Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi

Ngân Hà |

Không chỉ một mình thực hiện được hành trình đi qua 23 nước bằng xe máy, chàng trai này còn truyền năng lượng tích cực đến những người trẻ và quảng bá hình ảnh đẹp của con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Hai năm chuẩn bị giấy tờ, hai tháng "chạy đua" thủ tục

Sau 5 tháng "cưỡi" xe máy rong ruổi khắp thế gian, Trần Đặng Đăng Khoa, chàng trai sinh năm 1987 đến từ Gò Công, Tiền Giang đã  mang chiếc xe biển số 63 của mình đi quãng đường dài 20.000 km qua 23 quốc gia lớn nhỏ, tốn 500 lít xăng, 25 chai nhớt và 1 cặp vỏ xe.

Hiện Đăng Khoa đang dừng chân tại Paris, thủ đô nước Pháp, anh cho biết Paris là điểm đến đánh dấu một nửa hành trình khám phá thế giới bằng xe máy của mình, và anh đang tất bật chuẩn bị cho chặng tiếp theo.

Cho tới thời điểm hiện tại, 8x Việt đã đi qua 23 nước, bao gồm cả Việt Nam, có Campuchia, Thái Lan, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Iran, Azerbaijan, Georgia, Bulgaria, Hy Lạp, Albania, Montenegro, Bosnia & Herzegovina, Croatia, Ý, Thụy Sĩ, Lichtenstein, Áo, Đức, Luxembourg, Bỉ và Pháp.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 1.

Đến được Paris sau hành trình dài 150 ngày, Facebook Đăng Khoa đã có cả trăm ngàn lượt người theo dõi, số lượng tin nhắn anh nhận được mỗi ngày cũng dài vô tận.

Nhiều người không khỏi ngưỡng mộ và rất quan tâm theo dõi hành trình mà Đăng Khoa đi qua. Bên cạnh đó, cũng có không ít câu hỏi, sự tò mò về hành trình "độc nhất vô nhị" của 8x Tiền Giang mà dân mạng đặt ra như: chi phí cho chuyến đi vòng quanh thế giới, Đăng Khoa làm gì để có kinh phí thực hiện chuyến đi? Những kinh nghiệm, lưu ý khi đi qua nhiều nước với nền văn hóa, luật pháp khác biệt?

Để giải đáp những thắc mắc này, anh chia sẻ: "Thời gian qua mình nhận được nhiều sự quan tâm, động viên và giúp đỡ từ nhiều người, đặc biệt là cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Tuy nhiên làm điều gì khác biệt sẽ luôn có những ý kiến trái chiều, có người thương kẻ ghét, nhưng nó là một phần của cuộc sống.

Mình đã đi được đến đây bằng những đồng tiền lương thiện của mình kiếm được để lên đường, để làm tròn trách nhiệm với gia đình và xã hội, không nợ nần ai, chỉ nợ ân nghĩa những người đã giúp đỡ.

Mọi người thấy thành quả nhưng không biết được phía sau nó là cả một giấc mơ được được nuôi dưỡng từ nhỏ và nhiều năm trời dày công chuẩn bị, suy nghĩ, tính toán.

Mình phải tự trả lời bằng được hàng trăm câu hỏi mà mọi người thắc mắc thì mới dám đi, chưa kể bao nhiêu chuyện bi hài trên đường nữa".

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 2.

Chàng trai 30 tuổi đã dành 20 năm cuộc đời để nuôi dưỡng ước mơ đi vòng quanh thế giới

8x Tiền Giang cho hay, anh tự mình lao động, kiếm tiền bằng mồ hôi công sức bỏ ra để có kinh phí thực hiện hành trình dài mà anh ấp ủ suốt nhiều năm trời. Mọi chi phí đều được tính toán kĩ lưỡng theo tiêu chí tiết kiệm nhất có thể.

Nếu thiếu hụt kinh phí giữa chừng, Đăng Khoa sẽ dừng chân để kiếm việc làm thêm, tích lũy tiền rồi đi tiếp.

Đặc biệt, với những gì tìm hiểu được và từ kinh nghiệm thực tế, Đăng Khoa cho biết vấn đề ngôn ngữ, giao tiếp khi đi du lịch nước ngoài rất quan trọng.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 3.

Đăng Khoa cho rằng vấn đề khó nhất trong hành trình anh dự tính là chuyện xin visa và giấy thông hành xe máy quốc tế

Một vấn đề nữa được nhiều người quan tâm, đó là xin visa nước ngoài vốn đã không đơn giản, xin được cả visa và giấy thông hành xe máy quốc tế đi vòng quanh thế giới là điều khó khăn gấp nhiều lần.

Với những nước có thời hạn thị thực không quá dài và không cho gia hạn, Trần Đặng Đăng Khoa coi việc xin cuốn chiếu là cách tối ưu. Tất nhiên, cách này cũng có thể phát sinh vấn đề khi anh từng mất khá nhiều thời gian và "nhức đầu" với việc xin visa từ Pakistan sang Iran.

Theo Đăng Khoa, visa Schengen quả thật rất quyền lực, vì là giấy thông hành đi được khoảng 40 nước thuộc châu Âu. Ngày nhập cảnh vào Georgia, Khoa kể: "Cầm visa Schengen, mình vui sướng vô cùng, chỉ đóng dấu cái rụp, khỏi cần visa gì ráo".

Nhiều nước Balkan miễn visa nếu du khách có visa Schengen. Đăng Khoa được xác nhận điều này khi đã tới Hy Lạp, vì vậy anh quyết định không tới Italy ngay như kế hoạch, mà bẻ cung đi qua Albania, Macedonia, Kosovo, Montenegro, Bosnia & Herzegovina, Croatia, Slovenia rồi mới qua Italy.

Ngoài ra, Trần Đặng Đăng Khoa gợi ý các "con bọ du lịch" khi ra nước ngoài nên tra thông tin của đại sứ quán, lãnh sự quán Việt Nam ở nước sở tại để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Những kinh nghiệm quý giá từ chuyến đi vòng quanh thế giới

Trong những ngày dừng chân chuẩn bị cho hành trình tiếp theo, Đăng Khoa đã dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm giúp đảm bảo an toàn khi đi du lịch nước ngoài cho những ai quan tâm.

Anh cho hay, kinh nghiệm thì mỗi người mỗi khác, và anh muốn chia sẻ những gì anh đúc rút được từ chính trải nghiệm của bản thân.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 4.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 5.

Đăng Khoa cho rằng nên photo tất cả các giấy tờ quan trọng như hộ chiếu, các trang chụp visa, dấu xuất nhập cảnh, bằng lái, giấy tờ xe, bảo hiểm du lịch… ra nhiều bộ rồi cất giấu nhiều nơi.

"Mình chia sẻ trên tinh thần là mình đi xe máy, nhưng cũng áp dụng cho đi đường bộ, xe đạp…cũng được.

Về giấy tờ, nên scan hoặc chụp ảnh lại rồi bỏ vào laptop, ổ cứng, điện thoại, rồi gửi lên gmail, drive, dropbox…Nếu trong nhóm nhiều người thì cất chéo nhau, người này cất của người kia

Trong trường hợp mất giấy tờ còn cái trình cảnh sát để xác nhận thân nhân, xác nhận nhập cảnh hợp pháp hoặc đến Đại sứ quán Việt Nam làm lại passport để xuất cảnh về.

Không bao giờ mang tất cả tiền mặt theo, trừ khi đi gần và rất ngắn, còn lại bỏ vào thẻ ATM cho chắc ăn. Thẻ cũng nên làm ít nhất hai thẻ. Thẻ ATM và tiền mặt cũng chia ra cất nhiều nơi.

Tránh để các thẻ trong bóp tiếp xúc trực tiếp nhau vì dễ bị trầy xước, hư phần thẻ t. Để một lượng tiền mặt nhỏ trong túi riêng để cần thì rút ra thanh toán nhanh, không cần mở bóp hay balô ra, ngoài ra nếu được cũng trữ ít ngoại tệ mạnh như Đôla hay Euro trong người vì đi đâu cũng đổi được.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 6.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 7.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 8.

"Người bạn" đồng hành là chiếc xe máy cũng được Đăng Khoa "chăm sóc" cẩn thận

Do mình đi xa nên mang cả ba cái điện thoại. Đến nước nào mua Sim nước đó. Phải có số điện thoại để gọi hỗ trợ khẩn cấp cho cảnh sát, cứu hộ ở các nước. Các số này đến thì tìm và lưu sẵn. Ngoài ra cũng lưu sẵn số hotline hỗ trợ người Việt ở nước ngoài, số người thân gia đình hoặc bạn thân

Các số hotline này bỏ ở mục Emergency Call ở màn hình lock, trong trường hợp bị tai nạn bất tỉnh thì không cần mở khóa vẫn có thể gọi được cho các hotline này.

Dùng Internet trên điện thoại để đặt phòng, xem thông tin địa điểm, tình hình đường sá, an ninh ở nơi sắp đến thế nào.

Trên điện thoại cũng nên tải các phần mềm về sơ cứu y tế cơ bản để cần tham khảo hoặc đọc lúc rảnh rỗi. Tải luôn các phần mềm bản đồ.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 9.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 10.

Nên cởi mở, hòa nhập với người bản địa, nhưng cũng cần đề phòng ở những nơi đông người.

Nên có một người bạn thân để báo lịch trình nay mình đi đâu, ở bao lâu, và kế hoạch sắp tới thế nào phòng trường hợp rủi ro.

Khi dừng chân nghỉ khách sạn, thường các khách sạn có chìa khóa rất sơ sài, nhiều khi đẩy mạnh là chốt cửa bung ra nên cứ mang theo một ổ khóa dự phòng để ra ngoài khóa thêm cho chắc. Lúc đi từ bàn tiếp tân vào phòng cũng để ý xem cầu thang bộ và lối thoát hiểm ở đâu.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 11.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 12.

Hạn chế cắm trại nếu đi một mình. Nhưng nếu bất đắc dĩ thì nguyên tắc hay áp dụng là chỗ nào vắng người, không ai biết mình ở đó là chỗ an toàn nhất.

Ra biển thì kiếm sau mấy hòn đá lớn, vào sa mạc thì núp sau mấy đụn cát, không ai biết mình ở đó thì sẽ không thể hại mình được. Tuy nhiên vào mấy chỗ vậy cũng kiểm tra kĩ xem có đá rơi, gần chỗ nguồn nước dâng, có rắn rít, nền đất thế nào, xem trước nếu có ai tấn công thì chạy về phía nào. Khi ngủ lúc nào cũng có một cái đèn pin và con dao, để ở ngay đầu, cần có thể lấy ngay.

Một vấn đề cực kỳ quan trọng là sức khỏe. Đầu tiên là việc ăn uống, đi đâu ăn uống cũng chú ý đồ ăn xem có sạch sẽ, vệ sinh không, mình may mắn ăn gì cũng được, không yêu cầu đồ ăn ngon, nhà nghèo nên dễ nuôi từ nhỏ.

Uống nhiều nước vào, trong người lúc nào cũng có ít nhất 1 lít (kèm ít bánh ngọt, socola) để dành uống, cũng như rửa mặt nếu say nắng, rửa vết thương nếu bị tai nạn, bị bỏng. Ở vài thành phố lớn, nước sinh hoạt vẫn uống được, như ở Georgia mọi người toàn uống nước vòi cả, vì nước từ dãy Caucasus chảy xuống rất sạch và mát lạnh.

Luôn có bộ sơ cứu y tế trong người, số lượng và thuốc men thì tùy theo địa hình, thời tiết, loại hình du lịch và tình hình sức khỏe, bệnh tật riêng của mỗi người. Mang áo quần phù hợp điều kiện thời tiết địa hình, trước khi đến đâu thì kiểm tra thời tiết ở đó trước, mang nhiều lớp áo quần sẽ hay hơn, để cởi ra lúc nóng và mặc thêm lúc lạnh.

Còn một vấn đề cần lưu ý, là đi chơi là phải mở lòng mình ra, sẵn sàng tiếp chuyện và giao lưu với người địa phương, nhưng đồng thời cũng phải cẩn thận và cảnh giác. Hạn chế để lộ thông tin như mình ngủ ở đâu, đi một mình hay đi với bạn, sắp tới sẽ đi đâu

Những đồ đạc quan trọng luôn bỏ trong balô mang theo sát người và cài quai ngực hoặc quai bụng. Mặc đồ giản dị, khiêm tốn nhưng gọn gàng, lịch sự, tránh gây chú ý nhiều quá!"

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 13.

Đăng Khoa hóm hỉnh chia sẻ, có lẽ do "cẩn thận thái quá nên đến giờ anh vẫn chưa gặp bất kì sự cố nào xảy ra": "Đó cũng là nhờ may mắn, chưa xảy ra không có nghĩa là không xảy ra, nên vấn đề quan trọng nhất là luôn tập trung và cẩn thận mọi lúc mọi nơi, chỉ cần một sai lầm nhỏ là phải trả giá rất đắt không lấy lại được.

Cẩn thận là thế nhưng cũng đừng quá lo lắng mà hãy tận hưởng, thoải mái, và xem những khó khăn nếu có là cơ hội va chạm để sau này có kinh nghiệm và trưởng thành hơn, mở mang đầu óc hơn".

Ngoài ra, sau khi đã kinh qua một số quốc gia nói những ngôn ngữ khác nhau, gặp nhiều trường hợp "dở khóc dở cười" khi không ai hiểu ai, giao tiếp với người địa phương đủ mọi thành phần, Đăng Khoa còn có chia sẻ rằng, vấn đề ngôn ngữ, giao tiếp cũng là yếu tố không thể bỏ qua.

Chàng trai phượt bằng xe máy qua 23 nước: Tổng chi phí và công cuộc xin visa cho chuyến đi - Ảnh 14.

Trước chuyến đi, 8x Tiền Giang đã "bỏ túi" cho mình vốn tiếng Anh kha khá

"Nói gì thì nói, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ quan trọng nhất khi đi du lịch nước ngoài, vì nó đã được ngầm công nhận là ngôn ngữ của du lịch.

Đối với những chuyến đi có tính mạo hiểm và kéo dài qua nhiều nước thế này thì tiếng Anh lại trở thành vấn đề cực kỳ quan trọng. Không chỉ giao tiếp mà còn khả năng viết mail, giao tiếp qua điện thoại, đọc hiểu, tra cứu tài liệu.

Ví dụ điển hình như muốn xin Visa một nước ít phổ biến, thì phải viết một cái mail đàng hoàng, chỉn chu, lịch sự, thể hiện rõ mình muốn gì, gặp trở ngại gì để thuyết phục Đại sứ quán, Lãnh sự quán giúp đỡ.

Tuy nhiên, nếu tiếng Anh hoàn toàn vô dụng khi gặp người khác thì sao? Có vô số cách khác để xử lý:

-Mỗi nước chỉ cần học trước một số từ như : Xin Chào / Cảm ơn / Xin Lỗi / Có / Không / Bao Nhiêu là đủ. Nếu để ý, sẽ có một số từ các nước lân cận hoặc cùng văn hóa phát âm giống nhau nên mình nói họ sẽ hiểu, chẳng hạn chuyến này mình tình cờ phát hiện ra là tất cả các nước Azerbaijan, Iran, Pakistan đều phát âm chữ "xăng" là "ben-zin" (chắc từ chữ benzene),cũng như các nước Hồi giáo hay dùng chữ "Assalam" hay "Salam" để chào nhau, rất dễ nhớ, còn một số từ như "toilet" thì hầu như ai cũng hiểu cả.

-Ngôn ngữ cơ thể, cái này quá đơn giản ai cũng biết, ngủ thì khép tay kề vô đầu nghiêng nhẹ chớp chớp mắt là ai cũng hiểu hỏi khách sạn, hay chỉ tay vô miệng há mồm là ai cũng hiểu ăn ở đâu…nhanh gọn lẹ, hiệu quả cực kỳ.

- Các app dịch song ngữ offline không cần dùng mạng có sẵn trên Google Play hoặc Appstore cũng là gợi ý hữu ích"

Sắp tới, khi đã hoàn thành các khâu chuẩn bị cho chuyế đi tiếp theo, Trần Đặng Đăng Khoa dự định có buổi trao đổi trực tuyến (livestream) trên trang cá nhân để trực tiếp giải đáp thắc mắc của cộng đồng mạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại