Chân dung vị CEO ‘điên’ nhất Nhật Bản: Hoàn thành chương trình cấp 3 trong 2 tuần, lập kế hoạch kinh doanh 300 năm cho công ty

Vân Đàm |

Triết lý kinh doanh của Masayoshi Son là "liều ăn nhiều".

Masayoshi Son hiện là một trong những người đàn ông giàu có bậc nhất tại Nhật Bản.

Ông chính là Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của tập đoàn Softbank - đế chế truyền thông đồng thời là đơn vị đầu tư mạo hiểm vào hơn 1.300 Công ty công nghệ điển hình như: Yahoo Japan Corp., Zynga Inc, GungHo Online Entertainment Inc, Alibaba hay Cheezburger Network (hệ thống sở hữu nhiều trang web hài), Buzzfeed Inc…

Đã có thời kỳ, chính xác là thời điểm hoàng kim của cơn sốt dot.com, trên toàn thế giới, tài sản của Masayoshin Son tại Softbank và các công ty phần mềm được định giá tới 76 tỉ USD. Khi đó Masayoshin Son là người giàu nhất thế giới chứ không phải Bill Gates.

Tuy nhiên, để đến được với vinh quang ngày hôm nay, Masayoshi đã phải trải qua chặng đường dài đầy khó khăn.

Tuổi thơ cơ cực, hoàn thành chương trình cấp 3 sau 2 tuần

Sinh ra trong một gia đình làm nghề nuôi heo ở khu ổ chuột làng Tusu thuộc hạt Saga, vùng Kyushu, Masayoshi phải chịu không ít sự kỳ thị của bạn bè khi tới trường. Chính vì vậy ông phải vất vả thuyết phục bố mẹ cho mình tới Mỹ vào năm 17 tuổi.

Ngay khi nhập trường cấp 3 mới, ông đã tới gặp hiệu trưởng và khẳng định rằng mình đã biết hết mọi kiến thức trong sách giáo khoa và muốn được làm bài thi tốt nghiệp ngay lập tức.

Trước một cậu bé có phần ngang ngược đó, vị hiệu trưởng dĩ nhiên không đồng ý. Nhưng sau đó Masayoshi đã không bỏ cuộc mà tiếp tục gặp hiệu trưởng nhiều lần nữa cuối cùng vị này cũng phải gật đầu đồng tình.

Kết quả là Masayoshi đã vượt qua bài thi và hoàn thành chương trình cấp 3 chỉ sau 2 tuần nhập học.

Lên tới bậc Đại học, ông Son theo đuổi ngành kinh tế tại Đại học UC Berkeley. Tuy nhiên trong một lần tình cờ lướt qua tạp chí khoa học, ông bị cuốn hút bởi một bức ảnh khá lạ, có hình dạng như sơ đồ một thành phố trong tương lai.

Sau khi được một người bạn giải thích, chàng trai Masayoshi 19 tuổi khi ấy mới biết đó chính là một tấm microchip. Kể từ đó ông có tình yêu đặc biệt với máy tính.

Năm 1978, chàng sinh viên 19 tuổi khoa kinh tế học không có một đồng vốn, cũng chả có chút kiến thức gì về công nghệ, nhưng lại có thể tập hợp một nhóm các chuyên gia để rồi phát minh thành công một chiếc máy dịch thuật biết nói và bán lại cho tập đoàn Sharp với giá 100 triệu yên (gần 1 triệu USD).

Không ai tin rằng câu chuyện này là có thật. Số tiền này cũng là cơ sở giúp ông tạo dựng công ty sau này.

Softbank khởi nguồn là công ty phân phối phần mềm có tên Nihon SoftBank năm 1981 – sau đó được rút gọn thành SoftBank năm 1990.

Khởi đầu chỉ và vỏn vẹn 2 nhân viên tại một căn hộ chật chội ở Tokyo, Masayoshi Son sau này đã biến Softbank trở thành đế chế kinh doanh hàng đầu Nhật Bản với gần 70.000 nhân viên trên khắp thế giới.

Trong giai đoạn từ 2009 – 2014, vốn hóa thị trường của Softbank đã tăng trưởng tới 557% - mức tăng trưởng cao thứ 4 trong lịch sử toàn thế giới.

Thành công nhờ triết lý kinh doanh “liều ăn nhiều”

Vài năm sau, ông Son tham gia vào nhiều dự án ở đa dạng lĩnh vực, từ thiết bị truyền dẫn điện thoại, xuất bản tạp chí, hội chợ triển lãm Comdex đến dịch vụ Internet băng thông rộng.

Năm 2006, ông quyết định mua lại bộ phận điện thoại di động của Vodafone và đặt ra kế hoạch vượt mặt gã khổng lồ DoCoMo của Nhật trong vòng 10 năm. Lúc đó, “tất cả mọi người đều chế nhạo tôi vì quyết định hoang tưởng này”, ông Son nhớ lại.

Chỉ sau đó 1 năm, SoftBank là công ty đầu tiên bán ra chiếc iPhone tại Nhật với chiến dịch marketing rất khác thường. Nhờ đó, số lượng thuê bao đã tăng gấp đôi và bám sát đối thủ lớn nhất của họ là DoCoMo.

