Cảnh quan trên Trái Đất α-Cen giả thuyết - Ảnh đồ họa từ ESO
Theo nhà khoa học hành tinh Haiyang Wang, tác giả chính của nghiên cứu, những hành tinh giống Trái Đất rất khó để được phát hiện với công nghệ hiện đại và nếu có phát hiện được thì việc tìm kiếm dấu hiệu của sự sống cũng rất khó khăn.
Nhưng dựa vào tính chất của một số hệ sao gần chúng ta như Proxima Centauri (cách 4,2 năm ánh sáng) hay Alpha Centauri AB (cách 4,37 năm ánh sáng), gần như chắc chắn phải có một vài bản sao Trái Đất đang lang thang trong vùng tối.
Vì thế, các tác giả đã quyết định tạo ra một "Trái Đất giả thuyết" với các tính chất cụ thể, mà từ đó các nghiên cứu sau có thể dựa vào để tìm kiếm các dấu hiệu trùng khớp.
Họ gọi hành tinh của mình là Trái Đất α-Cen, được giả định quay quanh cặp sao Alpha Centauri AB.
Theo Science Alert, dựa vào thành phần ngôi sao này, Trái Đất α-Cen sẽ có đầy đủ các nguyên tố hình thành đá như ma-giê, silicon, sắt... cùng nhiều chất bay hơi để cấu thành một thế giới sống được như carbon, oxy.
Trái Đất α-Cen sẽ phải có thành phần và cấu trúc giống Trái Đất với lớp phủ đá giàu khoáng chất silicat, kim cương, than chì, có khả năng lưu trữ nước.
Lõi sắt của hành tinh có thể lớn hơn một chút so với Trái Đất và ít hoạt động địa chất, có thể không có hoạt động kiến tạo mảng nên giống với Sao Kim hơn Trái Đất. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sống của nó những không có nghĩa sự sống không thể tồn tại theo một cách khác vì chính Sao Kim cũng đang bị NASA nghi ngờ là có sự sống.
Bầu khí quyển của Trái Đất α-Cen thời kỳ đầu sẽ giống với bầu khí quyển của Trái Đất trong liên đại Thái Cổ, là khi các vi sinh vật cổ đại đầu tiên xuất hiện. Bầu khí quyển này sẽ ngập khí mê-tan, carbon dioxide và nước.
Do Alpha Centauri AB già hơn Mặt Trời 1,5 đến 2 tỉ năm tuổi nên có thể Trái Đất α-Cen sẽ già hơn Trái Đất và đã đủ thời gian cho một dạng sự sống cao cấp hơn phát triển, bất chấp trở ngại về kiến tạo mảng.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, chúng ta có thời gian đến năm 2035 để tìm kiếm Trái Đất α-Cen, bởi Alpha Centauri A và B, hay còn gọi là Rigil Kentaurus và Toliman, sẽ ngày càng xa nhau trên quỹ đạo cho đến thời điểm đó, làm ánh sáng giảm bớt. Khi đó kính thiên văn sẽ không bị lóa mắt và có cơ hội tìm được những hành tinh đá nhỏ bé như Trái Đất.