Chàng trai 11 năm "cõng" sách, xây 600 thư viện vùng cao: 'Sẽ làm đến khi nào không còn sức'

Chi Chi |

Những kỷ niệm, hạnh phúc vô hình trong quá trình cõng sách lên với trẻ em vùng cao khiến anh Nguyễn Tú Anh thấy cuộc đời này thật ý nghĩa.

Những hình ảnh thiện nguyện ngập tràn hạnh phúc của anh Tú Anh (áo xanh).

Những hình ảnh thiện nguyện ngập tràn hạnh phúc của anh Tú Anh (áo xanh).

Mục tiêu 1001 thư viện sách

Nguyễn Tú Anh (SN 1985, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) vốn sinh ra và lớn lên ở Yên Bái trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bố anh làm bảo vệ còn mẹ bán hàng ở chợ, cơm ăn không đủ bữa nhưng bố mẹ luôn nỗ lực nuôi ba đứa con ăn học đến nơi đến chốn.

Nhờ sự hy sinh của bố mẹ và nỗ lực của bản thân, năm 2007, Tú Anh đỗ Đại học Kinh tế TP HCM. Chàng trai miền núi mang gia tài chỉ có chiếc ba lô với ít quần áo vào Nam vừa học vừa làm thêm để tự trang trải cuộc sống.

Năm 2011, tốt nghiệp đại học, Tú Anh về lại Yên Bái rồi tranh thủ đi thăm thú các bản vùng cao. Nhìn cái nghèo đeo bám các bản làng dân tộc khiến trẻ em đói chữ khiến anh vô cùng trăn trở. Mọi thứ khiến anh nhớ về tuổi thơ mình đã từng trải qua.

"Lúc đó tôi nghĩ đến sách, muốn thoát nghèo trước tiên phải giàu có về tri thức", Tú An tâm sự với VnExpress về quá khứ.

Khi quay lại TP HCM, trăn trở của anh với việc học tập của các em bé vùng cao đã thôi thúc anh bắt đầu chiến dịch quyên góp sách cũ, sách mới, tự mình phân loại và gửi lên cho các em.

"Mỗi lần tôi đem sách lên, các em đều đón nhận và say sưa đọc. Từ đó, tôi nhận ra rằng, mình cần phải mang nhiều sách hơn lên cho các em. Tôi đặt ra mục tiêu lập 1001 thư viện cho trẻ em vùng sâu, vùng xa", anh nói về cơ duyên tạo ra chương trình thiện nguyện xây thư viện vùng cao.

Mất vài năm hoạt động đơn độc, tự mình làm tất cả các khâu từ thu gom, phân loại cho đến vận chuyển sách, Tú Anh bắt đầu lan tỏa được công việc đầy nhân văn của mình ra cộng đồng. Không lâu sau, anh có thêm nhóm bạn, người cùng sở thích đồng hành. Thế nên, anh đã lập ra nhóm Chủ Nhật yêu thương.

Mỗi sáng cuối tuần, Chủ Nhật yêu thương lại tập hợp tại căn nhà rộng khoảng 90m2 ở TP.Thủ Đức để phân loại, đóng gói, gửi sách đến nơi có nhu cầu nhận sách miễn phí.

Sẽ làm đến khi không còn sức lực

Thoáng cái 11 năm đã trôi qua kể từ ngày ý tưởng xây dựng thư viện của Tú Anh được nhen nhóm. Tính đến nay, anh đã cùng nhóm xây được 600 thư viện vùng cao, tất cả các chi phí từ thu mua sách, vận chuyển sách đến tay người nhận đều do nhóm tự chi trả.

1 triệu quyển sách các loại đã đến tay trẻ em vùng sâu vùng xa trên các tỉnh thành từ Bắc vào Nam với niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Tú Anh chia sẻ với Vietnamnet về thành quả thiện nguyện của nhóm suốt 1 thập kỷ qua rằng: "Sau thời gian thực hiện ước mơ giúp đỡ các em, tôi nhận thấy con đường mình đang đi là đúng đắn dù rất chậm. Dù không thể giúp tương lai các em tốt hơn trong ngày một, ngày hai nhưng chúng tôi đã và đang tạo cho các em thói quen đọc sách, trau dồi kiến thức".

Chàng trai 11 năm cõng sách, xây 600 thư viện vùng cao: Sẽ làm đến khi nào không còn sức - Ảnh 1.

Thành viên nhóm đang phân loại sách. Ảnh: Nhóm Chủ nhật yêu thương

Hiện nay, nhóm Chủ Nhật yêu thương của anh Tú Anh đã có hàng nghìn thành viên trên khắp cả nước. Tú Anh và nhóm đến các làng, bản, thôn, xóm thuộc vùng sâu vùng xa để tổ chức lễ hội sách cho các em nhỏ đều đặn vài lần mỗi năm. Thời gian còn lại, nhóm dành để tập hợp và phân loại sách.

Xây 600 thư viện sách cũng giúp anh Tú Anh và nhóm góp nhặt hàng trăm kỉ niệm hạnh phúc vô hình. Hạnh phúc ấy thôi thúc anh và những người đồng hành tiếp tục hành trình mang tri thức đến với trẻ em nghèo.

“Những kỷ niệm, hạnh phúc vô hình ấy cho chúng tôi thấy việc làm này thật ý nghĩa. Hơn thế, nó chứng minh hành trình ấy mang lại hiệu quả và giúp chúng tôi có thêm động lực để đóng sách, xây thư viện đến khi nào không còn sức nữa”, anh Tú Anh chia sẻ với báo trên.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại