, chiếm 2%; Nhật Bản 65,5 triệu USD...

- Xuất nhập khẩu hàng hóa: Giữ được xu hướng tăng nhờ Samsung

[Chart] Toàn cảnh sức khỏe nền kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm đối mặt Covid-19 - Ảnh 4.

Mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng trong tháng 2/2020 Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng ước tính nhập siêu 176 triệu USD.

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,7%; thị trường EU đạt 5 tỷ USD, giảm 7,7%; ASEAN đạt 3,5 tỷ USD, giảm 9,3%; Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 8,9%; Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%.

[Chart] Toàn cảnh sức khỏe nền kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm đối mặt Covid-19 - Ảnh 5.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 2 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 10 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 8 tỷ USD, tăng 9%; ASEAN đạt 4,5 tỷ USD, giảm 9,6%; Nhật Bản đạt 2,8 tỷ USD, tăng 0,2%; EU đạt 2,1 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 2,1 tỷ USD, tăng 13,6%.

- Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Hai là tháng sau Tết Nguyên đán và là tháng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng không sôi động như những tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Hai giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 325,2 nghìn tỷ đồng, giảm 6,7% và tăng 8,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 44,2 nghìn tỷ đồng, giảm 13% và giảm 3,9%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,3 nghìn tỷ đồng, giảm 21% và giảm 6%; doanh thu dịch vụ khác đạt 41,4 nghìn tỷ đồng, giảm 10,2% và tăng 1,8%.

Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 863,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất của 2 tháng kể từ năm 2014 đến nay.

Tính riêng bán lẻ hàng hóa, 2 tháng đầu năm nay, ước đạt 674 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,3% của cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng hạn chế đến nơi công cộng mua sắm.

- Đăng ký kinh doanh

Trong tháng 2, cả nước có 4.567 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 61,8% so với cùng kỳ 2019; 3.841 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 120,7%; 1.186 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 12,4%; và 2.215 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 67,7%.

"Đáng chú ý, trong 2 tháng đầu năm 2020 có gần 16,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm trước", Tổng cục Thống kê cho biết.

[Chart] Toàn cảnh sức khỏe nền kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm đối mặt Covid-19 - Ảnh 6.

Cũng trong 2 tháng đầu năm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 9,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 31,4%; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 2,8 nghìn doanh nghiệp, giảm 11,1%, trong đó có 2,5 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 13,4%.

Số liệu so sánh cùng kỳ chỉ mang tính tương đối do sự chênh lệch về thời điểm Tết Nguyên đán. Tết Nguyên đán năm 2020 tập trung trong tháng Một, trong khi Tết Nguyên đán năm 2019 diễn ra vào cuối tháng Một và đầu tháng Hai.

[Chart] Toàn cảnh sức khỏe nền kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm đối mặt Covid-19 - Ảnh 8.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại