Chánh án TAND tối cao: Phạm tội cho vào trại giam luôn chỉ làm trẻ vị thành niên chai sạn với nhà tù

Văn Duẩn - Huy Thanh |

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng trẻ chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, bộ não chưa hình thành đầy đủ, khả năng kiểm soát hành vi kém hơn người trưởng thành, thậm chí thường bốc đồng, manh động

Sáng 8-6, phát biểu thảo luận tại tổ về dự thảo luận tại tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.

Chánh án TAND tối cao: Phạm tội cho vào trại giam luôn chỉ làm trẻ vị thành niên chai sạn với nhà tù- Ảnh 1.

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Phạm Thắng

Công ước khuyến cáo tất cả các quốc gia thành viên phải có bộ luật riêng về tư pháp người chưa thành niên. Tuy nhiên, hiện trong khối ASEAN chỉ còn 2 nước chưa có đạo luật riêng về tư pháp người chưa thành niên, Việt Nam là một trong số đó.

Chánh án TAND tối cao cho rằng các nước đều nhận thấy việc lấy hình phạt và quy trình tố tụng cho người lớn để điều chỉnh một chút rồi áp dụng cho trẻ em là cách làm không hiệu quả. Trẻ chưa thành niên chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, bộ não chưa hình thành đầy đủ, khả năng kiểm soát hành vi kém hơn người trưởng thành, thậm chí thường bốc đồng, manh động.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, các cháu nhiều khi muốn thử nghiệm một hành vi nào đó, với kiến thức pháp luật chưa đầy đủ có thể dẫn đến phạm tội nhưng lại không ý thức được mình đang phạm tội, ví dụ: đua xe gây rối trật tự; vào siêu thị lấy đồ ăn mà không biết mình phạm tội trộm cắp... Khi kiến thức pháp luật ở độ tuổi này chưa đầy đủ mà phải đối mặt với hệ thống tư pháp và hình phạt nặng nề, các cháu sẽ dễ bị tổn thương.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết điều một số cơ quan băn khoăn là chúng ta nhân văn quá với các cháu có phải thả tội phạm ra đường không? Nhiều nước nghiên cứu nếu các cháu phạm tội cho vào trại giam luôn chỉ làm các cháu chai sạn với nhà tù, dễ tái phạm. Trong khi đó, ở những nước áp dụng biện pháp chuyển hướng đưa các cháu khỏi nhà tù, tỉ lệ phạm tội giảm khoảng 85%.

Việc xử lý xử lý người chưa thành niên phạm tội mà cần tới 10 đạo luật thì rất khó khăn cho các cơ quan tư pháp, cần tích hợp vào một luật riêng để xử lý vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn.

Liên quan quy định về hình phạt, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng hình phạt hiện nay với người chưa thành niên phạm tội không hợp lý, rất bất cập và quá nặng. "Các cháu phạm tội, ngay lập tức bắt tạm giam đưa vào trại, đó là câu chuyện hiện nay. Dự thảo cho phép bắt, kiểm soát tại nhà bằng các biện pháp tư pháp chuyển hướng, kiểm soát bằng các thiết bị điện tử, không cho ra ngoài" - Chánh án TAND tối cao nêu.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng với những hành vi như đánh nhau, ăn cắp vặt trong siêu thị…. hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, không nhất thiết phải đưa vào trại giam. Hệ thống hiện hành đang có rất nhiều bất cập, Chánh án TAND tối cao nhấn mạnh cần được khắc phục bằng một đạo luật riêng với nhiều quy định nhân văn.

Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên lần này được xây dựng trên kinh nghiệm của nhiều nước và khuyến cáo của Liên Hợp quốc, có nhiều yêu cầu tiến bộ nhưng vừa nhân văn, vừa đảm bảo an toàn, trật tự xã hội.

Với người chưa thành niên phạm tội, không được tuyên tử hình, chung thân, mức án ít hơn nhiều so với người lớn cùng tội danh. Bên cạnh đó, không được giam giữ người chưa thành niên phạm tội như người lớn mà phải có trại giam riêng.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, ở trại giam đều là tội phạm, tội phạm chuyên nghiệp nên có khi lại đào tạo đứa trẻ đó thành tội phạm chuyên nghiệp...

Về việc "tách vụ án hình sự", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết TAND Tối cao yêu cầu vụ án nếu có trẻ em phải tách ra giải quyết độc lập. Nếu không tách, thời hạn điều tra phải theo người lớn, đặt các cháu vào tình trạng bị khởi tố, tạm giam kéo dài. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là cán bộ điều tra, truy tố, xét xử phải là những cán bộ có hiểu biết về tâm sinh lý người chưa thành niên, tiến hành xét hỏi trong môi trường thân thiện. Nếu gộp chung với người lớn, việc này không thực hiện được.

Với người lớn, toàn bộ quá trình phạm tội phải được công khai nhưng với người chưa thành niên, phải nghĩ đến cuộc đời rất dài của các cháu. Nếu bị công khai, các cháu sẽ bị xã hội kỳ thị, phần đời còn lại csẽ rất mong manh. Vì vậy thông tin phạm tội của các cháu phải được bảo mật.

Soi "mắt thần" tàu metro 34.800 tỷ ở Hà Nội - hình ảnh cá nhân về hàng nghìn khách được bảo vệ thế nào?Soi 'mắt thần' tàu metro 34.800 tỷ ở Hà Nội - hình ảnh cá nhân về hàng nghìn khách được bảo vệ thế nào?

Dữ liệu từ camera từ tàu metro chỉ được sử dụng cho mục đích an ninh và quản lý, đảm bảo mọi thông tin cá nhân đều được bảo vệ nghiêm ngặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại