“Nếu bạn cần một người đi cùng tới cửa hàng mình ngại vào, một người cho đủ quân số chơi game, một người đến trước giữ chỗ để bạn ngắm hoa anh đào, hãy sử dụng dịch vụ ‘Không làm gì’ của tôi”.
Đây là bài quảng cáo của chàng trai Morimoto Shoji (36 tuổi) đang vô cùng nổi tiếng tại Nhật Bản. Mỗi ngày, có hàng loạt người đứng xếp hàng chờ chỉ để thuê anh. Dịch vụ mà người đàn ông này cung cấp cũng rất kỳ lạ: không làm gì mà chỉ lặng lẽ đồng hành với khách hàng.
Bài quảng cáo dịch vụ "Không làm gì" trên trang Twitter của Morimoto Shoji.
Morimoto bắt đầu mở dịch vụ này từ tháng 6/2018. Chỉ trong vòng 9 tháng, hơn 1.000 khách hàng tìm đến anh. Hiện tại, trang Twitter cá nhân của người đàn ông này có khoảng 270.400 người theo dõi. Anh đã kết hôn và có 1 người con.
Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng Thạc sĩ ngành Vật lý tại Đại học Osaka danh giá, Morimoto bắt đầu làm việc tại một nhà xuất bản giáo dục. Tuy nhiên, anh thừa nhận rằng mình không phù hợp lắm với môi trường công sở. Lý do là anh “phải tiếp xúc với nhiều người, làm những công việc giống hệt nhau từ ngày này qua ngày khác”.
“Tôi thường lặng lẽ làm việc một mình ở cơ quan, nên bị cấp trên nhắc nhở phải hòa đồng và giao tiếp nhiều hơn với các đồng nghiệp. Tôi không thích bị bắt nói chuyện với cùng một nhóm người mỗi ngày. Vì cảm thấy không thể tiếp tục, tôi xin nghỉ việc sau 3 năm”, anh cho biết.
Sau đó, Morimoto chuyển sang làm ngành quảng cáo nhưng rồi lại thất bại. Anh nghĩ rằng nghề biên tập sẽ thích hợp hơn vì có thể làm việc một mình, nhưng mọi chuyện cũng chẳng ra đâu vào đâu. Chàng trai này liên tục nhảy việc bất thành cho đến khi anh cảm thấy không muốn làm bất cứ điều gì nữa.
“Dần dần, tôi nhận ra mình có một khao khát mãnh liệt là không làm gì cả”, anh nói.
Morimoto Shoji - người đàn ông không làm gì cả.
Một ngày nọ, Morimoto tìm thấy Nakajima Taiichi trên mạng xã hội - blogger nổi tiếng chuyên sống dựa vào sự giúp đỡ của người khác. Điều này càng tiếp thêm động lực để anh không làm gì.
Thay vì tuân theo định kiến của xã hội, chàng trai này tự hỏi bản thân: “Không đi làm kiếm tiền thì không thể sống nổi, nhưng nếu cứ bắt ép mình thì cũng chẳng được tích sự gì. Liệu mình có thể sống mà không làm gì cả?”. Rốt cuộc, Morimoto quyết định sẽ cho thuê chính mình.
Để sử dụng dịch vụ của Morimoto, khách hàng chỉ cần trả khoảng 10.000 Yên, bao gồm tiền vé tàu và chi phí ăn uống có thể phát sinh. Trừ một số tương tác nhất định, người đàn ông này sẽ chỉ đi cạnh bạn và không làm gì cả. Mỗi ngày, anh nhận khoảng 3-4 yêu cầu. Công việc bắt đầu lúc 8h30 và kết thúc vào lúc 22h.
Chỉ trong vòng 2 năm, Morimoto và dịch vụ kỳ lạ của mình đã trở nên nổi tiếng toàn nước Nhật. Anh có thể theo chân khách hàng đến đủ mọi nơi: đi bệnh viện cắt trĩ, tham dự phiên tòa, ngồi chơi game cho đủ người, giữ chỗ ngắm hoa anh đào ở công viên… Khách hàng có thể thuê Morimoto nếu cần một người đồng hành cùng mình.
Cho đến nay, Morimoto đã nhận được hơn 10.000 lời yêu cầu. Tuy nhiên, anh chỉ có đủ thời gian để thực hiện 2.000-3.000 trong số đó. Số lượng yêu cầu mỗi ngày lớn tới mức anh phải xếp lịch trước cả 1 tháng. Nếu khách hàng cho phép, anh sẽ cập nhật hành trình và chia sẻ cảm nghĩ của mình về chuyến đi trên Twitter.
“Nếu cảm thấy không làm được, tôi sẽ từ chối yêu cầu từ khách hàng. Tôi cũng nhận các yêu cầu lặt vặt như nhờ mua đồ hộ. Nói chung, tôi nhận việc theo cảm tính”, anh cho biết.
Morimoto đi ăn mì cùng với khách hàng (Ảnh: @morimotoshoji)
Trong quá trình mở dịch vụ “Không làm gì”, Morimoto đã được chứng kiến đủ loại tình huống, từ “dở khóc dở cười”. Mỗi khách hàng đều có một vấn đề riêng trong cuộc sống, nhưng không biết chia sẻ với ai ngoại trừ anh.
Có lần, Morimoto được mời tới một nhà hàng teppanyaki cao cấp, bởi khách hàng muốn chiêu đãi ai đó một bữa ăn.
Lần khác, anh được thuê tới xem một trận đấu tại giải bóng chày chuyên nghiệp. Khách hàng cảm thấy mình sẽ dễ bất đồng quan điểm nếu đi cùng một người biết nhiều về bóng chày, do đó anh ta đã chọn đi cùng Morimoto - một người không hiểu gì môn thể thao này. Tại sân vận động, vị khách hàng không ngừng tường thuật trực tiếp; tất cả những gì Morimoto cần làm chỉ là ngồi đó và nghe.
Thỉnh thoảng, Morimoto lại có dịp chứng kiến khách hàng đưa ra những quyết định sẽ thay đổi cuộc đời mãi mãi. Anh từng theo chân một vị khách nữ đi đệ đơn ly hôn, vì cô muốn có người ở bên trong giờ phút “vứt bỏ cuộc hôn nhân thất bại, lấy lại danh phận xưa và bắt đầu một cuộc sống mới”. Một lần khác, anh đứng xem một nữ khách hàng chất vấn chồng về chuyện ngoại tình.
Theo Morimoto, sự hiện diện của anh khiến cho khách hàng cảm thấy thoải mái hơn. Đồng thời, việc này cũng giúp những người khó hòa nhập với xã hội như anh hiểu rằng họ vẫn có thể sống tốt trong thế giới này.
Morimoto đi tới khu vui chơi giải trí và hát karaoke cùng khách hàng (Ảnh: @morimotoshoji)
Ban đầu, Morimoto nhận làm dịch vụ miễn phí, chỉ nhận tiền ăn và vé tàu xe. Dần dần, những khoản tiền boa cũng xuất hiện theo. Anh không chỉ có cơ hội trải nghiệm những điều mới lạ, mà còn có thêm một nguồn thu nhập khá ổn định.
Vợ anh cũng đã từng rất lo lắng khi thấy anh bỏ việc, bởi ở Nhật Bản, đàn ông chính là trụ cột gia đình. Tuy nhiên, chị khá thông cảm với chồng và luôn ủng hộ anh theo đuổi đam mê của mình.
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Nhật Bản, càng nhiều người tìm đến dịch vụ của Morimoto. Đa số mọi người chỉ muốn anh lắng nghe họ trong thời điểm khó khăn và cô đơn này. Nhiều nhân viên y tế và trợ lý nhà thuốc cũng đã trở thành khách hàng của Morimoto. “Cuộc chiến chống lại dịch bệnh quá vất vả, nên họ rất muốn tâm sự với tôi”, anh nói.
Morimoto hy vọng có thể tiếp tục dịch vụ “Không làm gì” lâu nhất có thể. Điều này là hoàn toàn khả thi, nếu xét đến số lượng yêu cầu anh nhận được mỗi ngày từ những người không biết chia sẻ cùng ai.
“Có vô số lý do khiến con người gặp khó khăn trong việc chia sẻ với nhau. Nếu họ phàn nàn với bạn bè, chuyện có thể đến tai những người bạn khác. Nếu họ nói về thành tựu của bản thân, mọi người sẽ khó chịu và coi đó là khoe mẽ. Có khách hàng không dám tâm sự với người quen vì sợ đánh mất hình tượng. Có người gặp vấn đề nghiêm trọng nhưng không thể chia sẻ với vợ/chồng mình nên càng stress hơn”, anh cho biết.
Mỗi khách hàng đều có vấn đề riêng khi sử dụng dịch vụ của Morimoto. Tuy nhiên, đa số lý do đều bắ t nguồn từ một thực tế: có những bí mật sẽ hủy hoại các mối quan hệ xã giao của họ.
“Nhiều người cũng gặp rắc rối trong việc giao tiếp thường ngày với mọi người xung quanh như tôi. Có lẽ, dịch vụ này cũng là thứ mà bản thân tôi rất cần”, anh kết luận.
(Theo Gaijinhan, Chinapress)
Theo Trí thức trẻ