Từ xưa đến nay, tiếng Việt luôn được xem là một trong những ngôn ngữ khó học bậc nhất hành tinh. Dẫu đã sử dụng bảng chữ cái theo tiếng Latin thế nhưng kho từ vựng đồ sộ có học đến cả đời vẫn có khả năng "gây lú". Chưa kể chỉ thay bằng 1 từ thôi, nghĩa của câu đã hoàn toàn khác hẳn.
Như mới đây, một chàng trai đã chia sẻ thành phẩm luộc ngô xấu đau đớn của người yêu. Ngô được chặt thẳng, khi luộc chín trở nên cong vẹo, không ra hình thù gì.
Ai cũng định chê trách cô người yêu vụng, ai ngờ đọc đến dòng caption của chàng trai lại quay ngoắt 180 độ: "Bảo chẻ đôi rồi luộc cho mau chín. Nhưng không nghĩ em nó lại kỳ công thế này".
Pha luộc ngô xấu đau đớn (Ảnh: Group Không Sợ Chó)
Đáng nói ở việc dùng từ "chẻ đôi" của chàng trai. "Chẻ" là động từ chỉ hành động tách theo chiều dọc thành từng mảnh, từng thanh. Như vậy chẳng phải cô người yêu đã chẻ dọc ngô rồi luộc theo đúng yêu cầu rồi sao?
Thực tế nếu muốn nói đúng, chàng trai cần thay bằng "bẻ đôi" hoặc "chẻ khúc" thì sẽ thể hiện được hành động chặt từng khúc của ngô rồi đun luộc. Như vậy thành phẩm mới dễ ăn và đẹp mắt hơn.
Dân mạng cũng tỉnh lắm đấy, đọc dòng caption của chàng trai là biết ai đúng ai sai rồi. Thế mới bảo khi định bóc phốt ai đó, nhớ xem kĩ chính tả và ngữ pháp tiếng Việt. Không thì mọi lời giải thích của bạn đều trở thành vô nghĩa thôi.
Một số bình luận góp ý của cộng đồng mạng bên dưới bài viết:
- "Chủ tus nói thế là sai rồi còn gì. Người ta chỉ nói 'chặt đôi' chứ ai lại 'chẻ đôi'. Mà chẻ đôi thế này không giúp ngô nhanh chín đâu, vì hạt nằm ở ngoài hết rồi".
- "Chẻ như vậy là đúng rồi còn gì. 'Chẻ khúc' và 'chẻ đôi' khác nhau mà. Bạn nên xem lại câu từ trước khi bóc phốt để hợp lý hơn nha".
Để không lặp lại lỗi sai từ vựng như chàng trai trong câu chuyện, bạn cần lưu ý một số định nghĩa sau:
1. Chẻ (động từ): Tách theo chiều dọc thành từng mảnh, từng thanh.
Ví dụ: Chẻ lạt, chẻ củi
2. Bẻ (động từ): Hành động gập lại làm cho gãy, hoặc gập lại làm cho đổi sang hướng khác.
Ví dụ: Tuổi 18 bẻ gãy sừng trâu.
3. Chặt (động từ): Làm đứt ngang ra bằng cách dùng vật có lưỡi sắc giáng mạnh xuống.
Ví dụ: Chặt ngang thân cây, chặt khúc xương ra làm đôi
4. Đập
+ (Hiểu theo nghĩa động từ): Đưa nhanh, thường là từ trên xuống, bàn tay hoặc vật nào đó theo bề ngang cho tác động mạnh vào một vật khác.
Ví dụ: Đập tay xuống bàn, đập vỡ cái chai.
+ (Hiểu theo nghĩa danh từ): Công trình được đắp và xây dựng bằng đất đá hoặc bê tông để ngăn, chứa hay giữ nước.
Ví dụ: Xây đập ngăn sông.