Thân cây chuối bỏ đi được “hồi sinh” thành mặt hàng tỷ đô. Ảnh Musa Pacta.
Vòng một của cuộc bình chọn “Doanh nghiệp xã hội toàn cầu”, kéo dài từ ngày 27/4 đến 22/05/2022, do trường Đại học Montreal Canada và GS Muhammad Yunus (chủ nhân giải Nobel Hoà bình năm 2006) khởi xướng đã khép lại sau khi chọn ra được 3 ứng viên vào vòng trong. Kết quả của cuộc bình chọn thể hiện sự quan tâm của cộng đồng đến sản phẩm và lĩnh vực mà doanh nghiệp hoạt động.
Đáng chú ý, một doanh nghiệp của Việt Nam đã vượt qua gần 100 doanh nghiệp nước ngoài để giành vị trí thứ hai với 24% số phiếu bình chọn.
Doanh nghiệp Việt này là Công ty TNHH MTV Musa Pacta (Công ty Musa Pacta), là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam sản xuất và kinh doanh sợi chuối và các sản phẩm từ sợi chuối. Hoạt động của công ty góp phần xử lý rác thải nông nghiệp (thân chuối sau thu hoạch), tạo công ăn việc làm và tạo nên một ngành nghề mới, sản phẩm mới cho đất nước.
Công ty Musa Pacta được thành lập vào năm 2019 do anh Bùi Khánh Dũng (sinh năm 1976) làm Giám đốc. Xuất phát từ thực tế hàng triệu cây chuối mỗi năm bị bỏ đi sau khi thu hoạch quả, trong khi thân cây chuối có thể đem lại giá trị kinh tế đầy tiềm năng khi có thể làm ra sợi chuối, tơ chuối, để rồi từ đó tạo ra các sản phẩm thủ công mĩ nghệ, giấy,… mang lại giá trị cao hơn, anh Bùi Khánh Dũng quyết tâm “hồi sinh” thân cây chuối và đã thành công trong việc sở hữu Bằng độc quyền giải pháp hữu ích sản xuất sợi từ thân cây chuối.
Từ sản phẩm sợi chuối thô có thể sản xuất nhiều loại sản phẩm như thủ công mỹ nghệ, giấy các loại như giấy in tiền, giấy gói hàng, đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ô tô, du thuyền…
Trên thế giới, sợi chuối còn được dùng để sản xuất băng vệ sinh, túi lọc trà, vải,… Đáng chú ý, hãng xe Mercedes-Benz A thế hệ thứ hai thiết kế lốp xe dự phòng được phủ một vật liệu tổng hợp, polypropylene, nhựa nhiệt dẻo kèm theo các sợi chuối, với độ bền kéo cao và chống mục.
Anh Bùi Khánh Dũng (áo trắng, đeo kính) tiếp các đối tác tại văn phòng công ty. Xung quanh là một loạt sản phẩm làm từ chuối: bàn ghế, túi xách, đèn lồng, giỏ, chậu cây,...
Ban đầu thành lập công ty, anh Dũng phối hợp với hợp tác xã Khai Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) xử lý thân chuối, sau đó sản xuất ra những sản phẩm đầu tiên. Đến nay, Musa Pacta không đầu tư vào diện tích trồng chuối mà chọn cách hợp tác cùng các hợp tác xã tại nhiều địa phương có vùng nguyên liệu trồng chuối rộng lớn.
Sau khi thân chuối được thu gom về, bổ đôi, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi. Phần lõi trong cùng thân chuối là phần có thể thu được sợi mềm và dẻo nhất, lớp vỏ ngoài cùng lại cho sợi cứng và dày nhất.
Sợi chuối khô sau khi tuốt sạch sẽ được tết lại thành những sợi thừng lớn nhỏ và nhuộm đủ màu. 1 tấn thân chuối trung bình thu được 10 - 15kg sợi chuối phơi khô, hiện đang thu mua từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, tùy theo chất lượng.
Một cơ sở chế biến sợi chuối của công ty ngay tại vùng nguyên liệu thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh Musa Pacta.
Từ những sợi chuối đó đan thành túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm, dép… với nhiều kiểu dáng độc đáo. Thậm chí, những mảnh sợi vụn cũng vẫn được tận dụng ép thành giấy, làm đèn lồng, hay giấy vẽ tranh ấn tượng.
Điều đặc biệt, nước thân chuối sau khi trải qua quá trình ép lấy sợi cũng được đem ngâm ủ với quả chuối cùng các enzyme sinh học khoảng 3 tháng để làm chế phẩm sinh học hữu cơ, thích hợp cho việc tưới cây cảnh và rau củ.
Anh Dũng cho hay, những sản phẩm như đèn làm bằng sợi chuối trên thị trường thế giới đang bán 200 - 300 USD, thậm chí có giá 600 - 800 USD. Công ty Musa Pacta thành lập vào đúng thời điểm thế giới bắt đầu xuất hiện đại dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm ra thế giới có phần khó khăn.
Tuy nhiên, đến nay công ty đã không còn gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm ra nước ngoài. Các sản phẩm thủ công, gia dụng của công ty được thị trường đón nhận một cách tích cực vì chất lượng và mẫu mã được đánh giá cao.
Anh Bùi Khánh Dũng (trái) giới thiệu sản phẩm cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan tại một cuộc triển lãm. Ảnh Musa Pacta.
Mới đây, Musa Pacta đã có buổi làm việc với TP Uông Bí (tỉnh Quảng Ninh) về đề xuất triển khai dự án “Công viên bảo tồn sinh thái chuối Việt - Musa Park”. Mục đích của dự án hướng tới bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính, phát triển du lịch bền vững, phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Anh Bùi Khánh Dũng cho biết, dự án “Công viên bảo tồn sinh thái chuối Việt - Musa Park” có quy mô hơn 300 loài chuối, diện tích 9 - 20ha, tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 có thể triển khai ngay trong năm 2022.
Trước đó, cuối năm 2021, Công ty cũng đã ký thoả thuận hợp tác với UBND huyện Bát Xát (Lào Cai) về việc xây dựng nhà máy sản xuất sợi chuối và Công viên Bảo tồn sinh thái chuối – Musa Park. Dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Một số sản phẩm làm từ thân cây chuối. Ảnh Musa Pacta.
Những thú vị của sợi chuối
Cây chuối chỉ ra quả một lần trong đời và phần còn lại của cây bị vứt bỏ như chất thải nông nghiệp. Vì vậy mỗi năm có hàng tỷ tấn thân chuối bị vứt bỏ. Chất thải này, khi được đem vào sản xuất sợi chuối và làm ra các loại sản phẩm từ sợi chuối như hàng thủ công mỹ nghệ, giấy, sợi, vải dệt, không chỉ mang lại một ngành sản xuất trị giá hàng tỷ USD mà còn giúp sử dụng hợp lý hơn các sản phẩm an toàn, thân thiện cũng như giảm đáng kể chất thải nông nghiệp.
Nông dân trồng chuối hiện sẽ có thêm một nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống cũng như phát triển sản xuất. Thay vì chỉ bán trái chuối như trước đây, giờ đây họ có thêm một nguồn thu từ thân chuối để làm sợi chuối. Điều này giúp ích cho sinh kế không chỉ của những nông dân sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ, kể cả những trang trại lớn.
Các loại sợi có nguồn gốc từ dầu mỏ như nylon, polyester và acrylic hoặc thậm chí là các loại sợi tự nhiên như bông đòi hỏi một lượng lớn tài nguyên và hóa chất không thể tái tạo để sản xuất chúng, điều này gây ra nhiều thiệt hại không thể phục hồi cho hành tinh hơn bất kỳ lợi ích nào. Vải sợi chuối giúp giảm bớt áp lực lên tài nguyên môi trường và cần rất ít nước để sản xuất, nhờ đó thúc đẩy cuộc sống bền vững.
Sợi chuối hoàn toàn có thể phân hủy sinh học. Một số công ty đang chuyển sang sử dụng vải chuối để làm rất nhiều sản phẩm hữu ích và gắn bó với con người từ chiếc băng vệ sinh cho phụ nữ cho tới tấm áo khoác, từ đôi giầy cho tới chiếc rèm cửa, từ tờ giấy in tiền cho tới chất độn trong lốp xe hơi, từ vật liệu cách nhiệt, chống cháy trong các tầu, thuyền cho tới các tấp vách ngăn sử dụng trong xây dựng dân dụng.
Vải sợi chuối là một loại vải thuần chay lý tưởng thay thế cho lụa, một sản phẩm từ protein động vật. Vải sợi chuối có độ bóng bẩy, long lanh trước ánh sáng giống như tính chất của lụa. Chúng cũng mềm, mịn và và hơn thế chúng rất ít bắt bụi. Những người thuần chay hoặc yêu thích sự mềm mại, bóng láng của lụa nhưng mong muốn sử dụng một loại vải dệt không có nguồn gốc động vật thì vải sợi chuối là một lựa chọn hoàn toàn phù hợp.
Sợi chuối có thể được sử dụng để làm rất nhiều sản phẩm do tính chất linh hoạt của nó. Lớp vỏ bên ngoài tạo nên các sợi dày và chắc chắn có thể được sử dụng để làm dây thừng, đồ thủ công mỹ nghệ và thảm trong khi lớp vỏ mềm bên trong được sử dụng để làm giấy và quần áo. Các sợi vụn trở thành nguyên liệu hữu ích cho công nghiệp xây dựng, sản xuất thiết bị từ lốp ô tô cho tới đồ chơi cho trẻ em.
Sợi chuối là một trong những loại sợi tự nhiên bền chắc nhất trên thế giới. Bởi vậy giấy được làm từ sợi chuối dai, bền hơn nhiều so với giấy thông thường. Nó được sử dụng rộng rãi từ giấy sử dụng cho ngành ngân hàng cho tới giấy bao bì để có thể đựng đến 25 kg xi măng và các vật nặng khác. Trên thực tế, sợi chuối có độ bền cao nên được rất nhiều hãng ô tô sử dụng để tăng cường độ bền cho các vật liệu trên xe.
Sợi chuối có khả năng chống cháy, chống nước và chống rách, nó được coi là một trong những loại sợi tự nhiên bền nhất. Sợi chuối bao gồm các mô tế bào có thành dày được liên kết bởi keo tự nhiên. Trong một cuộc nghiên cứu, người ta phát hiện ra rằng giấy làm từ sợi chuối có thể tồn tại đến 100 năm và có thể gấp nếp đến 3.000 lần. Đặc điểm này làm cho nó phù hợp để làm giấy làm tiền tệ như ta có thể thấy với các tờ tiền Yên Nhật.
Quần áo làm từ loại vải này mềm mại, dẻo dai và đặc biệt thoáng mát. Nó hấp thụ độ ẩm, giữ cho bạn mát mẻ vào những ngày hè nóng nực, trái ngược với sợi tổng hợp gây khó chịu và đổ mồ hôi nhiều. Vì lẽ đó các xứ sở nóng nực như Ấn Độ, Ả rập, Dubai,… trở thành các quốc gia sử dụng rất nhiều loại vải này cũng như nó trở thành hàng may mặc có giá trị cao trong thời trang mùa hè.