Chàng trai 8x với đam mê sản xuất ống hút từ cây loi để bảo vệ môi trường

Trấn Long |

Với mong muốn bảo vệ môi trường, Lê Tiến Dũng (SN 1983) đã nghiên cứu, thực hiện mô hình làm ống hút từ cây loi.

Gặp Lê Tiến Dũng tại xưởng sản xuất ống hút ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La, khi anh đang kiểm tra độ hoàn thiện của sản phẩm ống hút để chuẩn bị xuất khẩu ra nước ngoài.

Quệt vội giọt mồ hôi trên trán, Dũng cho biết: Trong một lần đi du lịch nước ngoài, vô tình được sử dụng ống hút tre, cảm thấy rất sạch sẽ mà lại thân thiện với môi trường, cộng với từ bé đã được tiếp xúc với cây loi, là loại cây cùng họ với cây tre, ở Sơn La có nhiều, nhưng ở những nơi khác rất ít, nên Dũng đã nung nấu ý định làm sản phẩm ống hút hữu cơ ngay tại quê nhà.

Chàng trai 8x với đam mê sản xuất ống hút từ cây loi để bảo vệ môi trường - Ảnh 1.

Sản phẩm ống hút tre Sơn La được làm từ cây loi, vốn là loại cây có nhiều ở tỉnh Sơn La những địa phương khác có rất ít.

Đầu năm 2018, Dũng bắt tay vào thực hiện lô sản phẩm đầu tiên, tuy nhiên, từ ý tưởng đến thực tế là cả quá trình gian nan, đòi hỏi sự bền chí.

Trong 3 tháng đầu, các lô sản phẩm nào ra cũng bị hỏng, không nứt vỡ thì xỉn màu, loang lổ; không nản chí, Dũng tiếp tục mày mò, nghiên cứu, thay thế, cải tiến thiết bị làm sao để khắc phục toàn bộ nhược điểm của những sản phẩm trước, như: Thay thế lưỡi cưa của máy cắt bằng lưỡi cưa của máy cắt sắt để ống không bị vỡ; cải tiến máy sấy để loại bỏ khói ra khỏi buồng sấy, không làm sản phẩm mất màu tự nhiên.

Chàng trai 8x với đam mê sản xuất ống hút từ cây loi để bảo vệ môi trường - Ảnh 2.

Sản phẩm ống hút tre Sơn La đã có mặt tại nhiều tỉnh trong cả nước, và nhất là đã có mặt tại các thị trường tiên tiến, yêu cầu vệ sinh thực phẩm cao như Liên minh Châu Âu, Nga, Pháp, Đài Loan...


"Để làm ra thành phẩm phải trải qua rất nhiều thất bại, từ việc dùng máy móc sao cho hiệu quả nhất và nhanh nhất. Hơn nữa, khi làm ống hút phải đẹp và chất lượng.

Qua rất nhiều lần thất bại, cũng đã có lúc tôi nản chí, nhưng qua mày mò, đúc rút kinh nghiệp, lô sản phẩm đầu tiên ra thị trường dù khách hàng không hài lòng cho lắm, nhưng đây là sản phẩm hữu cơ nên mọi người cũng tham gia góp ý để tôi cải tiến dần", anh Dũng chia sẻ.

Dũng cho biết thêm: Quy trình để sản xuất ra sản phẩm ống hút loi cũng khá kỳ công, từ khâu khai thác nguyên liệu đến cắt cây loi theo kích thước quy chuẩn từ 20 – 23 cm, mài đầu ống rồi luộc trong vòng 24 tiếng bằng nước muối để xử lý mối mọt, hạn chế co nứt, đến khâu làm bóng và sấy ở nhiệt độ cao, tất cả quy trình có đến hơn 95% là làm thủ công và đặc biệt là không chất bảo quản.

Trong quá trình sản xuất vẫn có rủi ro một số ống bị nứt vỡ, còn những sản phẩm hoàn thiện vẫn giữ được màu sắc và mùi thơm của cây loi, quan trọng nhất là sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần và thân thiện với môi trường.

"Sản phẩm của mình chắc chắn sẽ đẩy lùi các sản phẩm ống hút nhựa, góp phần hạn chế được rác thải nhựa dùng 1 lần.

Tôi hy vọng những chủ quán nước hiểu rõ hơn về nguy hại của các loại ống hút nhựa với môi trường và sức khỏe, chuyển sang sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường", anh Dũng nói.

Hiện nay, 8 xưởng sản xuất ống hút của Dũng đã tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương, công xuất gần 100.000 ống hút/ngày; với giá bán từ 1.400đ đến 1.700đ một ống hút, sau gần 2 năm, sản phẩm ống hút tre Sơn La của Dũng đã có mặt tại nhiều tỉnh trong cả nước, và nhất là đã có mặt tại các thị trường tiên tiến, yêu cầu vệ sinh thực phẩm cao như Liên minh Châu Âu, Nga, Pháp, Đài Loan… các sản phẩm đều được người sử dụng đón nhận và ủng hộ nhiệt tình, góp phần hạn chế việc sử dụng ống hút nhựa, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Anh Tòng Tuấn Cường, chủ quán Cường Béo, phường Chiềng Lề, thành phố Sơn La đã bỏ hẳn ống hút nhựa, chuyển sang dùng ống hút tre: "Từ khi tôi nhập ống hút tre về dùng, khách hàng rất thích, vừa có cảm giác gọn nhẹ, cũng rất thuận tiện khi cầm tay. Thứ 2 là về kinh tế thì dùng cái ống hút này có thể dùng được từ 30 đến 50 lần, sau mỗi lần sử dụng thì mình có đồ cọ rửa sạch sẽ, phơi khô ráo dùng rất thoải mái, vừa tiết kiệm chi phí, vừa bảo vệ môi trường".

Tuy nhiên hiện nay, tình trạng chặt, phá rừng, phát cỏ làm nương vẫn còn tiếp diễn, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng nguyên liệu sản xuất, chính vì vậy Lê Tiến Dũng mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ bảo tồn vùng nguyên liệu, vừa để bảo vệ rừng, vừa để sản phẩm ống hút tre Sơn La đáp ứng được yêu cầu của thị trường trong và ngoài nước./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại