Chàng "công tử bột" Hà Thành và con đường gian nan đi tìm thành công

Công Tuấn |

Từ một công tử bột 21 năm không biết giặt quần áo, thậm chí không tự mình nấu nổi gói mì, Xuân Trường đã trở thành chủ của hai cửa hàng thời trang với mức thu nhập ngưỡng mộ.

Nhắc đến Trần Xuân Trường (SN 1992, Hà Nội), bạn bè và những người quen biết thường nói về một cậu trai được bố mẹ nuông chiều, vụng về và đặc biệt là ham chơi, lười nhác.

Thế nhưng đó là hình ảnh của Trường 2 năm về trước, còn bây giờ anh xuất hiện trong vai trò là một ông chủ đa tài, khéo léo với hai cửa hàng thời trang cùng doanh thu lên đến 400 triệu đồng/tháng.

Trò chuyện cùng Trường, anh chia sẻ với tôi về quãng thời gian dài bị gắn mác công tử bột, về những gian nan khi đi tìm thành công cùng những niềm vui, nước mắt khi từng bước khẳng định tên tuổi của mình. 

Với Trường, hành trình 2 năm qua là một điều kì diệu, mà đến bây giờ anh vẫn coi đó là một thứ "không thể tưởng tượng nổi".

Chàng công tử bột Hà Thành và con đường gian nan đi tìm thành công - Ảnh 1.

Chàng trai "công tử bột" khiến nhiều người nể phục khi là chủ của hai cửa hàng thời trang có tiếng tại Hà Nội

Chàng công tử bột 21 năm không biết nấu mì tôm

Là con 1 nên Trường được bố mẹ chiều chuộng, cơm bưng nước rót mà không phải làm bất kì một điều gì. Từ việc quét nhà, rửa bát, nấu cơm, giặt quần áo… mọi thứ lớn nhỏ trong nhà Trường đều không phải động tay chân. 

Thậm chí kể cả việc nấu mì tôm cũng không biết làm mà phải nhờ mẹ. Cuộc sống của Trường lúc đó khá đơn giản, đi học – đi chơi – tụ tập bạn bè đến khuya – chơi game, rất ít khi về nhà, hoặc chỉ ghé qua nhà để…xin tiền ăn tiêu.

"Chia sẻ ra thế này thì xấu hổ nhưng đến năm 21 tuổi rồi mà mình còn chưa biết làm gì cả, đến những việc đơn giản nhất trong cuộc sống mà mình còn không làm được. Cảm thấy cực kì vô dụng.

Bố mẹ thấy mình lớn rồi mà không có bất cứ một kế hoạch nào cho tương lai thì cũng lo lắng lắm, có khuyên nhủ nhưng mình không để tâm. Lúc ấy bản thân chỉ nghĩ đơn giản, mình là con 1 nên những gì bố mẹ làm sẽ để hết lại cho mình, sau này sẽ cứ vô tư hưởng thụ thôi. 

Gia đình có nhiều mối quan hệ nên mình lại càng tin rằng sẽ được bố mẹ tìm cho một công việc nhàn hạ nên bản thân mình không cần phải cố gắng làm gì cho phí sức".

Chàng công tử bột Hà Thành và con đường gian nan đi tìm thành công - Ảnh 2.

Là con 1 nên Trường được bố mẹ chiều chuộng, cơm bưng nước rót mà không phải làm bất kì một điều gì

Sau khi tốt nghiệp cấp III, Trường thi trượt đại học nên xin học tiếp ở Cao đẳng nghề công nghiệp Hà Nội. Nhưng vì bản tính ham chơi, lại lười học nên anh thường xuyên trốn học, tụ tập bạn bè, lao mình vào game. 

Trường chia sẻ, cuộc sống thời điểm đó thật sự buồn tẻ và đến bây giờ nhìn lại thì cảm thấy đó là khoảng thời gian quá phí phạm. Cái điều nhàm chán ở đây chính là việc không biết làm gì cả, cũng không tìm được niềm vui gì đó trong cuộc sống.

Hành trình bắt đầu: Làm phục vụ bàn, mở quán bán nước

Sau đó Trường quyết định đi xin làm thêm ở một quán café với mục đích đi làm cho vui và để không phải xin tiền của bố mẹ nữa. Thế nhưng người phỏng vấn đã không nhận Trường vào làm việc vì đánh giá anh "quá công tử".

"Thế rồi mình cũng tìm được công việc phục vụ quán cafe qua lời giới thiệu của một người em. Thời điểm đó khá kinh khủng, mình làm cái gì cũng bị người ta mắng, đơn giản là vì mình…không biết làm cái gì cả.

Đi làm rồi mình mới thấm thía được nhiều điều, bắt đầu biết làm nhiều thứ như rửa cốc chén, phục vụ khách hàng và khả năng giao tiếp của mình đã được cải thiện rõ.

Nhận được tháng lương đầu tiên, mình vui lắm vì biết làm được ra tiền. Lúc đó người mình nghĩ đầu tiên là mẹ và mình đã dành 1/2 số lương đó để mua quà tặng mẹ. 

Mình bắt đầu hiểu được kiếm tiền khó khăn như thế nào, rồi thử đặt vào hoàn cảnh bố mẹ, mình mới thấy sai. Sai quá nhiều", Trường tâm sự.

Chàng công tử bột Hà Thành và con đường gian nan đi tìm thành công - Ảnh 3.

Anh bắt đầu đến với công việc nhân viên phục vụ quán cafe và đã có những thay đổi tích cực

Sau khi làm được 3 tháng Trường xin nghỉ làm rồi thuyết phục mẹ cho vốn để kinh doanh. Suy nghĩ của anh lúc đó rất đơn giản: Nghỉ học ở trường và muốn kinh doanh để nhanh giàu. Bố mẹ Trường ngăn cản quyết liệt vì biết tính anh "cả thèm chóng chán", mặc cho ra sức khuyên ngăn nhưng Trường vẫn quyết tâm làm.

Trường được mẹ cho số vốn là 15 triệu để mở hàng nước ngay dưới cửa nhà mình. Thời gian đầu anh tự tin làm được lắm, nhưng với suy nghĩ vẫn còn trẻ con và có phần ngạo mạn nên Trường dần dần đánh mất đi cơ hội. Trường phải đóng cửa hàng vì không thể duy trì được nữa. Lúc đó dường như tất cả mọi người đều quay lưng với anh.

"Mình bị người yêu bỏ, cùng lúc đấy người bạn thân nhất với mình do xích mích nhỏ dẫn đến không chơi với nhau nữa. Mình cảm thấy lạc lõng, cô đơn. Mình lên xe đi và đi không có điểm dừng. Lúc đó căm giận tất cả mọi thứ, kể cả chính bản thân mình.

Tại sao tại sao lúc mình thất bại lại không có ai ở bên cạnh, một lời động viên thôi, đôi khi chỉ là một câu nói từ ai đó. Rồi còn nghĩ cuộc đời này chắc mình chả làm gì nên hồn. Nằm nghĩ về bố mẹ lại cảm thấy thương. 

Tại sao mình không bằng con nhà người ta, tại sao mình lại yếu đuối nằm nhà khóc thế này, tại sao mình lại nằm đợi số phận đưa đẩy. Những suy nghĩ liên tục hiện lên và mình biết mình phải thay đổi. 

Mình muốn chứng minh cho bố mẹ và người bạn thân đó rằng mình không vô dụng, mình phải thành công và mình muốn được họ công nhận", Trường chia sẻ lại với tôi những cảm xúc lẫn lộn thời điểm đó.

Chàng công tử bột Hà Thành và con đường gian nan đi tìm thành công - Ảnh 4.

Trường mạnh dạn mở hàng nước nhưng sau đó thất bại. Anh bị người yêu bỏ, bạn thân không chơi cùng nữa, bố mẹ không tin tưởng...khiến anh chán nản.

