Chàng trai Việt 7 lần từ chối Meta, đầu quân cho Google và hành trình tìm lời đáp cho câu hỏi "mình là ai?"

Ngân Hà |

Chàng trai người Việt này từng 7 lần từ chối Meta, Google mời 2 lần mới về làm việc, không nhận hợp tác với SONY để theo đuổi đam mê thiết kế PS5. Sau cùng, anh rẽ hướng vừa khởi nghiệp với công ty chuyên chữa trị cho người mắc chứng trầm cảm, vừa đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "mình là ai?"

Anh Trần Quang Vinh (37 tuổi) là người đàn ông Việt thành đạt theo tiêu chuẩn truyền thống mà xã hội ngầm đặt ra: Có nhà đẹp, xe sang, vợ đẹp con ngoan cùng sự nghiệp lẫy lừng khi từng đầu quân cho cả Google, Facebook và hiện đang là ông chủ của một công ty riêng tại Mỹ.

Tuy nhiên, ít ai biết về góc khuất cuộc đời của 8x người Việt, khi anh luôn cảm thấy cô đơn, trống rỗng và vẫn đang ngày ngày miệt mài trên hành trình đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: "Tôi là ai?"

Chàng trai Việt 7 lần từ chối Meta, đầu quân cho Google và hành trình tìm lời đáp cho câu hỏi mình là ai? - Ảnh 1.

Từ nhỏ, Vinh Trần đã đam mê và tự học vẽ. Anh đã có 10 năm kinh nghiệm trong thiết kế sản phẩm cho các công ty công nghệ ở Silicon Valley

7 tuổi tự học vẽ trên Microsoft Paint, sống một mình và tự chủ tài chính từ năm 15 tuổi

Anh Trần Quang Vinh (Vinh Trần) sinh ra và lớn lên ở thành Phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, anh đang sống và làm việc tại San Francisco Bay, California (Mỹ).

Chàng trai người Việt có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực thiết kế sản phẩm cho các công ty công nghệ ở Silicon Valley suốt 10 năm qua.

Tuy nhiên, đến năm 2022, anh có quyết định mang tính bước ngoặt khi bất ngờ nghỉ việc, rẽ hướng sang hợp tác cùng các bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để sáng lập công ty riêng.

Công ty của 8x Việt chuyên hỗ trợ chữa trị cho những người mắc chứng bệnh trầm cảm hoặc có vấn đề về tâm lý bằng cách sử dụng công nghệ AI (Artifical Intelligence - Trí Thông Minh Nhân Tạo)

Thoạt nghe, nhiều người sẽ cảm thấy khá ngạc nhiên, bất ngờ khi designer người Việt đột ngột rẽ hướng sang một lĩnh vực hoàn toàn trái ngược. Tuy nhiên, đây là điều mà anh Vinh Trần ấp ủ từ nhiều năm nay.

Chỉ khi có cơ hội tìm hiểu, mới có thể nhìn thấu góc khuất trong cuộc đời 8x Việt, để hiểu được lý do dẫn anh đến quyết định đặc biệt này.

Chàng trai Việt 7 lần từ chối Meta, đầu quân cho Google và hành trình tìm lời đáp cho câu hỏi mình là ai? - Ảnh 2.

Đang làm việc cho Meta với mức đãi ngộ đáng mơ ước, Vinh Trần quyết định xin nghỉ việc, tự mở công ty chữa trị cho người mắc chứng trầm cảm

Quay ngược trở lại khoảng thời gian 30 năm trước, khi lần đầu tiên nhìn thấy bố vẽ mẹ, cậu bé 7 tuổi năm ấy được khơi dậy niềm đam mê với hội họa. Từ đó, ngày nào anh cũng vẽ.

"Bố mẹ ly hôn năm mình 8 tuổi. Mỗi lần qua nhà ba chơi, mình hay mượn máy vi tính của ba, rồi phát hiện ra Microsoft Paint, phầm mềm vẽ trên Windows. Từ đó mỗi lần rảnh mình đều vẽ trên đó.

Khi vẽ trên máy tính, mình biết đến Illustrator và Photoshop, tất cả đều tự mày mò cho đến khi vẽ thành thạo. Bắt đầu từ sự tò mò trở thành niềm đam mê vẽ. Nhờ đó, mình biết dùng máy tính rất sớm." - Vinh Trần nhớ lại.

Sau khi bố mẹ "đường ai nấy đi", 8x Việt sống tự lập một mình từ năm 15 tuổi. Những năm tháng học cấp 3, anh từng theo học ngành Graphic Design, nhưng rồi bỏ học sau vài tháng vì cảm thấy không hiệu quả.

Lên Đại học, Vinh Trần trở thành sinh viên Đại học RMIT. Vừa học, anh vừa kết hợp nghiên cứu về những ngành khác liên quan đến ứng dụng trên điện thoại iPhone, vừa làm việc trong ngành Graphic Designer.

Chàng trai Việt 7 lần từ chối Meta, đầu quân cho Google và hành trình tìm lời đáp cho câu hỏi mình là ai? - Ảnh 3.

Sống một mình từ năm 15 tuổi, tự chủ tài chính và tự lập hoàn toàn từ năm 20 tuổi, đến 27 tuổi, Vinh Trần được mời sang Mỹ làm việc

Tuy nhiên, Vinh không có cảm hứng với các môn học ngoại trừ tiếng Anh và vẽ trên máy tính.  Chương trình học nặng về lý thuyết, không có gì mới mẻ khiến anh chán nản, quyết định bỏ học giữa chừng để đi làm thiết kế đồ họa, tự nuôi sống bản thân. Mới 20 tuổi, Vinh Trần đã có thể tự chủ tài chính.

"Quá trình học ở RMIT, mẹ là người trả học phí. Còn lại các chi phí sinh hoạt đều do mình tự lo. Số tiền đầu tiên mình kiếm được là từ công việc design năm 20 tuổi, thời điểm đó lương của mình là $300/tháng.

Sếp mình là người Châu Âu, mình học được phong cách làm việc chuyên nghiệp từ họ. Sự nghiệp làm thiết kế bắt đầu từ đó, bao nhiêu tiền kiếm ra, mình đổ vào mua sách hết.

Sau giờ làm lại ngồi học một mình, cho đến khi mệt rồi thì thôi. Quãng thời gian này, mình còn tự học làm ứng dụng.

Ứng dụng của mình được Apple chào đón trên trang chủ App Store, số lượng tải về lên đến hàng trăm ngàn."

Được mời sang Mỹ làm việc và cú "sốc" đầu tiên khi bơ vơ giữa đất Mỹ

Một thời gian sau khi vừa học, vừa làm việc, Vinh Trần quyết định sáng lập công ty riêng tại Việt Nam, chuyên sản xuất, sáng tạo các ứng dụng liên quan đến tăng năng suất và hiệu qủa công việc.

Mức thu nhập của Vinh Trần từ vài triệu đồng tăng dần lên 4.500 USD/tháng. Ở tuổi 27, anh được một công ty mời sang Mỹ, đảm nhiệm vai trò cố vấn thiết kế.

8x Việt kể: "Thời điểm ấy, số lượng người làm thiết kế ứng dụng có kinh nghiệm rất hiếm, nên khi Misfit Wearables về Việt Nam tuyển nhân sự thì Vinh được mời về làm Head of Design.

Lúc này mình được nhà sáng lập hứa hẹn sẽ đưa sang Mỹ làm một năm ít nhất 5 - 6 lần. Vinh không có ý định sang Mỹ vì cuộc sống đang rất tốt ở Việt Nam. Nhưng cơ hội được sang môi trường quốc tế là ước mơ của bao người, mình quyết định thử sức."

Chàng trai Việt 7 lần từ chối Meta, đầu quân cho Google và hành trình tìm lời đáp cho câu hỏi mình là ai? - Ảnh 4.

2 tuần sau cú "sốc" vì "giấc mơ Mỹ tan biến", Vinh Trần tự đi phỏng vấn, được nhận làm Head of Design ở San Francisco và mua chiếc Porsche đầu tiên cho mình.

Tuy nhiên, ngày đầu tiên bước chân sang đất Mỹ, mọi thứ hoàn toàn trái ngược với kỳ vọng. Vinh Trần gặp phải cú "sốc" lớn khi "giấc mơ Mỹ" bị dập tắt ngay ngày đầu tiên do công ty có sự thay đổi về chính sách.

"Mọi thứ có vẻ như đang ổn thoả thì công ty có những thay đổi về quản lý và cấu trúc, Vinh không còn thấy hợp và có rất nhiều mâu thuẫn nội bộ lúc đó.

Chỉ còn 1 tháng sang Mỹ, mình được báo rằng vai trò của mình sẽ không còn, nhưng vẫn được giữ tấm vé sang Mỹ. Vợ mình lúc này đang mang thai đứa con đầu lòng nhưng cô ấy khuyên mình vẫn nên đi để tìm cơ hội.

Khi sang đây, mình vô cùng hụt hẫng, lạc lõng. Đã bước chân đến đây rồi mà lại không biết sẽ đi về đâu. Cảm giác như bị mất phương hướng và lạc loài vậy" - Vinh Trần nhớ lại những ngày đầu đặt chân lên đất Mỹ.

Ngay khi đặt chân sang San Francisco, Vinh "sốc" khi biết mức sống ở xứ cờ hoa đắt đỏ hơn Việt Nam nhiều lần. Anh chỉ có khoảng 8.000 USD dằn túi, nhưng chi phí thuê phòng ở đã lên đến 800 USD/tháng. Anh không dám di chuyển bằng taxi, chỉ có thể đi xe bus, tàu điện ngầm hoặc đi bộ vài giờ đồng hồ để di chuyển đến các địa điểm. Thời điểm đó, anh chỉ dám mua đồ ăn ở khu chợ Trung Quốc, chi 5 USD cho hai bữa/ngày.

2 tuần sau, nhờ vào mối quan hệ với các đồng nghiệp người Mỹ lúc còn ở Việt Nam, anh được hỗ trợ, giới thiệu với giám đốc của người vừa quen.

"Trên đường đến công ty được giới thiệu để phỏng vấn, mình thấy bước chân của mọi người rất dài, hối hả đi về nơi nào đó, như ai cũng có điều để lo, để tiến tới.

Mình chợt nghĩ, làm sao mình làm được đây? Mình sẽ đi về đâu? Khi đến công ty phỏng vấn thì tự nhủ rằng, mình không thua ai cả, mình sẽ làm được, mình không được được thất bại.

Sau một ngày dài phỏng vấn đến 8 tiếng, mình được founder công ty hỏi mức lương mong muốn. Đó là công ty đầu tiên Vinh phỏng vấn, và cũng là công ty đầu tiên mình làm ở Mỹ với lương 6 con số.

Vinh bước ra khỏi công ty, cảm thấy nhẹ nhõm. Khi bước đi trên con đường San Francisco lúc ấy, mình cảm giác đã thuộc về thành phố này." - Vinh Trần kể lại quá trình phỏng vấn vào công ty đầu tiên anh làm việc khi sang Mỹ.

Ngay khi được nhận làm Head of Design ở San Francisco, Vinh Trần mua chiếc Porsche đầu tiên cho mình.

Sau hai năm đến Mỹ, anh rời công ty đầu tiên để đến với Google - Nơi có mức đãi ngộ hấp dẫn, sau 2 lần nhận thư mời. Anh trở thành designer người Việt đầu tiên trong team Product Global, không bằng cấp.

Sản phẩm do Vinh Trần sáng tạo đạt 3 tỷ người dùng. Sau đó, Vinh Trần còn được mời lãnh đạo team ở Nhật và Mỹ của Playstation để thiết kế PS5

Sự nghiệp lên "như diều gặp gió", tuy nhiên 8x Việt luôn cảm thấy cô đơn khi sống xa vợ con. Có lần, anh khóc nức nở ở nhà hàng khi thấy một gia đình tổ chức sinh nhật cùng nhau.

Một số vấn đề về sức khỏe ập đến, anh quyết định đón vợ sang để kết thúc chuỗi ngày cô độc. Tuy nhiên, áp lực kinh tế cũng lớn hơn khi anh muốn vợ và con nhỏ không phải sống vất vả.

Cuộc sống ở nhà thuê khi con nhỏ nảy sinh nhiều vấn đề. Đôi vợ chồng Việt bị chủ nhà đuổi khéo vì con họ khóc cả đêm.

Chàng trai Việt 7 lần từ chối Meta, đầu quân cho Google và hành trình tìm lời đáp cho câu hỏi mình là ai? - Ảnh 5.

Anh Vinh Trần cùng người bạn đời luôn kề vai sát cánh qua bao thăng trầm cuộc sống

Chị Trần Ngọc Bích - vợ anh Vinh Trần, kể thời gian đó, chồng hết giờ ở công ty thì về ăn cơm xong lại ngồi làm việc đến đêm. Anh làm ba công ty cùng lúc để trang trải cuộc sống và mua nhà.

Năm 29 tuổi, anh Vinh Trần mua ngôi nhà đầu tiên ở Mỹ. Anh lập website đăng tải các sản phẩm do mình thiết kế.

35 tuổi, Vinh Trần "đầu quân" cho Meta sau 7 lần từ chối. Anh tham gia vào team NPE (New product Experiment) đi tìm những ý tưởng mới, lãnh đạo team thiết kế cho trí thông minh nhân tạo.

Bất ngờ khởi nghiệp với công ty chuyên chữa trị cho người trầm cảm và đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "Tôi là ai?"

Khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp, làm việc ở vị trí thiết kế với "mức đãi ngộ như mơ" của tập đoàn hàng đầu thế giới, cũng là lúc Vinh Trần nhận ra mình mắc chứng trầm cảm kinh niên do những tổn thương thuở thiếu thời. Năm 8 tuổi, Vinh Trần gặp cú "sốc" tâm lý sau khi cha mẹ ly hôn. Anh sống một mình từ năm 15 tuổi, sau khi mẹ tái hôn và em trai đi du học.

Chàng trai Việt 7 lần từ chối Meta, đầu quân cho Google và hành trình tìm lời đáp cho câu hỏi mình là ai? - Ảnh 6.

"Mỗi tuần, mẹ đến mang đồ ăn và 100 nghìn đồng đặt trên tủ lạnh rồi về. Lúc này, mình mới hiểu vì sao có vợ con, nhà đẹp, xe sang, công việc nhiều người mơ ước, nhưng trong lòng luôn thấy cô đơn, trống rỗng. Mình bắt đầu tìm đến bác sĩ tâm lý để trị liệu.

Covid-19 ập đến, bệnh trầm cảm nặng hơn vì bị cách ly quá lâu, mình sợ bóng tối, không muốn vào nhà mà chỉ ra ngoài cửa đứng. Cứ vào phòng là khóc vì cô đơn.

Vinh nhận ra rằng bấy lâu nay mình trốn trong công việc chỉ là cách để không đối diện với những điều còn tồn đọng trong tâm. Nên khi dừng làm việc, Vinh mất phương hướng.

Thuốc uống cũng phản tác dụng khiến bệnh tình nặng hơn. Khi thế giới mở cửa trở lại, mình vẫn phải xin nghỉ phép ba tháng vì lý do sức khỏe."

Anh chuyển sang Meta (tên cũ là Facebook) sau 7 lần từ chối phỏng vấn cũng bởi nghĩ rằng mạng xã hội sẽ cho cơ hội tương tác nhiều hơn và được làm việc từ xa 100%, phù hợp với sức khỏe hiện tại.

Nhưng Vinh Trần vẫn bị trầm cảm nặng, sức khỏe giảm sút. Thuốc giúp Vinh cân bằng, nhưng cướp hết cảm xúc để hoàn thiện công việc cần đòi hỏi cảm hứng.

Đến một cột mốc trong cuộc đời, khi đã đi đây đó, trải nghiệm nhiều vị trí, kinh qua nhiều công việc, Vinh Trần tự hỏi: Mình là ai và mình thuộc về đâu trên thế giới này?

"Khi chứng kiến bản thân không còn khả năng sống như trước, mình đã cảm thấy bất lực, Vinh nhìn xung quanh, những thành tích, chiếc xe đẹp, căn nhà mơ ước... không còn ý nghĩa gì nữa.

Mình từng nghĩ đến tự sát vì không thể thoát ra suy nghĩ quẩn quanh, rằng mình là ai? Cha mình đang ở đâu? Gia đình mình đang nghĩ gì?

Vinh đã rất đau khổ khi soi gương và nhìn thấy những "lỗ hổng" của mình. Tấm gương đã thể hiện tất cả những gì mình thấy." - Vinh Trần bộc bạch.

Chàng trai Việt 7 lần từ chối Meta, đầu quân cho Google và hành trình tìm lời đáp cho câu hỏi mình là ai? - Ảnh 7.

Là nạn nhân của chứng trầm cảm, Vinh Trần sáng lập ra Murror với mong muốn giúp những người bị trầm cảm vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và cảm thấy hạnh phúc hơn bằng cách khám phá bản thân.

Cũng từ những ngày tháng tăm tối nhất của cuộc đời ấy, anh nảy ra ý tưởng sáng lập Murror - bắt nguồn từ chữ Mirror (Tấm gương), nhưng đổi thành tên Murror - Có nghĩa là trí thông minh nhân tạo giúp người dùng khám phá bản thân, thấy được phần tối/sáng của bản thân.

Vinh Trần sáng lập công ty với mong muốn giúp "chữa lành" cho những người bị trầm cảm. Công việc chính của 8x Việt khi làm việc với Google hay Meta là đi tìm những ý tưởng mới và xây dựng sản phẩm bắt đầu từ con số không.

Do đó, anh hiểu rất rõ cách vận hành và những yếu tố cần thiết để tạo ra một sản phẩm có thể phục vụ cho số lượng người dùng lớn.

"Là một designer, Vinh có thế mạnh thiết kế sản phẩm từ góc nhìn trải nghiệm của người dùng trước tiên.

Người cùng đồng hành với mình khi thành lập công ty là bác sĩ tâm lý tên Vania Manipod, người Mỹ, đã chữa trị cho hàng ngàn người gặp vấn đề về tâm lý.

Mình là người hiểu tâm lý của một người bệnh, còn bác sỹ Vania là người hiểu cách chữa trị, mình và bác sỹ sẽ hỗ trợ nhau về công nghệ và y tế để đảm bảo cho sản phẩm an toàn nhất, bảo mật nhất với thiết kế tốt nhất.

Team hiện tại còn có các bạn người Việt đang làm việc ở nhiều quốc gia trên thế giới như Mỹ, Na-uy, Châu Âu và Việt Nam, cùng hợp sức tạo ra sản phẩm." - Vinh Trần chia sẻ về công ty anh đang gây dựng.

Chia sẻ câu chuyện của mình, 8x Việt mong muốn mọi người sẽ nhìn nhận theo hướng tích cực nhất, để cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp, cùng nhau xây dựng hạnh phúc và không ai phải sống cô đơn, thiếu thốn tình cảm từ gia đình nữa.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại