Câu chuyện như sau:
Một vị giáo sư đang đi dạo cùng với cậu sinh viên của mình, đột nhiên họ nhìn thấy 1 đôi giày cũ trên đường, và cho rằng đó là giày của anh nông dân đang cày lúa bên cánh đồng đằng xa
Hình minh họa
Cậu sinh viên nghịch ngợm nói với vị giáo sư:
"Hay là thầy trò mình trêu anh ta một chút nhỉ, em muốn thử giấu đôi giày đó rồi trốn vào bụi rậm, để xem thái độ của anh nông dân thế nào khi đôi giày biến mất".
Vị giáo sư nhẹ nhàng nói:
"Này, chúng ta không nên trêu chọc những người nghèo khổ như vậy, nếu em muốn có gì đó vui vẻ để chơi, hãy thử làm cách này xem: Chúng ta sẽ đặt một đồng tiền vào mỗi chiếc giầy của anh ta, và xem thái độ anh ta ra sao?".
Anh sinh viên đồng ý, và họ đã làm như vậy rồi chờ đợi trong bụi rậm. Một lát sau, người nông dân từ ruộng bước lên, xỏ chân vào đôi giày và vô cùng sững sờ khi thấy những đồng tiền bên trong, anh lập tức quỳ xuống cảm tạ trời đất:
"Con không biết ngài là ai, nhưng thực sự cảm ơn ngài vì những đồng tiền này, nó đã giúp những đứa con thơ dại và người vợ bệnh tật của con có thêm miếng ăn cho những ngày mùa đông rét buốt này!".
Chàng sinh viên lặng người đi vì xúc động, anh chợt nhận ra bản thân mình sinh ra trong gia đình khá giả, tiền ăn tiền học luôn được bố mẹ chu cấp không thiếu đồng nào, trong khi người nông dân kia thì phải vất vả kiếm miếng ăn cho gia đình từng bữa một.
Cảm giác hối hận, tự trách dâng lên trong lòng chàng sinh viên trẻ tuổi, ngờ nghệch. Thấy vậy, vị giáo sư ôn tồn nói: "Bây giờ thì em đã thấy trò chơi này vui hơn trò chơi ban đầu của em chưa?".
Chàng sinh viên ngậm ngùi:
"Quả là một bài học thấm thía, cảm ơn thầy, nhờ có nó mà em mới hiểu ý nghĩa cuộc sống này, không ngờ việc giúp đỡ anh ta lại khiến trong lòng em xúc động và hạnh phúc đến như vậy!".
Bài học từ câu chuyện:
Bất cứ ai cũng đã có lần nghe câu nói "cho đi là hạnh phúc" nhưng thực hiện được điều đó chẳng dễ dàng gì, hạnh phúc mà bạn nhận được khi "cho đi" chỉ thật sự đến khi bạn "cho đi" mà không nghĩ ngợi đến lợi ích cá nhân.
Một điều kỳ diệu xảy ra khi nó đúng lúc, đúng việc. "Cho" là không mong được "nhận" lại, không mong người khác sẽ trả ơn lại cho mình vì đã giúp đỡ họ.
Trong cuộc sống, khi ta đem niềm vui đến cho người khác có nghĩa là đã tạo được cho mình một niềm hạnh phúc. Chúng ta hãy sống hết mình với người khác đi, rồi đến lúc ta sẽ đón nhận rất nhiều niềm vui hạnh phúc từ nơi mà ta chẳng ngờ tới.
Đã là con người thì cũng không ai hoàn thiện cả, vấn đề quan trọng là chúng ta biết sống như thế nào cho xứng đáng với bản chất thật sự, để không phải thổ thẹn với lương tâm của chúng ta. Khi nào bạn làm được điều đó, thì cũng chính là lúc bạn nhận lại được niềm vui cho mình.