4.000 chiếc áo và niềm tin về thành công

Ở nhà 3 tháng kể từ khi đóng cửa hàng, Trường bắt đầu lên kế hoạch kinh doanh quần áo. Cái khó lúc đó là vốn, Trường tiếp tục nêu nguyện vọng của mình với gia đình nhưng bố mẹ đều không ủng hộ vì anh vừa bỏ hàng nước. Để nhận được sự chấp thuận của bố mẹ, Trường lên kế hoạch rõ ràng rồi thuyết phục thêm một lần nữa. 

Thậm chí để làm mẹ xiêu lòng, Trường còn thủ thỉ: "Mẹ à, mẹ tin con không? Mẹ cho con thêm một cơ hội nữa đi, nếu không thành công con nguyện ở nhà bán cơm phụ mẹ". Với lời khẩn cầu của Trường, mẹ anh đã gật đầu đồng ý.

Trường dành thời gian 2 tuần ròng rã để đi tìm thuê nhà với giá 3,5 triệu đồng/tháng, nhưng để bán online trước. 

Anh bắt đầu công việc kinh doanh bằng cách đi tìm mối bán khuyên tai và vào chợ Đồng Xuân để tìm mua vải về tự may quần áo. Vì thời điểm đó chưa có tiền nên tất cả các mẫu ở cửa hàng đều do một tay mẹ anh may.

Chàng công tử bột Hà Thành và con đường gian nan đi tìm thành công - Ảnh 5.

Trường chuyển sang kinh doanh thời trang sau khi thuyết phục được gia đình đầu tư vốn

"Chuẩn bị mọi thứ xong xuôi thì mình khai trương cửa hàng quần áo. Nói thật là tất cả mọi người trong gia đình đều không ai tin mình sẽ thành công. Ngày đầu tiên khai trương, mình ngồi từ 9h sáng đến tận 3h chiều mới có 2 người bạn ghé qua chúc mừng. 

Bố mẹ phần vì công việc, phần vì không tin tưởng khả năng thành công của mình nên cũng không ghé qua. Mình cũng buồn nhiều lắm, vì không ai trong gia đình qua ủng hộ mình cả.

Ngồi gần như cả ngày mới bán được một số đồ nho nhỏ. Những ngày sau cũng không khả quan hơn. Vì ngõ nhỏ không có chỗ để xe và mình chưa biết cách quảng cáo nên có nhiều hạn chế. Dù không có khách nhưng ngày nào mình cũng mở và đóng cửa hàng đúng giờ, giữ vững quyết tâm và lập trường không được nản".

Làm được 2 tháng mà doanh số gần như không có, trong đầu Trường xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực. Vực lại tinh thần, Trường lên mạng tìm hiểu các mẫu hot của năm thì tình cờ phát hiện ra áo con công. 

Ngay ngày hôm sau, Trường dẫn mẹ vào chợ tìm mua vải về để may. Những sản phẩm may thử sau khi đăng lên mạng đã nhận được phản hổi không ngờ từ các bạn trẻ.

Nhận thấy là cơ hội lớn, Trường lập tức thuyết phục mẹ trở thành "thợ may" giúp mình. Trường chia sẻ, thời điểm đó áo công bán quá kinh khủng, mỗi ngày phải may ít nhất 10 áo để trả khách. Mẹ Trường bắt đầu lao vào may không ngừng nghỉ để giúp anh có áo trả khách kịp thời hạn.

"Mẹ mình lao lực đến nỗi bị ốm những vẫn phải may cho mình vì lúc đó mình không có tiền thuê may, và tiền công thuê cắt lúc đó khá đắt, nếu thuê mà bán rẻ thế là hết lãi. Nhìn mẹ may đến đêm rồi vẫn cần cù chịu khó, đứng nhìn mà mình đã khóc như một đứa trẻ. 

Lúc đó nhận ra không ai yêu mình như chính người sinh ra mình vậy. Toàn thân mẹ lúc nào cũng đau nhức nhưng vẫn tiếp tục may cho mình chỉ với một điều mong mình thành công. Tự nhủ với lòng là phải thành công, phải kiếm được nhiều tiền để bố mẹ bớt khổ".

Chàng công tử bột Hà Thành và con đường gian nan đi tìm thành công - Ảnh 6.

Anh đã nhờ mẹ làm "thợ may" để cho ra đời 4.000 chiếc áo công, và là bước ngoặt để anh phát triển công việc kinh doanh.

Sau 4 tháng cật lực bán áo công, Trường đã tung ra thị trường 4.000 chiếc áo công được may đo tỉ mỉ. Nhờ đó, anh tích được một số vốn nhỏ rồi nhờ một người anh dẫn sang Quảng Châu nhập hàng. Trường cảm thấy khó khăn và lo sợ vì không biết tiếng Trung, lại ít vốn nên nếu thuê phiên dịch thì không có tiền lấy hàng mà không thuê sợ lạc đường, bị thu hàng. 

Vượt lên sự khó khăn và tinh thần, cả hè Trường đi được 4 chuyến hàng nhưng đáng tiếc là cả 4 chuyến đó đều không bán được.

"Hàng tồn rất nhiều trong khi cả ngày chỉ bán được áo công. Mình nghĩ áo công rồi sẽ đến lúc hết thời, mình phải tìm ra được hướng đi mới. Sau khi định hướng được lại phong cách, mình lên xe và sang bên kia nhập hàng. 

Ngoài mong đợi, đợt hàng đó mình đăng lên mạng được rất nhiều người vào hỏi, lần đầu tiên thấy cửa hàng đông như thế.

Nhận ra được cơ hội lại đến, mình tiếp tục nhập hàng với phong cách all black. Mình bán qua Tết thì nhận thấy mình còn làm được hơn nữa, rồi bắt đầu xin mẹ vốn để chuyển cửa hàng đầu tư hẳn hoi", Trường kể lại quãng thời gian đầy niềm vui và nước mắt.

Sau đó không lâu, Trường khai trương cơ sở thứ mới, rồi nhanh chóng thu hồi vốn gửi trả mẹ. Sau 6 tháng, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, Trường đã mở thêm một cửa hàng nữa bằng chính những đồng tiền anh tự kiếm được mà không phải xin bố mẹ.

Chàng công tử bột Hà Thành và con đường gian nan đi tìm thành công - Ảnh 7.

Với doanh thu 400 triệu đồng/tháng, Trường đã khiến bố mẹ tin tưởng 100%, và hiện anh đang tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng thời trang nữa

"Trong kinh doanh thì không tránh khỏi việc cạnh tranh và chơi xấu. Như mình hồi đầu mới mở cửa hàng đã khó khăn lại bị hack mất facebook cá nhân. 

Nghĩ lại thấy tiếc lắm vì cũng có nhiều khách mua qua facebook cá nhân của mình. Nhưng đó cũng là động lực không nhỏ giúp mình thành công như thế này, càng khó khăn vất vả thì mình càng chứng tỏ được khả năng.

Đến bây giờ mình cũng không thể tin là mình đã làm được thành quả như thế, nó như một giấc mơ vậy. Gặp lại người bạn cũ, hai đứa đã bỏ qua những xích mích nhỏ để chơi và hiểu nhau hơn. Cảm thấy vui vì thành quả đã được người bạn đó công nhận.

Điều hài lòng nhất với mình bây giờ là mình đã tìm được sự ổn định cần thiết. Không phải lo nghĩ nhiều về kinh tế như trước, chỉ việc lên kế hoạch và thực hiện thôi. 

Đặc biệt là nhận được sự tin tưởng tuyệt đối 100% của bố mẹ, chứng minh cho bố mẹ thấy sự đầu tư cho mình là đúng đắn"

Sắp tới Trường sẽ thừa thắng xông lên tiếp tục mở thêm hai cửa hàng quần áo. Anh cũng chia sẻ, sẽ mở cửa hàng bán những sản phẩm thời trang với giá từ 80.000 đồng – 200.000 đồng, phù hợp với túi tiền học sinh, sinh viên nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại