Gọi điện cho 10 người thì... 8 người phản đối
Lớn lên ở vùng quê xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, năm tháng ấu thơ đầy vơi kỷ niệm của Nguyễn Tiến Huy (SN 1995) gắn liền với những buổi chăn trâu trên cánh đồng bát ngát, cùng bạn bè tắm mát dưới dòng sông xanh biếc thơ mộng. Năm 2013, Huy lần đầu đặt chặt lên Hà Nội để học tập. Chàng trai trẻ thuê trọ ở khu vực Kim Giang, quận Hoàng Mai, Hà Nội, bên cạnh dòng sông Tô Lịch. Thời điểm ấy, Huy cảm nhận sông Tô Lịch không giống với dòng sông quê mình.
Huy kể, vào mùa hè, mùi nước sông bốc lên rất khó chịu. Các anh chị, bạn ở cùng nhà trọ cứ đi học về là đóng chặt cửa ở trong phòng, không ai nói chuyện với ai. Cạnh khu Huy sống cũng có những công viên nhưng rất vắng, ít người qua lại.
Rất nhiều nỗi trăn trở hiện lên trong suy nghĩ của Huy rằng: “Tại sao chúng ta phải sống trong một môi trường như vậy khi mà chúng ta có thể thay đổi được nó?”. Huy dần nung nấu ý tưởng hành động để bảo vệ môi trường. Chàng trai người Hải Dương bắt đầu tham gia các hoạt động tình nguyện, đi nhặt rác ở trên bờ. Từ đây, Huy quen biết những người bạn, anh chị có chung ý tưởng, mong muốn bảo vệ môi trường.
Cuối năm 2022 là lúc Huy chính thức thành lập dự án Hà Nội Xanh khi… chỉ có một mình. Anh chàng đã gọi điện cho những người bạn thân nhất, mong nhận được sự ủng hộ. Thế nhưng, gọi cho 10 người thì chỉ có 1-2 người đồng ý tham gia, còn lại đa số đều phản đối. Điều này khiến Huy hơi hụt hẫng nhưng không vì khó khăn ban đầu mà chàng trai nản chí.
Ngày đầu tiên thực hiện dự án, Huy cùng 2 người bạn dọn rác ở sông Tô Lịch. Khi bước chân xuống dòng sông ô nhiễm, mùi hôi thối xộc thẳng vào mũi khiến cả nhóm khó chịu. Sau 3 tiếng dọn rác, trở về nhà, Huy cùng một người bạn bị sốt nhẹ, còn một bạn khác thì nổi mụn ngứa ở tay. Không chùn bước, buổi dọn rác thứ 2, thứ 3 của nhóm vẫn tiếp tục diễn ra.
Một kỷ niệm vô cùng đáng nhớ mà đến giờ kể lại, Huy vẫn còn run. Đó là vào ngày thứ 4, khi đang dọn rác dưới sông, Huy bỗng thấy nhói, cảm giác có vật gì đó đã đâm vào chân. Đến khi lên bờ, chàng trai bủn rủn chân tay khi thấy một chiếc kim tiêm vẫn còn dính ở đùi. Những người bạn đi cùng rất sợ hãi và nhanh chóng chở Huy ra khu vực phòng khám gần nhất. Tại đây, các nhân viên y tế đã rửa vết thương, tiêm phòng uốn ván cho Huy và tư vấn cho anh tiêm mũi thứ 2 sau 1 tháng.
Sự cố này cũng là bài học giúp Huy hiểu được rằng, sự an toàn của các tình nguyện viên phải được đặt lên hàng đầu. Sau hôm đó, các bạn tình nguyện viên trong nhóm đều được đi tiêm phòng uốn ván. Huy cũng tìm mua những bộ quần áo bảo hộ dày dặn hơn cũng như các dụng cụ hỗ trợ cho việc dọn rác.
70 tấn rác đã được dọn đi khỏi khu vực.
Làm sạch hơn 100 điểm sông đen ở Hà Nội
Nhóm của Huy chỉ có lác đác vài thành viên như vậy cho đến một ngày, khi đang làm việc thì có một số cô chú nói với nhóm rằng: “Các cháu nhặt rồi người ta lại vứt ra thì nhặt đến bao giờ?”. Đêm đó, Huy đã suy nghĩ rất nhiều về câu nói đó và nhận ra, việc nhặt rác chỉ giải quyết được phần ngọn, quan trọng nhất là làm sao để nâng cao ý thức của người dân, mỗi người đều chủ động giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Những buổi dọn rác sau đó, Huy chụp ảnh, quay clip lại và đăng tải lên mạng xã hội với mong muốn lan tỏa, giúp người dân nâng cao ý thức cũng như truyền cảm hứng cho các bạn trẻ, đồng thời thu hút thêm tình nguyện viên. Và đó thực sự là hướng đi đúng đắn của Huy khi chỉ sau 4 tháng hoạt động, nhóm đã có gần 400 tình nguyện viên. Lúc này, thủ lĩnh Hà Nội Xanh cũng quyết định nghỉ công việc có mức thu nhập khá để tập trung cho công việc của nhóm.
Với lực lượng tình nguyện viên đông đảo, năm 2023, Hà Nội Xanh tiến hành dọn từ 12-15 buổi/tháng. Đến năm 2024, lượng rác thải đã giảm đi đáng kể, tần suất hoạt động của nhóm giảm xuống chỉ còn 1 buổi/tuần. Gần 2 năm qua, nhóm đã làm sạch hơn 100 điểm sông đen tại TP.Hà Nội với gần 200 buổi ra quân, thu gom được hàng trăm tấn rác thải.
Đặc biệt, trong năm 2024, nhóm có nhiều buổi ra quân lớn như chiến dịch dọn rác sông Hồng với hơn 800 lượt tình nguyện viên tham gia và dọn được 70 tấn rác. Sau đó, địa điểm này đã được cải tạo thành vườn hoa cúc vàng ươm, thơ mộng, trữ tình, thu hút hàng ngàn người dân đến check-in.
Năm 2024, Hà Nội Xanh đồng hành cùng Á hậu Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 Đỗ Thị Phương Thanh mang dự án dọn rác dưới lòng sông về Thái Bình để thực hiện làm sạch và đặt phao chắn rác tại con sông ở ngã tư xã Song Lãng, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Dự án góp phần thúc đẩy tinh thần, nhiệt huyết của tuổi trẻ địa phương trong việc bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, Hà Nội Xanh còn tích cực tham gia cứu trợ người dân vùng lũ lụt ở Tuyên Quang, Yên Bái, Sóc Sơn (Hà Nội),... nơi bà con chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3.
Hiện tại, Hà Nội Xanh đã liên kết với công ty ở Nhật để có những sản phẩm xử lý rác triệt để hơn, không gây ảnh hưởng đến môi trường thay vì chôn, đốt rác.
2 năm qua, dự án gặt hái được nhiều quả ngọt song cũng phải đối diện với không ít khó khăn, nhất là về vấn đề kinh phí hoạt động và công tác quản lý. Mặc dù vậy, Hà Nội Xanh hạnh phúc vì nhận được nhiều sự ủng hộ của mọi người cùng những tín hiệu đáng mừng như: đa số các dòng sông nhóm từng dọn không còn rác trôi, ý thức của nhiều người dân được nâng cao, không còn vứt rác xuống sông, xả rác bừa bãi,... Đó chính là động lực to lớn giúp Hà Nội Xanh tiếp tục những hành trình trong tương lai.
Ảnh: Hà Nội Xanh