Số phận Dương dường như đã phải trải qua mọi thăng trầm trong cuộc sống. Sinh ra được ba ngày, Nguyễn Thắng Dương (SN 1985 ở Thanh Trì, Hà Nội) không may bị bệnh vàng da, cậu được đưa vào bệnh viện tiêm thuốc để điều trị thì không may bị ảnh hưởng dây thần kinh. Đến tận năm 14 tuổi Dương vẫn chưa đi được, chỉ có thể bò và lết…
Vượt lên số phận, nuôi con học giỏi
Ngày nhỏ Dương ham học lắm, nhưng số phận hẩm hiu. Cậu đi học đến lớp 4 nhưng phải nghỉ vì phụ huynh cùng lớp thắc mắc sao con tôi đọc sai một chữ thì đánh trượt, còn "thằng kia" (là Dương) không đọc nổi thì vẫn lên lớp. Thế là Dương bị đúp, rồi phải nghỉ.
"Ngày ấy, giá như có trường học dành cho trẻ khuyết tật như bây giờ thì Dương đã được học hành tử tế. Thằng Dương thông minh lắm, chỉ có điều viết xấu, không đọc được", bà Bính hàng xóm thân thiết - người chứng kiến từ khi Dương ra đời cho đến tận bây giờ cho hay.
"Có bệnh thì vái tứ phương" Dương được mẹ đưa đi chữa trị khắp nơi. Cứ có chỗ nào ai mách chữa được là lại đưa con đến, song công sức của bà đều đổ sông đổ bể, Dương vẫn không thể thay đổi số phận.
Ngày bé, Dương tuy chưa đi được, chỉ bò lết nhưng cực kỳ chăm chỉ và trách nhiệm, ở nhà việc cơm nước, nhà cửa, lợn gà đều lo chu toàn cho bố mẹ yên tâm đi làm, chị đi học.
Dương luôn nỗ lực vượt lên số phận
Đến mãi năm 14 tuổi Dương mới đi được, rồi cậu học đi xe đạp 3 bánh. Dương xin bố cho đi xe điện 3 bánh để đi chợ, bố nhất quyết không cho, bảo: "Mày mà đi chợ thì tao chết luôn, đường sá đông đúc, mày đi làm sao được con".
Sau này bố mất, Dương mới dám mua cho mình chiếc xe điện đi chợ. Trời chưa thôi thử thách lòng người. Chiếc xe đạp giúp Dương đi lại dễ dàng hơn ấy đã bị kẻ trộm lấy mất của cậu đến mấy cái. Rồi đến xe điện, cũng đã bị kẻ gian lấy mất 2 chiếc, xe hiện tại Dương đang đi là chiếc thứ 3.
"Cái tâm nó tốt, cái đầu nó tính toán cũng được. Hỏi nó vì sao lại giúp quán chở cơm không cần tiền, nó bảo người ta còn giúp người khác cả đời, mình ăn thua gì", bà Bính cho biết.
Trên chiếc xe điện mưu sinh ấy, cứ 4 giờ sáng hàng ngày Dương lại dậy ra chợ đầu mối mua rau về để hai vợ chồng bán. 2 vợ chồng ngồi bán ở chợ ven đường gần bệnh viện K Tân Triều, đến 8 giờ thì chạy về chợ Xa La bán tiếp.
Vợ Dương tên là Đằng, quê ở Bắc Ninh, cơ thể bình thường nhưng không được minh mẫn như người ta. Bác của Dương quen bố mẹ Đằng, nên mai mối cho hai đứa nên vợ thành chồng.
Hai vợ chồng sinh được hai cô con gái. Con gái đầu của Dương học lớp 8, đứa thứ hai đang học lớp 3. Không phụ lòng bố mẹ con gái đầu là lớp trưởng, đội trưởng Sao đỏ, học giỏi nhất nhì khối.
Quê vợ Dương cách nhà 45 km.Hàng tuần, Dương chở cô con gái nhỏ trên chiếc xe điện ba bánh của mình, cô con gái lớn chở mẹ trên chiếc xe đạp lại cặm cụi đạp qua cầu Thanh Trì để về quê thăm ông bà.
Vượt qua số phận, hỗ trợ những mảnh đời khó khăn
Tại quán Nụ cười Shinbi – cơm 2k ở khu tập thể Trạm bơm Yên Xá, cạnh Bệnh viện K (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đều đặn 16h mỗi ngày, từ thứ 2 đến thứ 6 đều mang những bữa cơm yêu thương thắp sáng hy vọng cho những mảnh đời khó khăn.
Khi nghe tên "Quán cơm 2000 đồng" mọi người đều biết rằng nó không phải là một quán cơm để kinh doanh mà mang mục đích thiện nguyện. Quán cơm duy trì hoạt động tốt và ổn định, công một phần lớn là nhờ có sự hỗ trợ rất nhiệt tình của các tình nguyện viên và Dương là một số trong những người đó.
Đáng lý ra, Dương là người cần được giúp đỡ, song ngược lại. Dương là tình nguyện viên nhiệt tình nhất nhì của Quán Nụ cười Shinbi này. Từ cảnh ngộ bản thân, Dương luôn đồng cảm với những người bệnh tật hay có hoàn cảnh khó khăn.
Chính vì thế, bao nhiêu ngày quán cơm mở cửa là bấy nhiêu ngày Dương để vợ bán rau ở chợ để về chở cơm qua viện K Tân Triều trao vào khoa Nhi và thường xuyên chạy xe đi lấy rau được mọi người cho hộ quán.
Những lúc rảnh rỗi, không kể ngày hay tối Dương lại tập tễnh đi sang quán. Cậu ngó trước nhìn sau xem mình có giúp được gì không, cậu nói khó nhưng mọi người trong quán gần như đều hiểu hết cậu muốn giúp gì.
Đôi khi không có việc gì giúp, cậu lại bẽn lẽn đứng một góc nào đó của quán để nhìn các anh chị làm việc.
"Từ lúc khai trương, mình bảo với Dương rằng anh sẽ lấy rau của mày để nấu cơm cho bà con. Ngặt nỗi từ lúc khai trương, chưa ngày nào mình mua được rau của Dương, vì rau được cho khá nhiều.
Mình áy náy, bảo với em: "Mày thông cảm cho anh, người ta cho rau nhiều quá, chưa mua rau của mày ngày nào". Dương cười tươi, méo mồm bảo: "Không sao anh ạ, được cho nhiều là tốt"". Anh Tiên Lâm, chủ quán cơm tâm sự
Hôm nay cũng như mọi ngày, Dương chở cơm sang viện rồi lại đi lấy rau đưa về quán cho mọi người nấu ăn. Lúc nào cũng thế, Dương luôn có mặt khi mọi người cần với nụ cười thật tươi trên môi.