Darwin luôn được coi là một người cha "đặc biệt" của thời Victorian. "Đặc biệt" là như thế nào?
Hãy tạm gác lại những đóng góp về Thuyết tiến hóa của ông hôm nay, ta chỉ xét về phương diện một người đàn ông của gia đình thôi nhé!
Người đàn ông "khác biệt" thời Victorian
Dù ở thời nào, ngay cả thời Victorian, đàn ông luôn đóng vai trò trụ cột trong gia đình. Họ phải làm việc nhiều giờ hơn mỗi ngày, công việc chăm sóc dạy dỗ con cái được giao cả cho mẹ, nên dường như giữa cha và con luôn có một khoảng cách nhất định.
Và Darwin không phải là trường hợp ngoại lệ. Ông kết hôn với Emma Wedgwood vào năm 1839 và có với nhau 10 đứa con chỉ trong 17 năm. Để chăm lo cho gia đình, ông phải gồng mình với những công trình nghiên cứu khoa học.
Có điều, chưa bao giờ ông thiếu thời gian dành cho con mình cả.
Darwin và vợ Emma của mình.
Darwin là kiểu người điển hình của "mang công việc về nhà" bởi ông muốn mình có thêm thời gian để gần gũi với gia đình hơn.
Một người cha luôn quan tâm đến quá trình lớn lên của con mình
Không chỉ cố gắng gần gũi vợ con, Darwin còn ghi lại sự phát triển của con mình trong nhật ký và những lá thư. Ông thậm chí còn lấy đó làm một chủ đề cho nghiên cứu về sự phát triển và biểu lộ tình cảm của trẻ em.
Những hiểu biết của ông được thể hiện trong cuốn sách "The expression of the emotions in man and animals" xuất bản năm 1872 và bài luận "A biographical sketch of an infant" năm 1877.
Bài luận này được đúc kết từ cuốn nhật ký trong suốt 37 năm, ngập tràn tình yêu thương và ánh tự hào của nhà khoa học.
Những đứa trẻ nhà Darwin
Một trong những yếu tố thể hiện tình thương con vô bờ bến của Darwin chính là khi những đứa trẻ của ông không may mang bệnh. Vào năm 1860, khi cô bé Henrietta (17 tuổi) ốm nặng trong nhiều tháng liền, Darwin gần như chẳng làm được việc gì. Trích đoạn trong cuốn nhật ký của ông đã ghi lại rằng:
"Tôi gần như không làm tí việc nào trong hè này, vì lo lắng không ngưng cho Etty, và phải di chuyển liên tục để chăm lo cho bé."
Năm 1851, Darwin suy sụp nặng khi Annie, đứa con gái lớn nhất của ông qua đời vì bệnh tật. 7 năm sau, con trai út của ông cũng về với thượng đế. Ông thậm chí chẳng còn lo lắng, mà thay vào đó là sợ hãi. Ông sợ thời gian trôi sẽ cướp đi những đứa con mà ông nhất mực yêu thương.
Giáo dục con là một mục tiêu quan trọng
Là nhà khoa học nên ông hiểu nền tảng giáo dục quan trọng như thế nào. Thế nên, các con của Darwin được học tập nghiêm túc từ những năm tháng đầu đời.
Đến năm 11 tuổi, con trai sẽ được gửi đến trường nội trú (boarding school), chuẩn bị hành trang bước vào những ngôi trường ĐH danh giá nhất thời bấy giờ là Oxford hoặc Cambridge.
Trong thời Victorian, xã hội vẫn còn phân biệt đối xử khi cho rằng phụ nữ thì không cần học. Nhưng với Darwin, các con gái đều phải học tập tại nhà. Và chỉ cần có mong muốn, ông nhất định sẽ đưa chúng đi học, giống như trường hợp của bé Elizabeth được học tại trường Kensington vào năm 1862.
Trong gia đình Darwin, học tập không chỉ giới hạn trong trường lớp. Ông khuyến khích các con phát triển sở thích riêng: sưu tầm tem, bọ cánh cứng hoặc nuôi thú cưng; tìm hiểu về thực vật, địa lý và huy hiệu; về hội họa, văn học hay toán học. Ông dạy chúng cách yêu thích, nuôi dưỡng những niềm đam mê ấy.
Khi các con trưởng thành, ông thường hay tham khảo ý kiến của các con về khoa học. Do đó, có thể nói 3 người con lớn nhất - William, George, và Henrietta - đã đóng góp rất nhiều trong các nghiên cứu của ông.
Mối liên hệ với gia đình là tài sản quý giá nhất mà Darwin để lại. Ông đã được sống hạnh phúc suốt những năm cuối đời cùng với vợ, vài đứa con và cả một cháu trai kháu khỉnh.
Và đến tận ngày hôm nay, nhiều người vẫn phải nhìn vào gia đình của Darwin như một tấm gương sáng - tấm gương về một người đàn ông bất chấp mọi áp lực từ xã hội mà vẫn xây dựng được một gia đình đầm ấm.
Gia đình Darwin trong một ngày nghỉ ngơi cùng nhau
Nguồn: Darwin Project