Tiếp đó vào năm 2012, ông Son lại có một quyết định vô cùng táo bạo là thâu tóm 70% cổ phần nhà mạng Sprint tại Mỹ với giá trị 20 tỷ USD. Thương vụ này giúp SoftBank trở thành nhà mạng lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau AT&T Wireless và Verizon.

Nhờ đó, ông đã thực hiện được tham vọng của mình là vượt mặt đối thủ DoCoMo sớm hơn tới tận 4 năm. SoftBank tiếp tục chiến lược là đầu tư dàn trải, Yahoo hay Alibaba cũng đều nằm trong tầm ngắm.

Khi Yahoo mới thành lập vào giai đoạn 1995, ông Son đã ngay lập tức tiếp cận lãnh đạo Yahoo, và chào mời mua gần 40% cổ phần công ty với giá 105 triệu USD. Đề nghị này đã làm chính sáng lập gia Yahoo – ông David Yang phải ngỡ ngàng.

“Ai cũng nghĩ ông ấy bị điên. Vì chỉ có điên mới bỏ ra 100 triệu USD mua cổ phần một công ty còn trứng nước. Nhưng đơn giản là vì ông ấy đã nhìn được trước viễn cảnh của 15 năm sau”.

Ông Son đã đúng. Sau gần 2 thập kỷ những người chủ vô danh năm nào của Yahoo nay đã trở thành tỷ phú, khoản đầu tư của ông đã tăng lãi hàng chục lần.

Nói đến các phi vụ đầu tư thành công của SoftBank, không thể không kể tới trường hợp của Alibaba. Vào năm 2000, ông Son bỏ ra 20 triệu USD đặt cược vào Alibaba – lúc đó chỉ là một cổng điện tử nhỏ kết nối các nhà sản xuất Trung Quốc với người mua ở nước ngoài.

Giờ đây, khi Alibaba lột xác trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất Đại lục, cổ phần của SoftBank được định giá vào khoảng 58 tỷ USD – cao gấp 2.900 lần khoản đầu tư ban đầu. Dẫu vậy, cuối năm ngoái, Softbank đã bán toàn bộ số cổ phần tại đây để lấy vốn tiếp tục thực hiện những khoản đầu tư tiếp theo.

Thương vụ thâu tóm ARM cũng được coi là một canh bạc lớn của ông Son, với giá trị lên đến 32 tỷ USD tức là cao hơn cả thương vụ Sprint. Tuy nhiên ARM đang có một vị thế khác hẳn với Sprint trước đây.

Kiến trúc chip xử lý di động của ARM đang được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, với các khách hàng lớn như Apple hay Samsung. Số lượng các con chip di động sử dụng kiến trúc ARM đã tăng lên 15 tỷ, đủ để thấy tiềm lực phát triển của hãng thiết kế này.

Có vẻ như lần này vị CEO của SoftBank đã có một thương vụ đầu tư đúng đắn, hay như đánh giá của các chuyên gia là khả năng chiến thắng rất cao.

Gặt hái thành công không ít nhưng cũng chính sự liều lĩnh trong kinh doanh cũng khiến ông Son có đôi ba lần nếm trải thất bại, thậm chí trên bờ vực phá sản.

Nhưng với tinh thần của một Samurai thời hiện đại, vượt khó vươn lên cùng với sự liều lĩnh trong kinh doanh đã khiến ông vực dậy và thành công ngoài mong đợi.

Trong văn phòng của Masayoshi Son luôn có một bức chân dung Ryoma Sakamoto – một Samurai nổi tiếng của Nhật Bản ở thế kỷ 19 để mỗi sáng nhắc ông phải đưa ra những quyết định sáng suốt và quyết đoán như Samurai.

Lập kế hoạch kinh doanh 300 năm

Son là doanh nhân bị ám ảnh bởi tương lai. Trong suốt buổi công bố kết quả kinh doanh tháng trước, ông nói rằng muốn trở thành Warren Buffett trong lĩnh vực công nghệ và ông đã lập ra kế hoạch kéo dài 300 năm cho Softbank.

Vâng, chính xác, 300 năm. Theo kế hoạch này, tới năm 2040, Softbank sẽ đầu tư vào 5.000 công ty làm cơ sở cho những thế hệ kế nghiệp ông sau này.

Ông ấy muốn công ty của mình giúp phá bỏ những rào cản về ngôn ngữ và cho phép mọi người giao tiếp dễ dàng hơn.

Trong năm 2010, ông đã đặt một câu hỏi dành cho những người theo dõi mình trên Twitter rằng: “Điều đáng buồn nhất trong cuộc đời các bạn là gì?" Câu trả lời phổ biến nhất là cái chết, sự cô đơn và nỗi thất vọng.

Nhận được quá nhiều lời phản hồi như vậy, Softbank đã thêm một mục tiêu vào triết lý kinh doanh của tập đoàn: Đảm bảo chắc chắn không ai phải cô đơn. Và kết quả là Softbank đã hợp tác cùng Foxconn để tạo ra robot Pepper để học cách yêu thương mọi người.

Với triết lý kinh doanh "điên" như vậy, ông Son hiện trở thành hình mẫu doanh nhân dám chấp nhận mạo hiểm, có trách nhiệm với xã hội để thế hệ khởi nghiệp noi theo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại